MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chính phủ tiếp tục nới chỉ tiêu lạm phát lên 17%

Trong báo cáo gửi Thường vụ Quốc hội, Chính phủ một lần nữa đề xuất nới chỉ tiêu lạm phát cả năm lên không quá 17% sau khi vừa điều chỉnh lên mốc 15% cách đây tròn một tháng.

Trước đó, tại Nghị quyết thường kỳ tháng 5, Chính phủ từng thống nhất mục tiêu kiểm soát chặt chẽ hơn, ở mức 15%. Tuy nhiên, tại Báo cáo về tình hình kinh tế 6 tháng, được Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Võ Hồng Phúc trình bày sáng 30/6, chỉ tiêu này tiếp tục được đề xuất điều chỉnh.

Theo nhận định của Chính phủ, kinh tế thế giới 6 tháng cuối năm sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Trong khi đó, kinh tế trong nước mới thu được những kết quả bước đầu về ổn định kinh tế vĩ mô. Lạm phát tuy có chiều hướng hạ nhiệt trong những tháng gần đây nhưng kết thúc 6 tháng, CPI đã lên tới 13,29%.

Trong 6 tháng cuối năm, Chính phủ sẽ tiếp tục ưu tiên thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên, trước sức ép từ thị trường trong nước – quốc tế cũng như con số lạm phát thực tế nêu trên, Chính phủ đề xuất nới chỉ tiêu CPI định hướng của cả năm lên mức 15-17%.

“Trên thực tế thì việc đạt được mục tiêu 15-17% cũng rất khó khăn. Tuy nhiên, Chính phủ vẫn đề xuất con số này để làm mục tiêu phấn đấu”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Võ Hồng Phúc cho biết. Ông từng nói về điều này khi trao đổi với VnExpress tuần trước.

Cũng theo nhận định của người đứng đầu Bộ Kế hoạch & Đầu tư, chỉ số giá tiêu dùng, tuy đã bắt đầu hạ nhiệt, nhưng sẽ tiếp tục giữ đà tăng cho đến hết quý III. CPI có thể giảm trong tháng 10 và 11 nhưng sẽ tăng trở lại trong tháng 12 do tác động của quy luật tiêu dùng cuối năm. Do vậy, theo Bộ trưởng Võ Hồng Phúc, lạm phát năm nay, khả dĩ nhất cũng sẽ ở mức 17-18%.

Ngoài chỉ tiêu lạm phát, trong báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc Hội, Chính phủ tiếp tục duy trì các mục tiêu quan trọng khác như phấn đấu tăng GDP năm 2011 ở mức 6%, giữ nhập siêu không quá 16% tổng kim ngạch xuất khẩu, giảm bội chi ngân sách dưới 5% GDP…

Đánh giá về kết quả điều hành kinh tế - xã hội 6 tháng cũng như những giải pháp đề ra, thay mặt Thường vụ, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá cao việc điều hành quyết liệt, linh hoạt của Chính phủ thể hiện ở những kết quả bước đầu đạt được trong bối cảnh kinh tế thế giới còn khó khăn.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Ủy ban Kinh tế cho rằng tình hình kinh tế - xã hội cũng nổi lên nhiều khó khăn thách thức, đặc biệt đối với nhiệm vụ kiềm chế lạm phát. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Hà Văn Hiền, việc CPI 6 tháng vượt xa mục tiêu 7% phê duyệt cho cả năm là rất đáng lo ngại. Thực tế này đã tác động tiêu cực đến sản xuất – kinh doanh, đời sống nhân dân, đặc biệt là 4,6 triệu hộ nghèo và cận nghèo (chiếm hơn 22% dân số cả nước).

Về nguyên nhân, Ủy ban Kinh tế cho rằng bên cạnh những yếu tố khách quan, các vấn đề chủ quan xuất phát từ nội tại nền kinh tế (thâm hụt thương mại lớn, bội chi ngân sách cao nhiều năm, hiệu quả đầu tư thấp…) là nguyên nhân chính. Ngoài ra, việc điều chỉnh tăng giá một số hàng hóa thiết yếu, tăng tỷ giá USD, tăng lãi suất liên ngân hàng… cũng tác động lớn lên lạm phát.

Trong 6 tháng còn lại, Ủy ban Kinh tế đề xuất Chính phủ tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, thận trọng và chính sách tài khóa chặt chẽ để kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô. Ngoài ra, để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng đề ra, Chính phủ cũng cần có giải pháp hiệu quả nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc tiếp cận vốn, giãn giảm thuế…

Về việc điều chỉnh mục tiêu lạm phát của Chính phủ, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đề nghị các đại biểu cân nhắc khả năng đưa ra một văn bản chính thức của Quốc hội về các chỉ tiêu của năm 2011. Văn bản này, nếu có, sẽ được báo cáo và thông qua tại kỳ họp Quốc hội tới đây.

Theo Nhật Minh
VnExpress

duclm

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên