MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nắn lại dòng vốn tín dụng

28-06-2011 - 10:31 AM | Tài chính - ngân hàng

Nhiều NHTM không chỉ sử dụng nghiệp vụ ủy thác đầu tư, mua TPDN mà còn áp dụng nhiều phương thức hợp tác khác nhau để lách trần tín dụng cũng như các quy định khác của NHNN.

Nhiều cửa lách

Trưởng phòng quản lý rủi ro của một NHTMCP tiết lộ, việc sử dụng nghiệp vụ ủy thác đầu tư phổ biến từ cuối năm ngoái đến nay đang bị NHNN “soi” rất kỹ, khiến các NHTM khó đẩy tín dụng qua cửa này.

Do vậy, nhiều NH lách thông qua chương trình hợp tác kinh doanh với các doanh nghiệp. Chẳng hạn NH A có thể bơm vốn theo hình thức đầu tư hợp tác cho doanh nghiệp B, sau đó doanh nghiệp B bơm vốn cho doanh nghiệp C thuộc lĩnh vực phi sản xuất và cũng là khách hàng tín dụng của NH A.

Doanh nghiệp C sử dụng dòng vốn này trả nợ lại NH A, hoặc để kinh doanh. Để lách hạch toán trên báo cáo tài chính, NH A làm thủ thuật ủy thác vốn cho một doanh nghiệp đi mua trái phiếu chính phủ (TPCP), nhưng doanh nghiệp này sẽ đấu thầu lãi suất cao để không trúng.

Và thế là khoản đặt cọc mua chứng khoán nợ (TPCP) này không tính vào phi tín dụng nhưng có kỳ hạn 1-2 tháng, sau đó doanh nghiệp nhận đặt cọc hoàn trả cho NH. Kiểu lách này đang rất phổ biến. Mới đây qua thanh tra NHNN đã phát hiện có NHTM đặt cọc mua chứng khoán nợ lên đến 1.000 tỷ đồng.

Việc mua trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) cũng đang diễn ra phổ biến ở nhiều NHTM. NHNN cho biết TPDN sẽ tính vào dư nợ trong hạn mức tăng trưởng 20% nhưng vẫn chưa có quy định rõ ràng về mua và bảo lãnh phát hành TPDN.

Lợi dụng việc này, nhiều NHTM thông qua công ty con, công ty liên kết thực hiện bảo lãnh phát hành TPDN tràn lan với số lượng lên đến hàng trăm ngàn tỷ đồng. Thậm chí có NHTM mua TPDN kỳ hạn 5-6 năm rồi mang cầm cố để vay vốn ở các NHTM khác trên thị trường liên NH. Hoạt động này gây rủi ro dây chuyền cho hệ thống NHTM, vì không ít TPDN được mua tín chấp, không có đơn vị thứ 3 đứng ra bảo lãnh.

Theo nguồn tin của ĐTTC, tới đây NHNN không chỉ tính các khoản đầu tư TPDN vào tăng trưởng dư nợ mà sẽ quy định các điều kiện, thủ tục mua và bảo lãnh phát hành TPDN như một khoản cho vay tín dụng thông thường. Doanh nghiệp không đủ điều kiện theo quy định sẽ không được NHTM bảo lãnh phát hành và mua TPDN.

Mạnh tay thanh, kiểm tra

Một vấn đề khác NHNN đã cảnh báo là tình trạng đẩy vốn cho vay trên thị trường liên NH của các NHTM lớn. Không ít NHTM lớn có lượng lớn TPCP lợi dụng xu thế lãi suất thị trường đang giảm để “đánh quả” trên thị trường liên NH. Nguy cơ rủi ro về lãi suất cho các NH này rất lớn, khi cửa cho vay trên thị trường 1 giảm.

Bởi tới đây NHNN sẽ điều chỉnh lãi suất tái cấp vốn linh hoạt, có thể giảm theo xu thế lãi suất thị trường nhưng không loại trừ sẽ tăng lên 16-17%/năm. Do vậy, những NHTM lớn có thế mạnh vay vốn trên thị trường mở khó có cửa thao túng vốn trên thị trường liên NH trong thời gian tới.

Ngoài ra, NHNN cũng cảnh báo tình trạng một số NHTM lớn đẩy vốn đầu tư qua công ty trực thuộc với số lượng lớn. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến tỷ lệ an toàn vốn (CAR) mà nguy cơ rủi ro về vốn cho NHTM không nhỏ.

Theo một lãnh đạo NHNN, tới đây NHNN sẽ ban hành quy định chặt chẽ đối với hoạt động đầu tư, góp vốn, thành lập công ty con nhằm hạn chế, tiến tới xóa bỏ những cửa lách luật của NHTM.

Để ngăn chặn rủi ro dây chuyền của hệ thống NHTM, NHNN đã mạnh tay quản lý tiền tệ thông qua thanh tra một loạt NHTM. Theo đó, NHNN yêu cầu các NHTM báo cáo về việc thực hiện chuyển dịch cơ cấu dư nợ cho vay qua sản xuất theo Nghị quyết 11 của Chính phủ; kiểm tra các tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư 13 và 19; ủy thác và nhận ủy thác đầu tư.

Đặc biệt NHNN yêu cầu các NHTM giải trình cụ thể những thông tin trên bảng cân đối kế toán như khả năng chi trả, thanh khoản, các khoản phải thu, phải trả, tài sản có khác… Bên cạnh đó, NHNN gấp rút hoàn thiện nhiều dự thảo thông tư để chỉnh đốn các hoạt động kinh doanh khác của NHTM ngoài nghiệp vụ huy động và cho vay.

Nhiều chuyên gia kỳ vọng dòng vốn tín dụng sẽ được nắn đúng hướng, không chỉ giúp các NHTM tăng trưởng tín dụng an toàn mà dòng vốn tín dụng luân chuyển giúp nền kinh tế tăng trưởng bền vững, góp phần kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội.

Theo Dịu Ngân
Sài gòn đầu tư tài chính

thanhtu

Trở lên trên