MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông Lê Đức Thúy: Bức tranh kinh tế 6 tháng cuối năm còn nhiều lo ngại

Theo ông Thúy, lạm phát ở mức 18 – 20% là có thể tính đến để nhìn về sự ổn định vĩ mô trong năm 2011.

Tại buổi Hội thảo “Tác động của TTCK lên thị trường tài chính Việt Nam, những khuyến nghị chính sách” được Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc Gia tổ chức cuối tuần qua nhằm thu thập ý kiến của các chuyên gia từ đó tập hợp kiến nghị lên Thủ tướng Chính Phủ.

Nguyên Chủ tịch Ủy ban – ông Lê Đức Thúy cho rằng: “TTCK là hàn thử biểu, là tấm gương phản chiếu của nền kinh tế thì thực sự nó đang phản ánh một thời kỳ khó khăn của nền kinh tế và chưa thể nói được rằng nền kinh tế đã qua giai đoạn khó khăn hay chưa”

Những tác động đến nền kinh tế thời gian qua tuy đã tạm ngưng và có một vài biến chuyển tích cực nhưng chuyển biến đó chưa đủ mạnh và chưa đủ bền trong khi đó những tác động tiêu cực đã và đang còn tác ngấm vào nền kinh tế.

Đơn cử như lạm phát, tháng 6 ở mức 1,09% được xem là “giảm tốc” nhiều nhất nhưng đó cũng chỉ là so sánh với tháng trước đó, nhưng nếu so với cùng kỳ thì con số này cao gấp 5 lần (tháng 6/2010 CPI là 0,23%).

Hay như tháng 7/2011 CPI là 1,17%, cao gấp 20 lần so với CPI của tháng 7 năm 2010 (0,06%).

Như vậy, mục tiêu về lạm phát ở mức 17% năm nay chỉ còn dư địa 2,4%, đồng nghĩa với việc mỗi tháng chỉ số CPI chỉ được phép tăng 0,5%. Trong khi đó  theo chu kỳ thì quý IV chỉ số giá tiêu dùng lúc nào lúc cũng tăng cao.

Ông Thúy bày tỏ quan ngại về chiều hướng kinh tế 6 tháng cuối năm có thể sẽ tiếp tục còn khó khăn hơn trước khi có những chuyển biến tích cực trong năm tới.

Theo ông Thúy, lạm phát ở mức 18 – 20% là có thể tính đến để "nhìn về sự ổn định vĩ mô trong năm 2011".

Về tăng trưởng kinh tế ông Thúy cho rằng, GDP năm nay có thể đạt được mức 6%  nhưng nếu vượt 6% thì sẽ khó.

Bởi lẽ, theo thống kê của Hiệp hội DNNVV thì có tới 20% số lượng DN đứng bên bờ vực phá sản, 60% DN phải thu hẹp sản xuất, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay rất ít DN dám mở rộng sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, chỉ số hàng tồn kho ngành công nghiệp đang gia tăng mạnh mẽ. Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ số tồn kho tại thời điểm 1/7/2011 của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng tới 16% so với cùng thời điểm năm trước. Đây là con số được cho là đáng báo động hiện nay (báo Dân Việt, ngày 29/7/2011 - PV).

Nói như thế để thấy rằng, ngoài nông nghiệp thì những ngành khác như: Công nghiệp và dịch vụ không đủ sức để đưa kinh tế của nước ta phát triển trên 6% trong cả năm 2011.

Ông Thúy nhấn mạnh, ngay cả trong trường hợp GDP năm nay đạt mức 6% thì các chính sách ngay từ bây giờ cũng cần có sự thay đổi  mạnh hơn, nếu không hệ quả sẽ khéo sang đến năm sau (2012).

Trả lời câu hỏi “Các nhà đầu tư và Doanh nghiệp cần làm gì trong bối cảnh hiện nay?” ông Thúy cho rằng đó là một câu hỏi khó.

“Nhưng một điều có thể thấy đó là TTCK là tấm gương phản chiếu nền kinh tế mà hiện nay kinh tế vĩ mô đang gặp khó khăn thì TTCK èo uột cũng là điều dễ hiểu”

Do đó, chỉ có thể lọc ra vấn đề là vẫn trong bối cảnh đó cần làm gì để TTCK vẫn góp phần tích cực, chứ không thụ động là thước đo, là tấm gương của nền kinh tế mà đó là một mảng thị trường, một công cụ tài chính thu hút vốn rất hiệu quả cho các doanh nghiệp.

Thị trường trầm lắng sẽ là cơ hội để các nhà quản lý hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tăng cường tính minh bạch trên TTCK nhưng tuyệt đối tránh những biện pháp mệnh lênh hình chính vì TTCK Việt Nam hiện nay đã như một bếp than sắp tắt đừng dội thêm ca nước lạnh” – ông Thúy nói.

Khánh Linh

tungns1

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên