MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Rối lãi suất, vướng tiền lương

Lãi suất hiện không còn là vấn đề bàn cãi nhiều, thay vào đó, nhân công và nhân lực mới là chuyện khiến DN đau đầu.

Khó đâu

Ghi nhận ý kiến từ phía DN từ những buổi tiếp xúc trực tiếp giữa đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) với các hội ngành nghề trên địa bàn thành phố, ông Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Thường trực HUBA cho biết, hiện DN đang đối mặt với ba vấn đề chính: nhân lực, tài chính và chính sách.

Về vấn đề nhân lực, nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thâm dụng lao động như: dệt may, da giày, mỹ nghệ, chế biến gỗ... đang phải chạy đôn đáo tìm lao động.

Bởi vì, vào thời điểm này, lao động “chảy” về các tỉnh ngày càng nhiều. Nguyên nhân của hiện tượng này là do các tỉnh, thành cũng đang đẩy mạnh phát triển khu công nghiệp. Do vậy, nếu trở về địa phương, người lao động sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí hơn.

Đứng trước bài toán hạn hẹp ngân sách, nhiều đơn hàng bị cắt giảm và việc giải quyết nguồn nhân lực, DN chọn giải pháp tiết giảm lao động để giải quyết trước mắt về mặt tài chính.

Tuy nhiên, về lâu dài, chọn cách này chẳng khác nào DN đang tự dồn mình vào “cửa tử”. Bởi vì, nếu tình hình kinh doanh khá lên, DN sẽ không thể tuyển dụng kịp lao động để đáp ứng đơn hàng đúng thời hạn. Tuy nhiên, khi quan tâm tới yếu tố nhân lực thì DN lại đụng phải khó khăn khác là phải tăng lương nhân công.

Theo ông Huỳnh Văn Hải, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp huyện Hóc Môn, thực tế, mức lương tối thiểu DN trả cho công nhân viên đã trên 2 triệu đồng/người/tháng. Như vậy, tại TP.HCM, người lao động không được lợi gì từ quy định mới về lương tối thiểu.

Đồng tình với ý kiến trên, ông Lê Quang Doãn, Tổng giám đốc Công ty TNHH SX TM Minh Diệu, đơn vị sản xuất đế giày cao cấp, cũng cho biết, mức lương tối thiểu quy định vùng 1 là 2 triệu đồng/tháng đã làm tăng thêm 35% mức lương áp dụng trong DN.

Theo đó, với việc tăng lương này đã làm quỹ lương của DN tăng lên đáng kể, vì phải điều chỉnh bảo hiểm xã hội (BHXH), trong khi 100% công nhân ở đây đều đóng BHXH, ông Doãn nói.

Bà Nguyễn Thị Kim Loan, Giám đốc Kinh doanh, Công ty TNHH SX KD Thái Ngân, cho biết, trước đây DN Thái Ngân có 3 xưởng gỗ nhưng nay đã cho thuê 2 xưởng, còn một xưởng đang sản xuất cầm chừng.

“Nay lương công nhân lại tăng từ 3 triệu/tháng lên 5 triệu đồng/tháng (do trượt giá 20%) thì DN không biết phải xoay xở thế nào!”, bà Loan than.

Gỡ đó

Trước tình hình này, HUBA đã tiến hành khảo sát, tiếp xúc, trao đổi trực tiếp tại các DN, cũng như ghi nhận ý kiến về những khó khăn trong sản xuất, kinh doanh từ các hội ngành nghề thành viên.

Báo cáo hàng tháng sẽ được gửi về UBND TP.HCM. Điều này nhằm tạo cầu nối giữa DN và lãnh đạo thành phố, qua đó, sẽ giúp lãnh đạo thành phố có sự điều chỉnh phù hợp trong việc ban hành chính sách cũng như các gói hỗ trợ đối với DN. Song, thực tế, có rất nhiều DN vẫn chưa tiếp cận được với các thông tư, nghị định mới, cũng như những gói hỗ trợ từ phía Chính phủ.

Do đó, theo ông Hưng, để giải quyết được thực trạng này cần phải có những giải pháp thật cụ thể, ví dụ, nên có đội ngũ tư vấn pháp luật luân phiên túc trực để có thể hỗ trợ được hết các DN có nhu cầu.

Và ngay bản thân HUBA, đơn vị đại diện cho phía DN cũng sẽ luân phiên tiếp nhận ý kiến từ phía DN để kịp thời phản hồi lên lãnh đạo các sở, ban ngành, nhằm tạo nhiều đầu mối “gỡ khó” cho DN. Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp trước mắt, về lâu dài, DN phải tự chọn những giải pháp hữu hiệu và phù hợp nhất để duy trì sản xuất, kinh doanh.

Tại buổi tiếp xúc với các DN Hội Doanh nghiệp quận 7, bà Nguyễn Bích Nam, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đã đưa ra những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN.

Thứ nhất về nguồn vốn thay đổi công nghệ, cần có sự kết hợp của Sở Khoa học - công nghệ. Thứ hai, Quỹ Bảo lãnh tín dụng nên có sự kết nối để hỗ trợ DN nhiều hơn nữa trong việc bảo lãnh DN vay vốn.

Cuối cùng là quyền lợi đối với những trường hợp di dời DN. Do đó, nên có những cuộc họp để DN gặp gỡ trực tiếp với các đơn vị thực hiện, tránh thực trạng phải qua nhiều cửa, gây bất tiện cho DN.

Theo đó, cũng nên kết hợp giữa các ngân hàng và ban lãnh đạo các KCN. Bên cạnh đó, một giải pháp nữa được kiến nghị tại các buổi tiếp xúc với các DN là việc tìm đối tác trong lẫn ngoài nước có khả năng phối hợp với DN để cải thiện cũng như đẩy mạnh hoạt động DN.

Theo Lê Loan
Doanh nhân Sài Gòn

thanhtu

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên