MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường ngoại tệ còn không ít thách thức

12-06-2011 - 08:16 AM | Tài chính - ngân hàng

Kết quả nổi bật dễ nhìn thấy nhất là thị trường ngoại tệ tự do đã bị thu hẹp đáng kể, không còn sôi động, thậm chí hỗn loạn vì những cơn sốt tỷ giá như trước.

Một trong những kết quả nổi bật nhất trong mấy tháng qua là sự ổn định của thị trường ngoại tệ. Tuy nhiên, chưa thể  chủ quan, thỏa mãn với những kết quả này, bởi thị trường còn đối mặt không ít  thách thức.

Kế quả nổi bật

Kết quả nổi bật dễ nhìn thấy nhất là thị trường ngoại tệ tự do đã bị thu hẹp đáng kể, không còn sôi động, thậm chí hỗn loạn vì những cơn sốt tỷ giá như trước. Cùng với sự giảm nhiệt của giao dịch, tỷ giá giao dịch cũng được dần dần hạ xuống. Bắt đầu từ sự giảm xuống của tỷ giá trên thị trường tự do, làm cho chênh lệch tỷ giá giữa thị trường này so với thị trường chính thức từ mức cao ngất ngưởng (có lúc đã lên đến gần 2.000 VND/USD), giảm dần xuống, thậm chí có thời điểm còn thấp hơn cả thị trường chính thức- một hiện tượng hiếm thấy trong nhiều năm qua.

Trên thị trường chính thức, tỷ giá giao dịch thực tế thường chưa sử dụng hết biên độ giao dịch theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (±1% so với tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước công bố); xen kẽ những ngày tăng đã có nhiều ngày đứng và nhiều ngày giảm- điều hiếm thấy trước đây- và mức giảm lớn nhất so với tỷ giá sau ngày điều chỉnh tăng 11/2 có lúc lên đến 280 VND/USD.

Các doanh nghiệp và người dân đã bắt đầu bán ngoại tệ cho ngân hàng; bước đầu chuyển dần việc gửi/vay ngoại tệ sang mua/bán đứt đoạn ngoại tệ với ngân hàng; việc niêm yết giá thanh toán, mua bán trực tiếp bằng ngoại tệ đã được thu hẹp và trở lại theo quy định.

Khi thị trường tự do bị thu hẹp, chênh lệch tỷ giá giữa thị trường tự do và thị trường chính thức giảm thiểu, tỷ giá cơ bản ổn định và có xu hướng giảm, đã tạo thời cơ để Ngân hàng Nhà nước mua vào ngoại tệ ròng từ đầu năm đến đầu tháng 5 là 877 triệu USD, riêng tháng 5 lên đến 1,2 tỷ USD để cải thiện dự trữ ngoại tệ, tăng sức mạnh của quốc gia- một động thái mà từ giữa năm 2008 đến trước tháng 5/2011 chưa thực hiện được.

Động thái đưa tiền ra mua ngoại tệ còn góp phần cải thiện thanh khoản cho các ngân hàng thương mại, tạo tiền đề để giảm lãi suất cho vay,… Điều quan trọng là sau động thái mua vào ngoại tệ như trên, nhưng tỷ giá vẫn ổn định, tốc độ tăng giá tiêu dùng tháng sau so với tháng trước của tháng 5 đã thấp hơn của tháng 4, báo hiệu xu hướng tiếp tục tăng chậm lại trong các tháng tới.

Một kết quả khác là nhờ thị trường ngoại tệ ổn  định, đã góp phần ổn định thị trường vàng. Giá vàng đã giảm từ đỉnh điểm 38,5 triệu  đồng/lượng, xuống dưới 37,9 triệu đồng/lượng, mặc dù giá vàng thế giới đã mấy lần liên tiếp vượt hết đỉnh điểm này tới đỉnh điểm khác; giá vàng trong nước đã chuyển từ chỗ thường xuyên cao hơn giá vàng thế giới sang chỗ thường xuyên thấp hơn giá vàng thế giới; Việt Nam không phải nhập khẩu vàng để ổn định thị trường vàng trong nước, góp phần kiềm chế nhập siêu.

Kết quả tổng quát của việc ổn định thị trường ngoại tệ  là góp phần vào việc chống đô la hóa, vàng hóa nền kinh tế, góp phần vào việc ổn định tâm lý, tạo tiền đề thực hiện việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, củng cố và nâng cao lòng tin vào đồng tiền quốc gia.

Nguyên nhân chủ yếu và những vấn đề đặt ra

Đạt được những kết quả trên do nhiều nguyên nhân. Có nguyên nhân do Ngân hàng Nhà nước đã chọn đúng vấn đề tỷ giá - một huyệt quan trọng của nền kinh tế, vừa có thể chống tình trạng đô la hóa, vàng hóa, liên quan đến xuất nhập khẩu, liên quan đến nợ quốc gia, liên quan đến nhập khẩu lạm phát và khuếch đại lạm phát trong nước, liên quan đến lòng tin đối với đồng tiền quốc gia. Có nguyên nhân do Ngân hàng Nhà nước đã liên tục, dồn dập, kiên trì đưa ra nhiều giải pháp theo cùng một định hướng. Đây là hiện tượng hiếm thấy lâu nay và hiếm thấy so với các ngành, lĩnh vực khác. Trong các giải pháp trên, đáng chú ý là những giải pháp sau đây.

Một, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp Bộ Công an, các cơ quan chức năng ở Trung ương và địa phương tiến hành kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm của các điểm giao dịch, niêm yết giá bằng ngoại tệ, các điểm mua bán ngoại tệ trái phép.

Hai, Ngân hàng Nhà nước đã hai lần nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với ngoại tệ.

Ba, Ngân hàng Nhà nước đã hai lần hạ trần lãi suất huy động tiền gửi đô la đối với tổ chức, cá nhân, tạo ra chênh lệch lớn hơn giữa lãi suất huy động ngoại tệ và nội tệ, tạo tiền đề để chuyển việc gửi/cho vay bằng ngoại tệ sang việc mua/bán đứt đoạn ngoại tệ, tạo điều kiện cho việc chuyển từ gửi/cho vay bằng ngoại tệ sang việc gửi/ cho vay bằng nội tệ.

Bốn, Ngân hàng Nhà nước đã mấy lần có giải pháp “vượt trước ngăn chặn”. Lần thứ nhất vào 11/2, đứng trước sức ép tăng tỷ giá, đứng trước chênh lệch tỷ giá giữa thị trường tự do và thị trường chính thức rất lớn, đã quyết định điều chỉnh tỷ giá tăng với tốc độ cao nhất so với các lần điều chỉnh trước đây. Kết quả, chênh lệch tỷ giá đã giảm, góp phần kéo thị trường ngoại tệ tự do bị thu hẹp theo. Tháng trước, Ngân hàng Nhà nước đã có những động thái tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc ngoại tệ, hạ trần lãi suất huy động ngoại tệ, trước khi đưa một lượng tương đối lớn tiền đồng ra để mua ngoại tệ. Động thái này đã tạo điều kiện vừa tranh thủ thời cơ để tăng dự trữ ngoại tệ, cải thiện tính thanh khoản tiền đồng cho các ngân hàng thương mại, tạo điều kiện để hạ lãi suất cho vay,…, trong khi tỷ giá vẫn cơ bản giữ được ổn định.

Tuy đạt được những kết quả tích cực, nhưng chưa thể chủ quan, thỏa mãn, bởi thị trường ngoại tệ còn đứng trước những thách thức không nhỏ.

Nhập siêu liên tục tăng lên trong các tháng đầu năm, tạo sức ép lên tỷ giá về hai mặt. Một mặt nó làm cho cán cân thương mại, cán cân thanh toán bị mất cân đối. Mặt khác, nguyên nhân nhập siêu có nhiều, chủ yếu do tính gia công, do cơ cấu sản xuất, xuất khẩu chậm chuyển đổi, công nghiệp hỗ trợ chậm phát triển, do hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm sản xuất trong nước còn thấp,…; nhưng việc khắc phục nó làm cho nhiều người thường nghĩ ngay đến việc tăng tỷ giá để chặn lại, mà không thấy phải có giải pháp tác động đến các yếu tố đã nói ở trên.

Nguồn cung ngoại tệ  vào nước ta trong năm nay từ nguồn đầu tư  trực tiếp nước ngoài trong 5 tháng giảm; từ nguồn kiều hối sẽ khó tăng cao như năm trước; từ nguồn đầu tư gián tiếp, từ nguồn hỗ trợ phát triển chính thức, từ chi tiêu của khách quốc tế đến Việt Nam có thể tăng, nhưng không cao.

Tốc độ tăng CPI đã chậm lại, nhưng vẫn còn cao, nên tâm lý lạm phát vẫn còn, người có vốn vẫn còn kỳ vọng vào các nơi trú ẩn an toàn, trong đó có ngoại tệ, trong khi thị trường vàng trầm lắng, giá bất động sản có xu hướng giảm.

Mặc dù đã có  bài học về “vượt trước ngăn chặn” khi mua ngoại tệ, nhưng vẫn cần đặc biệt quan tâm đến biện pháp trung hòa, đến việc thu hồi đủ và kịp thời lượng tiền đồng đã đưa ra mua ngoại tệ để tránh gây áp lực đến lạm phát, đến tăng tỷ giá.
 
Theo Minh Ngọc
Chinhphu

hangnt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên