MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đak Lak: Diện tích cây sắn tăng nhanh

27-06-2011 - 07:00 AM |

Diện tích trồng sắn của tỉnh năm vừa qua ước khoảng 27.500 hécta, nhưng đến nay đã tăng lên xấp xỉ 35.000 hécta, tức tăng thêm khoảng 30% mà chưa thấy dừng lại.

Năm 2010, tại Dak Lak đã có nông hộ trồng sắn thu tiền tỷ. Đó là động lực thúc đẩy người dân của tỉnh mở rộng diện tích cây sắn lên nhanh chóng. Số nông hộ trồng vài chục hecta sắn ngày càng nhiều.

Theo tin từ ngành nông nghiệp, diện tích trồng sắn của tỉnh năm vừa qua ước khoảng 27.500 hécta, nhưng đến nay đã tăng lên xấp xỉ 35.000 hécta, tức tăng thêm khoảng 30% mà chưa thấy dừng lại.

Bên cạnh việc thuê mướn lại đất đã khai hoang nhưng chưa sử dụng của bà con trong địa phương với giá 1 hécta khoảng 3-5 triệu đồng/năm, nhiều hộ dân tiếp tục lấn rừng để trồng sắn, bất kể đó là rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ đầu nguồn hay rừng của vườn quốc gia làm cho các ngành chức năng phải vất vả trong công tác quản lý.

Người dân cũng chuyển đổi nhiều diện tích đất đã bạc màu, trước đây trồng các loại cây khác ít hiệu quả như cây bông vải, cây mía, sang trồng sắn. Tuy nhiên, thói quen canh tác thiếu đầu tư và chú trọng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật có nguy cơ làm diện tích đất hoang hóa càng tăng nhanh.

Những năm đầu mới trồng cây sắn, đất còn màu nên năng suất lên đến 30 tấn củ tươi/hécta. Nhưng mấy năm vừa qua năng suất đã giảm, bình quân chỉ còn khoảng 20 tấn củ tươi/hécta.

Các nhà máy chế biến tinh bột sắn của Công ty Lương thực tỉnh có nhu cầu tiêu thụ mỗi năm khoảng hơn 220.000 tấn sắn củ. Ngoài ra còn có các nhà máy chế biến tinh bột của tư nhân, nhà máy cồn trong tỉnh và các nhà máy chế biến tinh bột khác ở khu vực Tây nguyên cũng đang hút nguyên liệu. Chưa tính số sắn lát, sắn củ bán cho thương nhân các tỉnh khác lên tranh mua.

Thống kê của ngành Hải Quan Việt Nam cho biết, 5 tháng đầu năm 2011 cả nước xuất khẩu 1,541 triệu tấn sắn và các sản phẩm từ sắn đạt giá trị kim ngạch 0,54 tỷ USD, tăng 50,9% về lượng và tăng 96,2% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước.

Cây sắn và các sản phẩm từ sắn trong những năm gần đây đã trở thành một trong những nông sản xuất khẩu chủ lực của Đak Lak.

Vì vậy, việc xâm lấn đất rừng để mở rộng diện tích trồng sắn hiện nay cần có giải pháp cụ thể của các cấp quản lý. Trong khi đó, một số người dân của các tỉnh khác cũng đến Đak Lak thuê đất trồng sắn đã đẩy giá thuê đất lên đến 10 triệu đồng/năm làm cho nhu cầu đất đai càng gia tăng hơn.

Anh Vũ

hangnt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên