MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tổng hợp tình hình kinh tế vĩ mô tháng 7

Chỉ số tồn kho tại thời điểm 01/7/2011 của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 16% so với cùng thời điểm năm trước. Trong đó, những ngành có chỉ số tồn kho tăng cao trên 90%.

Thời sự - xã hội:

Bầu cử loạt nhân sự cấp cao

Tại phiên họp toàn thể Quốc hội ngày 25-7-2011, ông Trương Tấn Sang chính thức được đắc cử chức Chủ tịch nước. Ngay sau đó, Ông Nguyễn Tấn Dũng tái đắc cử Thủ tướng chính phủ.

Chiều 29/7, cả 10 ứng viên được đề cử đã trúng chức vụ Chủ tịch Hội đồng dân tộc và 9 chủ nhiệm các ủy ban. Trong đó, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển; Chủ nhiệm Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên nhi đồng Đào Trọng Thi và Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý; Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu; Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Nguyễn Kim Khoa; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ Môi trường Phan Xuân Dũng và Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Trần Văn Hằng.

Các chỉ số vĩ mô:

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2011 tăng 1,17% so với tháng trước, chủ yếu do tác động của nhóm hàng thực phẩm tăng 3,2% và ăn uống ngoài gia đình tăng 1,78%.

So với tháng 12/2010, CPI tháng 7 tăng 14,61%; so với cùng kỳ năm trước tăng 22,16%. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân bảy tháng năm nay so với bình quân cùng kỳ năm 2010 tăng 16,89%.

Nhiều nhận định cho rằng CPI tháng 8 sẽ giảm, nhưng lạm phát năm khó dưới 17%. Tuy nhiên, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng lạm phát đạt đỉnh 21-22% trong tháng 7-8 và sẽ hạ xuống 15% vào cuối năm.

Nhập siêu tháng 7 năm 2011 ước tính đạt 200 triệu USD, bằng 2,4% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu. Đây là mức nhập siêu thấp nhất từ đầu năm chủ yếu do xuất khẩu vàng.

Nhập siêu 7 tháng đầu năm nay là 6,64 tỷ USD, bằng 12,9% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu. Nếu loại trừ mặt hàng vàng, nhập siêu bảy tháng ước tính đạt 8,4 tỷ USD, bằng 16,9% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu.

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng Bảy ước tính đạt 17,4 nghìn tỷ đồng, bao gồm: Vốn trung ương 4,5 nghìn tỷ đồng; vốn địa phương 12,9 nghìn tỷ đồng. Tính chung 7 tháng năm 2011, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 92,1 nghìn tỷ đồng, bằng 49,4% kế hoạch năm và tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2010.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7/2011 tăng 6,1% so với tháng trước và tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2010. Chỉ số sản xuất công nghiệp 7 tháng năm nay tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số tồn kho tại thời điểm 01/7/2011 của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 16% so với cùng thời điểm năm trước. Trong đó, những ngành có chỉ số tồn kho tăng cao là: Sản xuất giường, tủ, bàn ghế tăng 92,4%; sản xuất đồ uống không cồn tăng 84,4%; sản xuất cáp điện và dây điện có bọc cách điện tăng 73,5%; sản xuất bia tăng 71,6%; sản xuất giày dép tăng 39,9%; sản xuất thức ăn gia súc tăng 38,4%; sản xuất sợi và dệt vải tăng 33,7%; sản xuất trang phục tăng 25,9%; sản xuất mô tô, xe máy tăng 25%; sản xuất xi măng, vôi, vữa tăng 22,3%; sản xuất các sản phẩm khác từ plastic tăng 21,7%.

Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 7 tháng năm 2011 ước tính đạt 1065,8 nghìn tỷ đồng, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá thì tăng 4,6%.

Bội chi ngân sách 7 tháng

Tổng thu ngân sách Nhà nước bảy tháng năm 2011 ước tính đạt 386,8 nghìn tỷ đồng, bằng 65% dự toán năm.

Tổng chi ngân sách Nhà nước bảy tháng ước tính đạt 420,3 nghìn tỷ đồng, bằng 57,9% dự toán năm.

Như vậy, bội chi ngân sách 7 tháng ước tính 33,5 nghìn tỷ đồng.

Lộc Anh

Tổng hợp


thanhtu

Trở lên trên