MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TS Lê Đăng Doanh: Không nên là người khai phá lúc này

Doanh nghiệp không nên cố gắng là người khai phá trong thời kỳ này mà hãy là người thứ hai nhưng sáng tạo, nhanh nhạy và khác biệt với người thứ nhất

Tại buổi hội thảo “Thách thức và cơ hội đối với Doanh nghiệp Việt Nam năm 2011” do CTCK Dầu khí tổ chức, T.S Lê Đăng Doanh đã chỉ ra những thách thức của kinh tế vĩ mô từ đó đưa ra khuyến nghị cho các doanh nghiệp.

Theo T.S Lê Đăng Doanh tình hình kinh tế vĩ mô vẫn còn nhiều khó khăn. Những bất ổn này là hệ quả của sự nới lỏng tiền tệ trong thời gian dài. Từ năm 2004-2009 lượng cung tiền M2 xấp xỉ 32%/năm, tăng trưởng tín dụng 37%/năm.

So sánh với các quốc gia trong khu vực như Indonesia, Philipines, Thái Lan thì tốc độ mở rộng cung tiền và tín dụng của Việt Nam cao hơn rất nhiều. Với Indonesia tốc độ này chỉ 14,5% /năm và 12,4%/năm, còn Thái Lan thậm chí tăng cung tiền M2 chỉ 7%/năm và tăng tín dụng là 4%/năm.


Bảng so sánh các chỉ số vĩ mô cơ bản của Việt Nam và một số nước

Cùng với đó là việc điều chỉnh tỷ giá cộng thêm tăng giá một số mặt hàng thiết yếu của những tháng đầu năm tạo ra động lực lạm phát tăng mạnh trong năm 2011.

Để đối phó với lạm phát thì Chính phủ và NHNN đã sử dụng nhiều biện pháp, trong đó có việc giảm tăng trưởng tín dụng xuống dưới 20%/năm, tổng phương tiện thanh toán dưới 16%/năm.

Kết quả đạt được là tín dụng tính đến 31/05/2011 chỉ tăng trưởng 6,92% trong đó tín dụng cho sản xuất tăng 25%, tín dụng cho phi sản xuất 18,87%.

Ngày 03/06/2011 Thủ tướng cũng đã có điều chỉnh chỉ tiêu kinh tế vĩ mô là lạm phát cố gắng kiềm chế dưới 15%/năm, tăng trưởng GDP ở mức hợp lý khoảng 6%/năm, bội chi ngân sách dưới 5%GDP, nhập siêu khoảng 16% kim ngạch xuất khẩu.

“Đó là bước đi thực tế, cầu thị, linh hoạt của Chính phủ trong bối cảnh đã có nhiều thay đổi” -T.S Doanh nhận xét.

Tuy nhiên hiện tại thì chỉ số CPI 5 tháng so với cuối năm 2010 đã tăng lên mức 12,07% nên dư địa như mục tiêu của Chính phủ không còn nhiều, do đó các doanh nghiệp cũng cần phải đánh giá thực tế. Với bối cảnh đó để đạt mục tiêu chắc chắn Chính phủ sẽ kiên trì và có biện pháp hiệu quả hơn. Như thế thì lãi suất ngân hàng chưa thể giảm ngay.

Trong 4 tháng đầu năm, số doanh nghiệp và vốn đăng ký kinh doanh giảm sút mạnh. Từ đầu năm có khoảng 24.800 DN đăng ký với số vốn đăng ký xấp xỉ 142.900 tỷ, bằng 90,4% về số DN và bằng 78,6% số vốn đăng ký cùng kỳ năm ngoái.

Khó khăn chính là cơ hội cải cách doanh nghiệp

Qua việc phân tích những khó khăn hiện tại của kinh tế vĩ mô, T.S Lê Đăng Doanh chỉ ra cơ hội cho các doanh nghiêp. Theo ông Doanh các doanh nghiệp tận dụng lúc này để cải cách, điều chỉnh cung cách quản lý để tiết kiệm chi phí.

Thời điểm khó khăn cũng chính là lúc các doanh nghiệp có thể nghĩ đến việc ngồi lại với nhau, hợp tác liên doanh liên kết giảm chí phí và tăng quy mô sản xuất.

“Lúc khó khăn cũng là lúc các bạn nên nói chuyện thẳng thắn với nhân viên tình hình thực tế của doanh nghiệp để cùng nhau đồng thuận, phát huy sáng kiến tìm giải pháp vượt qua thử thách.” – ông Doanh nói.

Theo T.S Lê Đăng Doanh thì các doanh nghiệp cũng không nên cố gắng là người khai phá trong thời kỳ này mà hãy là người thứ hai nhưng sáng tạo, nhanh nhạy và khác biệt với người thứ nhất. Mỗi doanh nghiệp đều có thể quan sát những doanh nghiệp đi trước, phân tích khía cạnh để chọn cho mình hướng đi phù hợp.

Kinh tế Việt Nam đang có sự phân cực rất lớn nên các doanh nghiệp cần phân loại chi tiết phân khúc khách hàng. Lấy ví dụ Unilever đưa ra sản phẩm gói dầu gội chỉ 500 đồng đưa về các vùng nông thôn, T.S Doanh gợi ý các doanh nghiệp cần phải có sự phân loại cụ thể để đưa sản phẩm phục vụ đúng đối tượng.

T.S Doanh cho rằng: “Nếu có tiền thì hãy mua cổ phần và nếu cảm thấy không thể vượt qua được thì cũng nên mạnh dạn bán một phần doanh nghiệp. Đây là việc không chủ doanh nghiệp nào muốn nhưng đó là giải pháp giúp DN vượt qua khó khăn”.

Cao Sơn

phuongmai

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên