MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Trò chơi” lợi hại (1): Chuyện vị Giáo sư ngồi sau màn trướng, quyết ngoài vặn dặm

11-09-2011 - 09:01 AM | Tài chính quốc tế

Vài năm gần đây, lý thuyết trò chơi đã “tiến bộ đáng kể” khi mà rõ ràng thiệt hại sẽ rất nặng nề nếu phân tích không chính xác.

Tóm tắt:

- GS. Bruce Bueno de Mesquita sử dụng “lý thuyết trò chơi” để dự đoán diễn tiến các sự kiện chính trị trên toàn cầu với độ chính xác không ngờ.

- GS. Paul Milgrom từ ĐH Stanford giúp Time Warners và Comcast tiết kiệm 1,2 tỷ đôla bằng phần mềm phân tích hành vi các bên tham gia đấu giá.

- Chính phủ Israel “cố tỏ ra mình thông minh” và mất trắng 24 triệu đôla trong một vụ đấu giá nhà máy lọc dầu.

Tự nhận mình chẳng mấy thông thạo về chính trị nhưng GS. Bruce Bueno de Mesquita từ ĐH New York lại đưa ra được những dự đoán chính xác đến không ngờ.

Vào tháng 05/2010, ông dự đoán Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak sẽ mất quyền lực trong vòng một năm. 9 tháng sau đó, ông Mubarak bỏ chạy khỏi Cairo giữa cảnh biểu tình tràn ngập phố phường.

Tháng 02/2008, ông Bueno de Mesquita dự đoán Tổng thống Pakistan Pervez Musharraf sẽ bị lật đổ trước cuối mùa hè. Ông Musharraf ra đi trước tháng 9. 5 năm trước cái chết của lãnh tụ Iran Ayatollah Khomeini năm 1989, ông Bueno de Mesquita tiên đoán chính xác tên của người kế vị.

Kể từ đó đến nay, với tư cách nhà tư vấn cho cả các chính phủ nước ngoài lẫn Bộ Ngoại giao, Lầu Năm góc và các cơ quan tình báo Hoa Kỳ, ông đã đưa ra hàng trăm dự báo kiểu như thế. Vậy bí quyết thành công của ông nằm ở đâu? “Tôi chẳng biết gì cả, là “trò chơi” đấy,” ông đáp.

“Trò chơi” lợi hại

“Trò chơi” của ông Bueno de Mesquita là một mô hình máy tính ông phát triển dựa trên một nhánh của toán học có tên gọi “lý thuyết trò chơi” (các nhà kinh tế cũng thường sử dụng lý thuyết này).

Mô hình này dự đoán các sự kiện sẽ diễn tiến ra sao nếu cá nhân và tổ chức hành động theo những gì họ cho là có lợi nhất với mình. Các giá trị số học sẽ đại diện cho mục tiêu, động lực và sức ảnh hưởng của “các người chơi” (gồm nhà đàm phán, lãnh đạo doanh nghiệp, đảng chính trị và đủ loại tổ chức, trong một số trường hợp, là cả quan chức và những người ủng hộ các tổ chức này nữa).

Mô hình máy tính sau đó sẽ cân nhắc các lựa chọn của nhiều “người chơi” khác nhau, xác định xem họ có khả năng sẽ làm gì, đánh giá khả năng ảnh hưởng của họ và cuối cùng là dự đoán xem một sự kiện sẽ diễn tiến tiếp ra sao.

Ví dụ như ảnh hưởng của ông Mubarak giảm đi khi Mỹ cắt giảm viện trợ khiến ông không còn phủ dụ được đám bằng hữu trong giới quân đội và an ninh được nữa. Dân chúng vốn đang thất nghiệp khi ấy sẽ nhận ra rằng giới quan chức bất mãn sẽ không còn sẵn sàng dùng vũ lực đàn áp các cuộc biểu tình chống lại nhà độc tài đã hết thời.

Công ty Mesquita & Roundell của ông Bueno de Mesquita chỉ là một trong nhiều công ty tư vấn cung cấp các mô hình máy tính như thế cho chính phủ, doanh nghiệp và các hãng luật. Phần lớn các tư vấn đều mang tính “chính trị”, tức làm thế nào để “qua mặt” công tố viên, tác động tới bồi thẩm đoàn, dành sự ủng hộ của cổ đông hay tranh thủ cử tri nhờ thay đổi liên minh chính trị và thỏa hiệp về chính sách.

Nhưng vì lý do chính trị nên thu thập dữ liệu chuẩn về tất cả các người chơi là điều rất khó khăn. Công ty Hà Lan Reinier van Oosten of Decide mô hình hóa các thỏa thuận chính trị và quá trình “mua phiếu” tại các tổ chức của Liên minh Châu Âu. Họ lưu ý rằng các dự doán đều sai lệch khi người ta bất ngờ bị tác động bởi “những cảm xúc phi duy lý” như thù hận thay vì theo đuổi những gì được cho là có lợi nhất cho mình.

Tuy vậy, khi kiếm tiền là ưu tiên chính thì xác định động lực của con người lại dễ dàng hơn nhiều. Vì thế, mô hình hóa hành vi sử dụng lý thuyết trò chơi đặc biệt hữu dụng khi ứng dụng trong kinh tế học.

“Trò chơi” tiết kiệm bạc tỷ (đôla)

GS Robert Aumann từ ĐH Hebrew Jerusalem kể rằng thành công nhất phải kể đến mô hình hóa trong đấu giá. Năm 2005 ông đã nhận giải Nobel cho công trình của mình về lý thuyết trò chơi trong kinh tế học.

Biết chính xác nên chào giá bao nhiêu là điều cực kỳ có lợi. Các công ty tư vấn giúp khách hàng thiết kế các phiên đấu giá có lợi hay thắng đấu giá ít tốn kém đang mọc lên như nấm.

Năm 2006, trước phiên đấu giá trực tuyến giấy phép các băng tần radio của Ủy ban truyền thông liên bang Hoa Kỳ, nhà tư vấn và là GS ĐH Stanford Paul Milgrom đã điều chỉnh lại phần mềm lý thuyết trò chơi của mình để giúp một nhóm các nhà thầu. Kết quả, họ đã dành chiến thắng.

Khi cuộc đấu giá bắt đầu, phần mềm của TS. Milgrom theo dõi giá đấu của các đối thủ cạnh tranh để ước tính ngân sách họ dành cho 1.132 giấy phép đang được đấu giá. Quan trọng nhất là phần mềm trên ước tính của giá trị của từng giấy phép đối với mỗi bên dự đấu giá và quyết định xem các giấy phép nào đang bị định giá quá cao.

Nhờ thế mà các khách hàng của TS. Milgrom dành được các giấy phép nhỏ và ít tốn kém hơn. Hai khách hàng của ông là Time Warner và Comcast mất số tiền ít hơn 1/3 so với các đối thủ cạnh tranh cho các dải tần tương đương và tiết kiệm được gần 1,2 tỷ đôla.

Đừng chết vì thiếu hiểu biết

Vài năm gần đây, lý thuyết trò chơi đã “tiến bộ đáng kể” khi mà rõ ràng thiệt hại sẽ rất nặng nề nếu phân tích không chính xác, Sergiu Hart, một đồng nghiệp của TS. Aumann tại ĐH Hebrew, nói.

Ví dụ như vài năm trước chính phủ Israel “cải tiến” cách thức đấu giá một cơ sở lọc dầu. Để khuyến khích các bên trả giá cao, chính phủ hứa thưởng 12 triệu đôla cho bên nào trả giá cao thứ hai.

Một sai lầm đắt giá! Một phân tích cho thấy nếu không có lời hứa trên, giá đấu cao nhất đáng lẽ đã cao hơn 12 triệu đôla. Các bên tham gia trả giá thấp vì người thua có khi lại ăn đậm tiền thưởng. Cộng khoản trên với tiền thưởng, số lỗ của chính phủ lên tới khoảng 24 triệu đôla.

Kết luận đưa ra là nếu không có phần mềm mô hình hóa, “đừng tỏ ra cái gì mình cũng biết”, “nhà mô hình hóa” (modeller) cao cấp tại công ty tư vấn Charles River Associates tại Boston, nói. Công ty trên thiết kế phần mềm lý thuyết trò chơi mô phỏng các phiên đấu giá và kế hoạch thâu tóm sát nhập doanh nghiệp.

Không phải lúc nào cũng cần tới phần mềm. Ví dụ như một sinh viên tại ĐH Hebrew đã chứng minh được chính phủ Israel đã lỗ 24 triệu đôla chỉ bằng giấy và bút chì. Tuy vậy, theo các giáo sư thì anh này mất tới hai ngày. Dùng phần mềm đương nhiên là nhanh hơn nhiều.

Nhưng muốn thu thập và xử lý dữ liệu cần thiết có thể sẽ rất tốn kém. Công ty tư vấn Decide của Hà Lan thường thu phí 20.000 đến 70.000 euro để giải quyết một vấn đề bằng phần mềm DCSim của mình vì trước hết họ phải tiến hành những cuộc phỏng vấn dài dằng dặc với giới chuyên gia. Các khách hàng của công ty bao gồm các cơ quan chính phủ tại Hà Lan và nước ngoài cũng như nhiều công ty lớn như IMB và ngân hàng ABN AMRO.

Minh Tuấn

ngocdiep

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên