MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

T.S Lê Xuân Nghĩa: VNĐ đang được định giá cao hơn USD từ 17%-23%

22-08-2011 - 11:51 AM | Tài chính - ngân hàng

Lãi suất khó để giảm mạnh trong năm nay do cung tiền M2 những tháng cuối năm tối đa chỉ 13-14%. Trong khi đó lạm phát kỳ vọng tiếp tục ở mức cao 20-21%.

Tóm tắt:
  • Thanh khoản hệ thống ngân hàng đã ổn định nhưng chưa vững chắc.
  • Kiều hối, dòng tiền đầu tư trực tiếp và gián tiếp đều giảm, cùng với chênh lệch huy động và cho vay ngoại tệ gần 100.000 tỷ gây áp lực lớn lên tỷ giá.
  • Xác định tỷ giá theo ngang bằng sức mua (PPP) thì VND được định giá cao hơn 43%, nếu xét trong giỏ 19 đồng tiền có quan hệ thương mại thì VND định giá cao từ 17-23%.
  • Cung ngoại tệ là ảo, chênh lệch tỷ giá danh nghĩa và tỷ giá thực rất rộng nên tỷ giá chịu áp lực cao
 
Chia sẻ tại buổi “Tọa đàm về Thị trường tài chính Việt Nam – thách thức dự báo đến cuối năm 2011, gợi ý giải pháp cho NHTM và Doanh nghiệp” được ngân hàng TMCP An Bình (ABB) tổ chức sáng ngày 20/8/2011, với tư cách là một diễn giả ông Lê Xuân Nghĩa cho biết: Để giảm được lãi suất như tân Thống đốc hứa thì NHNN cần đóng vai trò như người môi giới tiền tệ để điều hòa vốn từ ngân hàng thừa thanh khoản sang ngân hàng thiếu thanh khoản và có cam kết với các ngân hàng nhỏ về đảm bảo thanh khoản của họ…

Lãi suất chưa thể giảm mạnh trong năm nay

Ông Nghĩa nhấn mạnh, mặc dù có giảm nhưng lãi suất vẫn được xem là sẽ còn tiếp tục ở mức cao trong năm nay sở dĩ là do cung tiền M2 (tổng phương tiện thanh toán) – được xem là vấn đề quyết định đối với lãi suất thì hiện đang rất thấp.

Theo thống kê 6 tháng đầu năm 2011, lượng tiền M2 là 78.000 tỷ đồng thì 1 nửa trong số này bị “hút” vào trái phiếu Chính phủ.

Nếu tốc độ tăng cung tiền M2 tiếp tục duy trì ở mức 3% thì theo tính toán GDP chỉ có thể đạt 4% vào quý IV năm nay hoặc quý I/2012. 5 tháng còn lại của năm nay dù có lỗ lực và cố gắng thì M2 cũng chỉ có thể tăng trưởng từ 13 – 14%.

Bên cạnh đó, lạm phát kỳ vọng thì vẫn ở mức khá cao. Nếu tính theo năm thì lạm phát vào khoảng 20 – 21%.

Đó là còn chưa kể việc các ngân hàng phải “nhìn nhau” trước động thái giảm lãi suất do sợ mất khách hàng của mình. Thanh khoản của các ngân hàng đã ổn định nhưng chưa thật sự vững chắc.  

Do đó, ông Nghĩa cảnh báo nếu không khéo Việt Nam sẽ rơi vào tình trạng lạm phát đình đốn do đang có tình trạng vốn thiếu, lãi suất cao, sản lượng giảm dẫn đến việc hàng hóa thiếu, giá cả tăng lên

Tỷ giá tiếp tục là vấn đề đáng ngại nhất

Lượng kiều hối chuyển về trong nước liên tục giảm: Quý I là 2,4 tỷ USD, quý II còn 1,9 tỷ UDS; trong khi đó quý II của năm 2010 con số này vẫn là 2,2 tỷ USD.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giảm nhẹ nhưng đầu tư gián tiếp nước ngoài lại giảm rất mạnh. Nếu như 6 tháng đầu năm 2010 đầu tư gián tiếp vào thị trường chứng khoán là 1,79 tỷ USD thì 6 tháng đầu năm nay chỉ còn khoảng 0,35 tỷ USD.

Đáng chú ý là cung ngoại tệ hiện nay đang là cung ảo vì các DN vay ngoại tệ của ngân hàng rất có thể sẽ biến thành cầu thực khi các khoản vay này đến hạn phải thanh toán. 6 tháng đầu năm trong khi cho vay VND chỉ vào khoảng 3% thì tăng trưởng ngoại tệ lên đến con số 23%.

Ông Nghĩa chỉ rõ, việc chênh lệch giữa huy động và cho vay ngoại tệ đến 7/2011 là 100.000 tỷ trong khi đó cùng kỳ năm ngoái chỉ là 46.000 tỷ mà đến thời điểm cuối năm vấn đề tỷ giá đã trở nên căng thẳng và áp lực đó kéo dài từ quý IV/2010 đến quý I/2011.

VND đang được định giá cao hơn USD từ 17 – 23%

Nếu tính theo PPP (Phương pháp xác định tỷ giá theo ngang bằng sức mua) thì hiện tại VND đang được định giá quá cao so với USD vào khoảng 43%, nói cách khác nếu phải điều chỉnh tỷ giá thì VND cần phải điều chỉnh giảm giá VNĐ thêm 43%.  

Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa cho biết: Đó là một cách tính, nhưng theo cách tính với 19 đồng tiền có quan hệ thương mại với Việt Nam với tổng doanh thu khoảng 86% xuất nhập khẩu của Việt Nam thì tỷ lệ VND phải phá giá so với USD chỉ vào khoảng 23%, đó là còn chưa tính đến việc đồng USD cũng đang bị mất giá so với nhiều đồng tiền khác trong rổ tính toán này. Nói như thế để thấy rằng, đồng VND đang được định giá cao hơn USD từ 17 – 23%.
 
Từ tháng 3/2011 cán cân thanh toán ngoại tệ của Việt Nam luôn dương do nhập lậu vàng giảm mạnh: Sai sót cán cân thanh toán quốc tế năm 2009 là 10 tỷ USD trong đó phần lớn là nhập lậu vàng, năm 2010 giảm xuống còn 4 tỷ USD và tính đến tháng 6 năm nay đã dương trở lại.

Ông Nghĩa nhắc lại, cung trên thị trường hối đoái chủ yếu là cung giả - chủ yếu tiền bán ra trên thị trường này là nguồn ngoại tệ được vay từ các NH được các doanh nghiệp tận dụng để hưởng lãi suất thấp hơn so với lãi suất của VND. Cuối năm khi nhu cầu trả nợ đến gần thì chắc chắn tỷ giá sẽ phải chịu áp lực.

Trên thực tế thì từ năm 2000 đến nay chưa bao giờ tỷ giá danh nghĩa và tỷ giá thực của Việt Nam lại bị rộng ra như bây giờ. Năm 2000 đến 2007 thì 2 đường cong này luôn gần nhau nhưng từ sau năm 2007 thì tỷ giá danh nghĩa thì đi lên tỷ giá thực thì đi xuống.

Quan sát từ tháng 4/2011 trở lại đây thì sự cách biệt này có dấu hiệu chững lại – mức độ chênh lệch không còn quá lớn nên cần phải theo dõi thêm về tình hình thế giới và trong nước trước khi đưa ra kết luận VND có bị phá giá thêm một lần nữa không? – Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa nói.

Khánh Linh (Lược ghi)

tungns1

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên