MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chống lạm phát bắt đầu từ ngân hàng

13-07-2011 - 17:38 PM | Tài chính - ngân hàng

Nhiều chuyên gia kinh tế đã chỉ ra rằng, chất lượng dịch vụ trong hệ thống ngân hàng đang là một trong những nguyên nhân tác động không nhỏ tới lạm phát.

Trong các giải pháp mà cơ quan quản lý nhắm tới nhằm kiềm chế lạm phát, kiểm soát giá 6 tháng cuối năm theo công điện mới đây của Thủ tướng Chính phủ, thì hoạt động của các ngân hàng đang được "soi" kỹ.

Không phải ngẫu nhiên mà ở thời điểm này, các dịch vụ ngân hàng bị để ý nhiều hơn. Lý do là gần đây, nhiều chuyên gia kinh tế đã chỉ ra rằng, chất lượng dịch vụ trong hệ thống ngân hàng đang là một trong những nguyên nhân tác động không nhỏ tới lạm phát.

Đơn cử, trước đây, khi chỉ với một đơn vị hàng hóa bảo đảm của khách cho vay, các ngân hàng đã cấp một lượng tiền lớn hơn số cần thiết. Đây là một nguyên nhân góp phần làm tăng lượng cung tiền ra thị trường, dẫn đến tình trạng lạm phát cao như hiện nay.

Biện pháp cần thiết tại thời điểm này là các ngân hàng phải đánh giá lại hoạt động cho vay, giảm dư nợ xấu, qua đó giảm sức ép cung tiền, góp phần giảm lạm phát trong thời điểm cuối năm.

Nhìn ở góc độ phân chia lợi nhuận xã hội, trong các lĩnh vực hoạt động của nền kinh tế hiện nay, dường nhu chỉ ngân hàng là có mức chi trả cổ tức cao, trong khi hầu hết ngành sản xuất khác gặp rất nhiều khó khăn. Nghịch lý này, nếu không sớm giải quyết thì giá vốn vẫn tiếp tục bị đẩy lên, dẫn tới giá hàng hóa đầu ra của các doanh nghiệp sẽ cao trong những tháng cuối năm.

Thực trạng trên đặt ra một loạt vấn đề cần xử lý. Trước hết là phải cắt được các khoản phí cho vay mà một số ngân hàng đang âm thầm áp dụng với khách hàng. Chẳng hạn như phí quản lý dư nợ vay (bản chất là lãi suất cho vay tăng thêm trá hình). Tình trạng áp lãi suất cho vay chính thức cộng với loại phí nói trên đang khiến doanh nghiệp không có cơ hội giảm chi phí đầu vào và càng không thể giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ đầu ra. Hay như phí chi tiêu ngoại tệ áp dụng trên thẻ ATM do các ngân hàng phát hành cũng ở mức khá cao….

Một điểm đáng lưu ý nữa là, từ năm 2008, khi Luật thuế Giá trị gia tăng được ban hành, những giao dịch có giá trị lớn hơn 20 triệu đồng của doanh nghiệp phải được thực hiện qua ngân hàng thì mới được tính chi phí hợp lý để khấu trừ thuế đầu vào. Đây là điều kiện thuận lợi để ngân hàng tăng được khối lượng tiền giao dịch. Theo lẽ thường, khi lượng tiền giao dịch tăng thì phải giảm phí giao dịch, nhưng các ngân hàng lại làm ngược lại.

Trong khi các ngành sản xuất, dịch vụ khác đang phải quyết liệt thực hiện chỉ đạo của Chính phủ nhằm kiềm chế lạm phát, kiểm soát giá hàng hóa, dịch vụ thì phải chăng với những động thái như trên, các ngân hàng chưa vào cuộc?

Câu hỏi này được các chuyên gia trong ngành tài chính đặt ra và kèm theo đó là lời kêu gọi cần có chính sách hợp lý hơn nhằm quản lý chặt hơn hoạt động của các ngân hàng, làm sao để vừa tạo điều kiện cho nền kinh tế có đủ vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, vừa đảm bảo các ngân hàng đạt mục tiêu lợi nhuận, đồng thời giúp doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận dịch vụ, qua đó trực tiếp giảm giá vốn đầu vào trong sản xuất kinh doanh.

Có lẽ việc kiểm soát hoạt động ngân hàng phải là một trong những ưu tiên hàng đầu trong nỗ lực kiềm chế lạm phát, kiểm soát giá cả 6 tháng cuối năm theo công điện của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Kim Sơn

Báo đầu tư

kyanh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên