MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cẩn trọng với sự "trở mặt" của vàng

23-08-2011 - 08:57 AM | Tài chính - ngân hàng

Vàng thật ra chỉ là một thứ cổ phiếu của khủng hoảng và nó chỉ có thể hoành hành trong những lúc có khủng hoảng, lạm phát.

Tóm tắt:

* Bài học về vàng còn đó trong quá khứ không xa, giống như bài học về hoa tulip và bài học về chim cút giống, nhưng rồi không có ai học được vì sẽ không có ai vượt qua được lòng tham và sự hám lợi!

* Hiện nay, theo một thống kê không chính thức, các ngân hàng thương mại không còn cho vay vàng, nhưng dư nợ vay vàng cũ vẫn còn tương đương hàng trăm ngàn lượng vàng - là nguyên nhân tiềm ẩn gây ra cơn sốt vàng.

* Then chốt của vấn đề vẫn là sự thiếu nhất quán và kiên trì quan điểm rõ ràng về vàng thoi, vàng miếng có bản chất là vàng tiền tệ, điều đã được quy định trong luật, từ đó mới hình thành một chính sách đầy đủ và đúng đắn về quản lý vàng như một loại ngoại hối.

Trong bối cảnh khủng hoảng nợ công ở Mỹ được giải quyết theo kiểu tạm bợ do những bất đồng chính trị nội bộ của Mỹ và lần đầu tiên trong lịch sử chỉ số tín nhiệm của Mỹ bị tụt khỏi hạng AAA, cùng với viễn cảnh mờ mịt của việc phục hồi kinh tế của Mỹ và cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu kéo theo những đám mây đen bất ổn ở Biển Đông, việc giá vàng tăng trên toàn thế giới là một điều dễ hiểu.

Thực tế kinh tế trì trệ, đặc biệt là sự lung lay tận gốc rễ niềm tin của người tiêu dùng toàn cầu về tính ổn định của sức mua và giá trị của đồng tiền giấy chính là cơ hội bằng vàng cho những nhà đầu cơ quốc tế, những quỹ đầu tư có quá nhiều tiền mặc tình tung hứng trên giá vàng để tìm kiếm siêu lợi nhuận trong trò chơi có kết số không (zero-sum game).

Đây là trò chơi hoàn toàn không cân sức giữa một bên là những bà nội trợ hoang mang mất phương hướng trong đám sương mù của những thông tin không biết đúng sai và một bên là những quỹ đầu tư tài chính đầy quyền năng kiểm soát hoàn toàn thị trường vàng thế giới và thực hiện những chiến lược đầu cơ chính xác đến từng chi tiết để rút rỉa từng đồng bạc ở khắp mọi hang cùng ngõ hẹp trên toàn hành tinh đổ vào túi tham không đáy của họ.

Trong cuộc đánh bạc bịp này, phần thắng chắc chắn thuộc về những nhà phù thủy tài chính không có tổ quốc, không có giá trị đạo đức phải tôn trọng, còn phần thua đương nhiên thuộc về những người lao động cô thế, những bà nội trợ cả tin, và cả những chính phủ nhẹ dạ…

Bài học về vàng còn đó trong quá khứ không xa, giống như bài học về hoa tulip và bài học về chim cút giống, nhưng rồi không có ai học được vì sẽ không có ai vượt qua được lòng tham và sự hám lợi!

Vào đầu tháng 8/2011, giá vàng trong nước đang còn ở mức 41,7- 41,8 triệu đồng một lượng, giao dịch vàng trên cả nước vẫn khá trầm lắng. Nhưng chỉ một tuần sau đó, vào ngày 8/8, giá vàng đã vượt qua ngưỡng 44 triệu đồng/lượng và có chiều hướng tăng vọt cấp tính.

Vào sáng 8/8, cơn mưa hè Hà Nội không đủ làm dịu cơn sốt do vàng tạo ra, nhiều người xếp hàng rồng rắn trước những cửa hàng vàng để chờ mua vàng với một giá cao ngất ngưởng là 46,3 triệu đồng/lượng ta.

Với giá này, nếu quy đổi theo troy ounce và tỷ giá USD, giá vàng tại Hà Nội vào thời điểm đó đã qua mặt giá vàng thế giới đến 2 triệu đồng Việt Nam/lượng, tức cao hơn giá vàng thế giới đến gần 100 USD.

Trong cơn sốt lần này, điều ngạc nhiên là người dân TP. Hồ Chí Minh có vẻ được miễn nhiễm, không có hiện tượng đổ xô đi mua bán vàng, nhưng các cửa hàng vàng lớn ở đây lại được một phen “trúng đậm”: giao dịch bán sỉ trong ngày 8/8 và 9/8 có khi lên đến hàng trăm lượng vàng giao ngay cho các cửa hàng tại Hà Nội.

Một điều đáng tiếc là khi giá vàng đang ở mức cao chót vót như vậy, vẫn có nhiều người cắn răng rút tiết kiệm khỏi ngân hàng, sẵn sàng chịu mất tiền lãi để mua vàng với ảo vọng sẽ “thắng lớn” do giá vàng sẽ còn tăng.

Cái giá phải trả cho sự nhẹ dạ này là quá đắt và nhãn tiền. Nhiều người đã phải chịu lỗ hàng chục triệu đồng, thậm chí hàng trăm triệu đồng sau vài giờ trong ngày 9/8, khi nguồn tin Ngân hàng Nhà nước cho phép nhập năm tấn vàng đã làm giá vàng hạ nhiệt nhanh không kém lúc nó lên cơn sốt.

Những thế lực đầu cơ nào trong nước đã thao túng đẩy giá vàng trong nước tăng nhanh hơn giá vàng trên thị trường quốc tế, như khẳng định của một số doanh nghiệp kinh doanh vàng và Ngân hàng Nhà nước?

Phải chăng những thông tin bất lợi về tình hình kinh tế của Mỹ và châu Âu gần đây và tình hình lạm phát ở nước ta đã gây ra một ảnh hưởng tâm lý bất an khiến cho người dân thường, những người có nhiều tiền và cả những người không có nhiều tiền đều tin giá vàng còn lên cao hơn và vội vã đổ xô đi mua vàng để bảo vệ tài sản của mình?

Nhưng theo các nhà phân tích thị trường vàng tại Việt Nam, nhu cầu lớn về vàng trên thị trường nội địa xuất phát chủ yếu từ những người đã liều lĩnh đi vay nợ bằng vàng ở các ngân hàng trước đây do lãi suất vay vàng thấp và đến nay vẫn không thể trả dứt nợ vì nhiều lý do, trong đó lý do chính là do giá vàng tăng quá nhanh khiến họ phải chịu các khoản lỗ quá lớn mà mức lãi vay vàng thấp không thể bù đắp nổi.

Đối với những trường hợp này, khi giá vàng tăng họ buộc phải mua vàng để trả bớt một phần nợ nếu không muốn bị phát mãi tài sản thế chấp do không đảm bảo tỷ lệ an toàn về tài sản thế chấp theo quy định của ngân hàng.

Chẳng hạn, nếu vay ngân hàng 10 lượng vàng với giá mỗi lượng vàng vào thời điểm vay là 30 triệu đồng/lượng, họ có thể thế chấp sổ tiết kiệm 500 triệu đồng để đảm bảo tỷ lệ nợ vay bằng 60% giá trị tài sản thế chấp. Khi giá vàng tăng lên 46 triệu đồng/lượng, nợ vay ngân hàng sẽ đương nhiên tăng lên 460 triệu đồng, bằng 92% giá trị tài sản thế chấp.

Như vậy người vay phải lựa chọn hoặc mua một số vàng để trả nợ hoặc đưa thêm sổ tiết kiệm vào để đảm bảo tỷ lệ nợ vay trên giá trị tài sản thế chấp vẫn ở mức 60 - 70% theo quy định. Kinh nghiệm này cho thấy việc vay vàng hay ngoại tệ đều hàm chứa những rủi ro khó lường cho cả người đi vay lẫn người cho vay.

Hiện nay, theo một thống kê không chính thức, các ngân hàng thương mại không còn cho vay vàng, nhưng dư nợ vay vàng cũ vẫn còn tương đương hàng trăm ngàn lượng vàng.

Tình hình này đã tạo một áp lực không nhỏ lên thị trường vàng trong nước mỗi khi giá vàng biến động, đồng thời cũng là nguyên nhân tiềm ẩn gây ra những cơn sốt về giá vàng. Những khoản tín dụng bằng ngoại tệ hiện nay cũng sẽ tạo nên những áp lực tương tự đối với tỷ giá ngoại tệ trong một tương lai không xa.

Mặt khác, cơ chế điều hành xuất nhập khẩu vàng đã có nhiều bất cập và thường là chạy theo tình hình. Nếu xuất khẩu vàng là nhằm bình ổn tỷ giá ngoại tệ và nhập khẩu vàng là nhằm bình ổn giá vàng thì chúng ta không tránh khỏi thất thoát vì thường chỉ xuất khẩu khi giá vàng xuống và phải nhập khẩu khi giá vàng thế giới lên.

Trong bảy tháng đầu năm, nước ta xuất khẩu 30 tấn vàng thu về 1,2 tỉ USD, trong khi giờ đây đang nhập về từ 5 đến 10 tấn vàng. Theo tính toán của ông Trần Thanh Hải, Tổng giám đốc Công ty Đầu tư và Kinh doanh Vàng Việt Nam, nếu nhập năm tấn vàng về ngay lúc này, khoản lỗ dự tính là 20 triệu USD. Và để nhập lại toàn bộ 30 tấn đã xuất đi, thiệt hại lớn hơn thế sáu lần.

Then chốt của vấn đề vẫn là sự thiếu nhất quán và kiên trì quan điểm rõ ràng về vàng thoi, vàng miếng có bản chất là vàng tiền tệ, điều đã được quy định trong luật, từ đó mới hình thành một chính sách đầy đủ và đúng đắn về quản lý vàng như một loại ngoại hối.

Nước ta chưa đủ giàu có để có thể hào phóng xem vàng chỉ là một thứ hàng hóa thông thường như các loại hàng hóa khác, ngoại trừ vàng nữ trang. Nếu xem vàng miếng vàng thoi là ngoại hối, việc quản lý cần chặt chẽ và nghiêm minh như đối với ngoại tệ, đồng thời có những bước đi quá độ cần thiết và phù hợp để người dân không bị thiệt thòi do đã sở hữu vàng thoi, vàng miếng trong quá khứ.

Các chính sách về quản lý vàng tiền tệ cần đặt lợi ích của nền kinh tế quốc dân lên trên hết, với mục tiêu là bảo vệ nguồn dự trữ ngoại tệ quốc gia, bảo vệ công ăn việc làm của người lao động, duy trì tăng trưởng kinh tế và ngăn chặn việc bất động hóa một nguồn vốn, nguồn tài lực rất lớn trong nền kinh tế trong khi đất nước đang cần vốn.

Nhập khẩu vàng để bình ổn giá vàng sẽ có lợi cho những ai, nếu không nói là đã vô tình tiếp tay cho một số người có tiền trốn chạy đồng bạc quốc gia để trú ẩn tài sản vào vàng.

Không những có một khoản dự trữ ngoại tệ bị vơi đi mà nền kinh tế còn mất đi một nguồn vốn không nhỏ. Một chính sách về vàng đúng đắn là phải khuyến khích được người dân bán vàng để gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng chứ không phải làm điều ngược lại là rút tiền tiết kiệm để mua vàng.

Bài học lịch sử của nhiều nước cho thấy rằng, những nền kinh tế nào bị nhiễm căn bệnh trữ vàng mà không có quyết tâm chữa trị đều phải chịu hai hậu quả di căn nghiêm trọng của căn bệnh này: (1) Tăng trưởng kinh tế chậm dần vì thiếu vốn. (2) Khoảng cách giàu nghèo gia tăng dễ gây nên bất ổn xã hội và chính trị.

Vàng thật ra chỉ là một thứ cổ phiếu của khủng hoảng và nó chỉ có thể hoành hành trong những lúc có khủng hoảng, lạm phát. Những ai đầu tư vào nó - nhất là những người đầu cơ tay mơ - phải cẩn thận đề phòng vì sự trở mặt của nó là không lường được.

Không ai có thể tiên đoán chính xác trong ngắn hạn giá vàng sẽ lên hay xuống vì nó tùy thuộc vào sự tính toán xảo quyệt của những nhà ảo thuật tài chính quốc tế.

Nhưng điều chắc chắn là trong dài hạn, khi nền kinh tế thế giới hồi phục cùng nền kinh tế Mỹ, khi giá năng lượng lại tăng đều với đà khan hiếm dần của nó, khi giá bất động sản lại tăng vọt cùng với sự khởi sắc của các thị trường chứng khoán trên toàn thế giới và sự ăn nên làm ra của các doanh nghiệp, vàng sẽ trở lại vị trí bình thường của nó với tư cách một kim loại quý vì không bị ăn mòn và có ánh sáng lấp lánh đẹp mắt rất quyến rũ đối với phụ nữ…, và chỉ có thế.

Theo Huỳnh Bửu Sơn
Doanh nhân Sài Gòn

thanhtu

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên