MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì thiếu lốp mà không bán được ô tô

Vì chỉ lắp được 4 cái lốp thay vì 7 mà DN ô tô tư nhân lớn nhất của Việt Nam không giao được hàng.

Tóm tắt
- Ngành công nghiệp hỗ trợ èo uột không hỗ trợ nổi các DN trong nước muốn sản xuất kinh doanh.
-Nhiều doanh nghiệp phải loay hoay tìm kiếm các nhà cung cấp linh kiện tại chỗ cho công nghiệp lắp ráp tivi, màn hình...
-Khó khăn nhất phải kể đến là các công ty tư nhân gặp khó khăn khi tìm các nhà cung ứng phụ tùng trong nước. Chỉ 40% đơn hàng của họ được đáp ứng gây nên tình trạng vì thiếu một linh kiện nhỏ mà không bán được hàng.

DN điện tử muốn lắp ráp ti vi thì phải nhập 100% linh kiện từ Trung Quốc, Hàn Quốc. Ngành công nghiệp hỗ trợ èo uột không hỗ trợ nổi các DN trong nước muốn sản xuất kinh doanh.

Lắp ráp TV, nhập 100% linh kiện

Không chỉ các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thấy thất vọng, mà ngay cả các DN 100% vốn trong nước cũng gặp khó khăn lớn khi bước vào công cuộc tìm kiếm các nhà cung cấp linh kiện tại chỗ.

Ông Phạm Thành Trí, Giám đốc Công ty TNH Điện tử Thắng lợi (VVC) doanh nghiệp sản xuất tivi màn hình CRT 21 inch cho biết, hiện nay với ti vi 21 inch sử dụng bóng đèn hình CRT đã có nguồn cung cấp một số linh kiện ngay tại trong nước như vỏ nhựa, bo mạch. Tất cả các DN đang lắp ráp sản phẩm này đều mua linh kiện kể trên từ công ty Sam ở Bình Dương. Vỏ nhựa tivi có giá 130.000 đồng/bộ, bo mạch có giá 450.000 đồng/bộ, tính ra rẻ hơn so với nhập khẩu từ Trung Quốc khoảng 70.000 đồng. Còn các linh kiện quan trọng khác nhất là bóng đèn hình thì vẫn phải nhập khẩu.

Tuy nhiên với các mẫu tivi CRT khác như 25 inch, 29 inch... thì không có linh kiện nào được sản xuất ở trong nước, nếu có lắp ráp thì phải nhập khẩu 100%. Nhưng nhập khẩu với số lượng ít thì giá thành cao về lắp thành sản phẩm bán không hiệu quả, nên hầu hết các DN điện tử 100% vốn Việt Nam như VVC, VTB (Viettronic Tân Bình), VTD (Viettronic Thủ Đức) chỉ lắp ráp duy nhất mẫu ti vi 21 inch mà thôi.

Ông Trí cho biết, trước đây khi Công ty VVC lắp màn hình máy tính LCD, ti vi LCD thì 100% linh kiện đều phải nhập khẩu, muốn tìm mua trong nước không có.

Theo ông Trí, công ty VVC đang lên kế hoạch sản xuất máy tính bảng giá rẻ phục vụ cho người tiêu dùng trong nước. Đến nay kế hoạch đã lên nhưng tìm nguồn cung cấp linh kiện trong nước không có, giỏi lắm chỉ có bao bì. Còn lại, tất cả chắc chắn phải nhập khẩu.

Việc mua linh kiện tại chỗ sẽ rất thuận lợi cho DN lắp ráp bởi khoảng cách ngắn, thời gian giao hàng đúng hẹn, phí vận chuyển thấp giúp DN chủ động được kế hoạch sản xuất và tăng tính cạnh tranh với hàng nhập khẩu. Nhưng do ngành công nghiệp hỗ trợ với lĩnh vực điện tử của Việt Nam quá yếu kém khiến DN lắp ráp không thể có nhiều sản phẩm và khó cạnh tranh với hàng nhập khẩu. Ông Trí cho biết, công nghiệp hỗ trợ yếu kém là yếu tố quan trọng khiến các DN lắp ráp của Việt Nam phải chịu nhiều thiệt thòi và không phát triển mạnh trong thời gian qua.

Hậu quả này là do cả thời gian dài hàng chục năm qua, Nhà nước đã không quan tâm khuyến khích phát triển cũng như đầu tư xứng đáng cho công nghiệp hỗ trợ nói chung và lĩnh vực điện tử nói riêng.

Vì thiếu lốp mà không bán được ô tô

Ông Bùi Ngọc Huyên, Tổng giám đốc Công ty ôtô Xuân Kiên (Vinaxuki), DN ôtô tư nhân lớn của Việt Nam cho biết, luôn gặp khó khăn khi tìm các nhà cung ứng phụ tùng trong nước. Vinaxuki sử dụng lốp xe do DN trong nước sản xuất như Sao Vàng, Đồng Nai vì nguồn hàng này đạt chất lượng cao. Thế nhưng nhà cung cấp nhiều khi không đáp ứng kịp. Có thời gian đến vài ba tháng, các nhà máy chỉ cung cấp cho Vinaxuki khoảng 40% hợp đồng.

Vì thiếu lốp, Vinaxuki chỉ tiêu thụ được 4.000 xe tải, thay vì 6.000 xe/năm theo kế hoạch. Cũng vì thiếu lốp mà nhiều xe lắp xong chỉ có 4 cái, thay vì 7 cái theo tiêu chuẩn nên không giao hàng được, mặc dù khách hàng có yêu cầu.

Khi đi tìm nhà cung cấp nệm da lót ghế trong nước dành cho ô tô, ông Huyên cho biết, tìm thấy một vài DN nội, nhưng phần lớn những DN này còn nhỏ lẻ, diện tích mặt bằng sản xuất không lớn, sản lượng không đủ yêu cầu. Muốn đáp ứng được thì phải mở rộng nhà xưởng, nhưng điều này rất khó với các DN nhỏ và vừa bởi cần nguồn vốn lớn trong khi lãi suất ngân hàng tăng chóng mặt, giá thuê mặt bằng quá cao không chịu nổi.

Vinaxuki luôn gặp phải vấn đề lớn với các nhà cung cấp phụ tùng trong nước. Để giải quyết vấn đề thiếu linh kiện, ông Huyên cho biết phải đầu tư nhiều triệu USD thành lập trung tâm sản xuất linh kiện ô tô tại Thái Nguyên và Đông Anh (Hà Nội) để sản xuất linh kiện phục vụ cho lắp ráp xe tải các loại.

Mới đây DN này đã chi 4 triệu USD để hợp tác với một DN Nhật Bản, nhờ họ giúp làm khuôn dập cabin xe tải. Ông hy vọng người Nhật sẽ giúp đào tạo đội ngũ kỹ sư biết làm khuôn tốt trong 5-10 năm nữa để Vinaxuki có thể tự làm ra khuôn với giá thành chỉ bằng 60% nhập ngoại. Nhưng nỗ lực đó vẫn chỉ như muối bỏ biển, vì một nhà máy ô tô cần tới 1.000 - 3.000 công ty linh kiện vệ tinh và đó là điều không tưởng ở Việt Nam hiện nay.

70-90% linh kiện nhập từ Trung Quốc, Hàn Quốc

Cho đến nay Việt Nam có hàng chục DN lắp ráp ô tô 100% vốn trong nước có tỷ lệ nội địa hoá thấp với khoảng 70-90% linh kiện phải nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc. Các DN này chỉ thực hiện những khâu cuối của quá trình lắp ráp là hàn, sơn, kiểm định.

Ông Nguyễn Cảnh Tuấn, Giám đốc Công ty THHH ô tô Hoàng Trà cho biết, trong số linh kiện sản xuất trong nước, có nhiều mẫu không phù hợp với đa số sản phẩm do tính đặc thù và quy chuẩn về kích cỡ như lốp, kính, ắc quy. Bên cạnh đó, mối liên kết giữa các nhà sản xuất chủ yếu theo ngành dọc hoặc theo chủ quản lý. Điều này đã hạn chế việc khai thác thế mạnh của mỗi DN cũng như hạn chế đầu tư phát triển chuyên sâu giữa các DN.

Từ lâu, các DN ô tô Việt Nam đã muốn tăng cường hợp tác trong sản xuất, cùng nhau tạo ra mẫu xe có sản lượng lớn với sự tham gia của nhiều thành phần, nhưng đến nay mong ước đó vẫn chưa thành bởi như vậy phải có sự phân công chuyên môn hoá và các DN phải đầu tư sản xuất linh kiện. Muốn sản xuất linh kiện thì cần vốn lớn, cần có công nghệ. Điều này vượt quá khả năng của nhiều DN trong khi Nhà nước lại không hỗ trợ, khuyến khích nên muốn mà không thực hiện được.

Đến chỉ may, cúc áo cũng phải nhập

Câu chuyện của ngành ô tô và ngành điện tử không phải là chuyện lạ ở Việt Nam. Tuy nhiên, việc sản xuất linh kiện ô tô, điện tử có thể còn được cho khá phức tạp, quy mô thị trường (ô tô, điện tử) còn nhỏ nên khó thực hiện, thì việc sản xuất phụ liệu cho ngành dệt may như chỉ may, cúc áo đâu có quá phức tạp, trong khi các DN làm hàng gia công cần với số lượng lớn, nhưng không hiểu vì sao có rất ít DN chịu làm, cứ phải dùng hàng nhập khẩu? Đây thực sự là vấn đề làm nhiều người băn khoăn.

Tại Tp Hồ Chí Minh, Công ty Kim Khang có dây chuyền sản xuất cúc áo với hơn 20 máy mài gia công, đánh bóng, máy cắt lỗ, mỗi tháng sản xuất khoảng 700.000 - 800.000 cúc. Có dây chyền này là do Kim Khang mua lại của một DN Nhật phá sản từ những năm 1990 thế kỷ trước, chứ thời điểm này không có DN nào đầu tư.

Các ý kiến cho rằng có lẽ do cả thời gian dài không có chủ trương phát triển công nghiệp hỗ trợ, cái gì cũng nhập khẩu quen rồi dẫn đến tình trạng chẳng DN nào muốn làm.

Theo Trần Thủy
VEF

thanhhuong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên