MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông Trương Văn Phước TGĐ Eximbank: Tỷ giá cuối năm không vượt 21.000 đồng/usd

19-08-2011 - 16:45 PM | Tài chính - ngân hàng

Dù có nhu cầu vay ngoại tệ lớn, nhưng không có áp lực lên tỷ giá, trừ phi người làm chính sách muốn điều chỉnh, còn nhân tố thị trường, điều kiện thị trường không là vấn đề lớn.

Ông Trương Văn Phước, Tổng giám đốc Ngân hàng Eximbank, cho rằng tỷ giá đang có những bước đi ổn định, có cả yếu tố thị trường lẫn bàn tay của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), thay cho những bước đi hụt hơi mà NHNN luôn ở thế rượt đuổi trước đây.

Thế nhưng sự ổn định của tỷ giá trong thời gian qua dường như đang ru ngủ thị trường và điều đó có thể phát ra những tín hiệu lệch lạc. Đó là khi tỷ giá đứng yên lâu quá, thì với sự chênh lệch lớn về lãi suất giữa tiền đồng và đô la Mỹ, việc doanh nghiệp đổ xô đi vay ngoại tệ là điều “không có gì ngạc nhiên”, ông Phước giải thích về hiện tượng tăng trưởng tín dụng ngoại tệ thời gian qua.

Theo ông, lúc này tỷ giá không nên đứng yên nữa mà phải có những biến động, và đó chính là những tín hiệu cảnh báo để đánh động thị trường rằng tỷ giá sẽ đi về đâu. Một khi giới doanh nghiệp “không ngủ quên” vì sự quá ổn định của tỷ giá, thì họ sẽ không có vấn đề về cú sốc tỷ giá trong thời gian tới. Nhưng tỷ giá sẽ đi về đâu?
 
Giới thạo tin đang kháo nhau rằng một đô la Mỹ sẽ ăn tới 21.500 đồng vào cuối năm nay. Trao đổi với TBKTSG, một chuyên gia kinh tế nhận định, mốc này có thể còn cao hơn nếu không có những chính sách thắt chặt tín dụng ngoại tệ một cách mạnh mẽ.

Giải thích cho nhận định của mình, ông nói rằng áp lực gia tăng tỷ giá ở đây có yếu tố tác động của giá vàng, vốn có sự liên thông giữa giá quốc tế và trong nước. Sự liên thông đó có thể bị phá vỡ bằng các quyết định hành chính. Trong thời gian qua, xuất khẩu vàng tăng mạnh, nhưng đến lúc này khi giá vàng tăng vọt, trong nước lại “không còn vàng để bán”, khiến cho áp lực nhập khẩu vàng lên cao.

Giá vàng sẽ còn tiếp tục tăng cao trong thời gian tới. Các yếu tố như các doanh nghiệp đổ xô đầu cơ vay đô la Mỹ để hưởng chênh lệch lãi suất, còn một số ngân hàng thì không ngừng mua đô la từ các tổ chức cá nhân để bán lấy tiền đồng và cho vay lại lãi suất cao, tạo ra một nguồn cung ảo về đô la Mỹ.
 
Các yếu tố này cộng hưởng với nhau, tạo nên một nhu cầu ngoại tệ rất lớn mà nguồn cung thì không đủ và tỷ giá bị đẩy lên là điều không thể tránh khỏi. Theo chuyên gia này, sự ổn định của tỷ giá trong thời gian qua không phải là tín hiệu của thị trường, mà “bị đè nén bởi các biện pháp hành chính”, và thời điểm cuối năm “sẽ có sự biến động của tỷ giá”.
 
Còn ông Phước lại cho rằng nguồn ngoại tệ từ nay đến cuối năm vẫn được phân bố rải rác vì hoạt động xuất nhập khẩu vẫn tiếp diễn, vì thế sẽ “có người vay nhưng cũng có người trả”, tạo nên sự ổn định trong nguồn cung.
 
Từ nay đến cuối năm, dù có nhu cầu vay ngoại tệ lớn, nhưng không có áp lực lên tỷ giá, trừ phi người làm chính sách muốn điều chỉnh, còn nhân tố thị trường, điều kiện thị trường không là vấn đề lớn. Mức tăng tỷ giá nếu có cũng sẽ không lớn. Hơn nữa, mức độ lớn cũng không quan trọng bằng dáng điệu và bước đi của tỷ giá”, ông Phước nói.
 
Ông Phước cho rằng dáng điệu của tỷ giá đã được phác họa, và có thể xác định vùng mục tiêu tỷ giá một cách chính xác. Tỷgiá, theo ông, sẽ có sự biến động, nhưng không lớn và vẫn trong tầm kiểm soát của NHNN, và đến cuối năm cũng không vượt quá mức 21.000 đồng/1 đô la Mỹ.
 
Theo Phi Tuấn
TBKTSG

tungns1

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên