MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

T.S Cấn Văn Lực: Cho vay trên 90% vốn huy động thì rủi ro thanh khoản sẽ cao

31-08-2011 - 12:57 PM | Tài chính - ngân hàng

Việc điều chỉnh thông tư 13&19 chỉ góp phần nhỏ hạ lãi suất cho vay. Thực tế vốn huy động từ dân cư vẫn có lãi suất tương đối cao, do đó khó có thể hạ nhanh lãi suất cho vay.

Sau cuộc họp với 12 NHTM, Ngân hàng Nhà nước đã công bố gói giải pháp nhằm hạ lãi suất. Một trong những biện pháp là NHNN ban hành thông tư 22 sửa đổi một số điểm của thông tư 13&19. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng, xung quanh vấn đề này.

Thưa ông, ông đánh giá thế nào về quyết định hủy bỏ yêu cầu về tỷ lệ cấp tín dụng của TCTD trong TT 13&19 mới đây của NHNN?

Như vậy kể từ khi được ban hành thì tỷ lệ cấp tín dụng do NHNN quy định đã được điều chỉnh 2 lần. Lần điều chỉnh thứ nhất là tại Thông tư 19 khi đưa tiền gửi không kỳ hạn của KBNN vào phần vốn huy động của các ngân hàng.

Lần điều chỉnh thứ 2 là tại thông tư 22 vừa ban hành, loại bỏ hoàn toàn tỷ lệ cấp tín dụng so với vốn huy động.

Mục đích chính của NHNN là khơi thông hơn tín dụng của hệ thống NH với nền kinh tế. Với quy định cũ thì 20% vốn huy động được sẽ nằm dưới nhiều dạng khác như nộp DTBB, giấy tờ có giá, hay đầu tư khác nhưng không được là tín dụng.

Như vậy bây giờ NHTM có thêm nguồn vốn cấp cho nền kinh tế. Với việc thêm nguồn vốn sẽ làm tăng thanh khoản cho NHTM,  hỗ trợ giảm lãi suất cho vay.

Cùng với đó sự dồi dào nguồn vốn cũng giúp liên thông thị trường I và thị trường II. Nếu tăng tính liên thông thị trường I và II thì các NHTM sẽ không phải chạy đua lãi suất huy động từ dân cư trên thị trường I, khi cần có thể tìm nguồn vốn rẻ hơn trên thị trường II.
 
Như vậy cũng hướng tới mục đích tăng thanh khoản cho các NHTM, hạ chi phí vốn cho các NHTM.

Đấy chính là những yếu tố tích cực của việc bỏ quy định về tỷ lệ cho vay trên vốn huy động.

Việc bỏ quy định này liệu có tác động tiêu cực nào tới nền kinh tế cũng như hệ thống ngân hàng hay không?

Với việc tăng thêm tín dụng cho nền kinh tế, tăng thanh khoản cho hệ thống ngân hàng, điều hòa vốn tạo sự liên thông giữa thị trường I và thị trường II. Những điều này góp phần thực hiện mục tiêu hạ lãi suất của NHNN.

Tuy nhiên cũng có những hệ lụy từ quyết định này. Thứ nhất nếu không kiểm soát tốt thì sẽ làm tăng lượng cung tiền gây áp lực lạm phát và dịp cuối năm. Để giải quyết vấn đề này thì NHNN phải siết thật chặt “ngưỡng tín dụng 20%”.

Hệ lụy thứ 2 là rủi ro tín dụng có thể có của hệ thống ngân hàng. Điều này xuất phát từ việc tăng cung tín dụng ra nền kinh tế nhưng lãi suất vẫn còn ở mức cao.Các DN cần vốn thì nay có thể tiếp cận nên chấp nhận vay vốn giá cao. Tuy nhiên khả năng trả nợ sẽ thấp do đầu ra còn khó khăn, trong khi chi phí đầu vào vẫn cao.

Rủi ro thứ 3 chính là rủi ro thanh khoản. Mục tiêu của tỷ lệ cho vay trên vốn huy động là đảm bảo thanh khoản cho các NHTM. Cuộc khủng hoảng Châu Á 97 – 98 là do các ngân hàng cho vay quá nhiều trong khi huy động vốn quá ít.

Tỷ lệ này tại điểm khủng hoảng xảy ra là các ngân hàng đã cho vay 95-100% vốn huy động.

Chính vì vậy để giảm thiểu rủi ro cho hệ thống NHTM thì NHNN cần theo dõi sát sao hệ thống. Nếu có tín hiệu cho thấy vốn cho vay ra quá nhiều, thanh khoản có vấn đề, nợ xấu nợ quá hạn tăng lên nhưng lãi suất chưa giảm như mong đợi thì có biện pháp can thiệp ngay.

Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào ?

Quan điểm của tôi là quy định này vẫn là cần thiết. Tuy nhiên tỷ lệ bao nhiêu thì hợp lý thì cần xem xét. Cá nhân tôi chọn tỷ lệ 85%, nếu cho vay trên 90% thì rủi ro thanh khoản là rất cao.

Suốt 4-5 năm vừa qua, hệ thống liên tục cho vay trên 90% dẫn đến thanh khoản hệ thống ngân hàng luôn căng thẳng. Từ đó các NH cạnh tranh huy động vốn gay gắt, đẩy lãi suất huy động lên cao.

Cho vay với tỷ lệ cao cũng tăng rủi ro tín dụng. Điều này được bộc lộ nhiều hơn trong bối cảnh kinh tế khó khăn.

Vậy theo ông, NHNN có nên áp dụng một biện pháp khác để hạn chế khả năng tăng tín dụng nóng cuối năm. Ví dụ như tăng DTBB với nội tệ?

Theo tôi không nên áp dụng biện pháp tăng DTBB với VNĐ bởi 3 lý do.

Thứ nhất là như thế sẽ làm căng thẳng thanh khoản VNĐ đối với hệ thống NH. Tăng DTBB với cả VNĐ và ngoại tệ có thể khiến toàn hệ thống “khó thở” hơn rất nhiều bởi bị siết cả nội tệ và ngoại tệ.

Thứ hai, tăng DTBB đẩy chi phí vốn của các ngân hàng như thế khiến cho nỗ lực cũng như mong muốn giảm lãi suất cho vay của NHNN khó thành hơn.

Cuối cùng, việc tăng DTBB có thể sẽ gửi những thông điệp chính sách ngược chiều, điều đó không có lợi cho điều hành của NHNN. Như thế ảnh hưởng đến lòng tin của thị trường.

Chắc chắn NHNN sẽ không muốn làm như vây.

Vậy với quyết định bỏ tỷ lệ cho vay, theo ông liệu lãi suất có thể hạ nhanh được không?

Theo tôi việc điều chỉnh chính sách này sẽ chỉ góp một phần nhỏ vào việc hạ lãi suất. NH có nhiều tiền hơn để cho vay, nhưng đó vẫn là tiền được huy động từ dân cư với lãi suất tương đối cao. Lãi suất đầu ra DN muốn ngân hàng hạ ngay, nhưng huy động đầu vào giá cao NHTM vẫn phải trả lãi đúng hạn.
 
Thực tế nếu có thể vay lãi suất thấp thì các DN có thể trả nợ trước hạn để chuyển sang khoản vay lãi thấp nhưng ngân hàng thì không thể trả lãi cho người dân trước hạn để yêu cầu lãi suất huy động thấp hơn.
 
Chưa kể 20% tiền huy động đó hiện cũng đang ở dưới dạng khác nhau như nộp vào DTBB, TPCP, hay tín phiếu kho bạc, cho vay thị trường liên ngân hàng…như vậy  muốn thành tín dụng thì phải chuyển đổi về tiền.

Bên cạnh đó các ngân hàng cũng vẫn phải duy trì một tỷ lệ tài sản thanh toán ngay nên cũng không phải toàn bộ lượng vốn đó được chuyển thành tín dụng cho vay.

Xin cảm ơn ông !
 
Cao Sơn

tungns1

Diễn đàn doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên