MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Huy động vàng trong dân, đâu là giải pháp?

13-06-2011 - 17:35 PM | Tài chính - ngân hàng

Lượng vàng trong dân ở VN thấp nhất vào khoảng 23 tỷ USD và cao nhất khoảng 47 tỷ USD theo giá vàng hiện hành. Đây là nguồn lực tài chính khổng lồ chưa được sử dụng hữu hiệu.

Theo Hội đồng Vàng thế giới, ở Việt Nam, lượng vàng dự trữ trong dân hiện lên tới trên 1.000 tấn. Một thống kê khác của Hiệp hội Khai thác vàng có trụ sở ở London, lượng vàng dự trữ trong dân tại Việt Nam vào khoảng 460 tấn. Như vậy, lượng vàng do dân chúng tích trữ thấp nhất vào khoảng 23 tỷ USD và cao nhất khoảng 47 tỷ USD theo giá vàng hiện hành. Đây là một nguồn lực tài chính khổng lồ chưa được sử dụng hữu hiệu.

Các chuyên gia kinh tế đều thống nhất rằng, nguyên nhân dân chúng để dành nhiều vàng như vậy do Việt Nam là một quốc gia trải qua chiến tranh trong thời gian dài và từ ngày hòa bình đã qua nhiều giai đoạn lạm phát phi mã. Vì vậy, để phòng vệ tiền đồng mất giá, dân chúng tìm đến vàng như một phương tiện đảm bảo giá trị tài sản lâu dài và ổn định.

"Vì vậy, có thể coi việc dự trữ vàng trong dân là một phương tiện để dành hợp pháp và cần có chính sách để huy động cho tăng trưởng kinh tế", TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Việt Nam nêu quan điểm.

Một số quốc gia ở châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ đều có dự trữ vàng rất lớn. Ước tính, Ấn Độ tích trữ 12.000 tấn, Trung Quốc 5.000 tấn và con số này vẫn tiếp tục tăng cùng với việc tăng thu nhập của dân cư, cũng như chính sách khuyến khích tăng cất trữ vàng của các chính phủ.

Một số nước cũng đang thực hiện các chính sách hữu hiệu, vừa khuyến khích dân chúng cất trữ vàng vừa huy động nguồn vốn này cho nền kinh tế. Ví dụ như Trung Quốc khuyến khích dân chúng gửi vàng (vàng vật chất) vào hệ thống ngân hàng như là một bảo lãnh cho các khoản tín dụng mà dân chúng có thể vay từ ngân hàng.

Cụ thể, ngân hàng nhận gửi vàng đồng thời phát hành chứng chỉ vàng của người dân và người dân bán chứng chỉ vàng trên thị trường tài chính hoặc rút vàng vật chất ra khỏi ngân hàng. Ngân hàng có thể cho vay trực tiếp bằng vàng đối với các DN kinh doanh vàng trang sức làm nguyên liệu hoặc bán cho ngân hàng trung ương (NHTW).

Trên thực tế, nếu không có ngân hàng làm trung gian và đặc biệt là không có NHTW tham gia với tư cách là người mua vàng cho quỹ dự trữ vàng chính thức thì việc huy động vốn bằng vàng trong dân không thể thực hiện được.

Điều này cũng giống như việc NHTW mua ngoại tệ dự trữ, qua đó bơm tiền vào nền kinh tế và tất nhiên, các nghiệp vụ này đều được thực hiện thông qua NHTM.

TS. Lê Xuân Nghĩa gợi ý, Việt Nam đang trong quá trình xây dựng nghị định về quản lý kinh doanh vàng, nên cũng cần tham khảo kinh nghiệm của Trung Quốc để thu hút lượng vốn rất lớn trong dân cư vào hệ thống ngân hàng.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, Ngân hàng Nhà nước hiện tại đang quan ngại việc huy động tiết kiệm bằng vàng có thể ảnh hưởng đến thanh khoản, chất lượng tài sản của các NHTM trong trường hợp giá vàng tăng lên.

Đặc biệt, lãi suất vay vàng khá hấp dẫn, chỉ bằng một nửa lãi suất vay VND, nhưng giá vàng luôn biến động nên dễ mang lại rủi ro cho người vay.

Bên cạnh việc bản thân NHTM rủi ro khi huy động vàng, mở rộng huy động và cho vay vốn bằng vàng của các tổ chức tín dụng tiềm ẩn rủi ro đối với nền kinh tế như: tăng tình trạng đôla hóa, tăng hiện tượng đầu cơ, thị trường "ngầm" về vàng diễn biến phức tạp, nhập lậu vàng tăng tác động tiêu cực đến thị trường tiền tệ, ngoại hối và tỷ giá…

Ông Trần Trọng Quốc Khanh, Giám đốc Trung tâm vàng ACB cho rằng, đó là những rủi ro thông thường của thị trường, cũng giống như rủi ro hối đoái, có thể được khắc phục bằng các công cụ phái sinh như hoán đổi, kỳ hạn, quyền chọn.

Ngoài ra, việc cho phép các NHTM huy động vàng và có thể cho vay hoặc bán trên thị trường nội địa cho các nhà kinh doanh vàng trang sức hoặc cho Ngân hàng Nhà nước, cũng làm giảm đáng kể lượng ngoại tệ mà các tổ chức này dùng để nhập khẩu vàng. Như vậy, cũng tránh được áp lực của việc nhập khẩu vàng đối với tỷ giá hối đoái, gây áp lực giảm dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước.

"Trong trường hợp Ngân hàng Nhà nước lo ngại về rủi ro đối với thị trường ngân hàng thì có thể cho phép một số ít ngân hàng lớn có năng lực quản lý tốt thực hiện việc huy động vốn bằng vàng", TS. Lê Xuân Nghĩa đề xuất.

Theo Hồng Dung
Đầu tư chứng khoán

kyanh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên