MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Petrolimex: "Nói chúng tôi lãi to là không đúng"

Theo tập tục quốc tế là khi mua thì 1 tháng sau mới thanh toán tiền, nên tỷ giá luôn luôn tác động lên các hoạt động sản xuát kinh doanh của Petrolimex.

Chiều 21/9, Tổng công ty xăng dầu Việt Nam đã chính thức công khai với báo chí về việc không có chuyện lãi 780 đồng/lít xăng theo như Bộ trưởng Bộ Tài chính vừa khẳng định trước đó 1 ngày tại cuộc hội thảo “nảy lửa” giữa hai Bộ Tài chính và Bộ Công Thương.

Căn cứ giá xăng dầu trên số liệu Hải quan là chưa đúng thực tế

Trước hết, để phản bác lại ý kiến của Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ hôm 20/9 về việc cho rằng ngay trong thời điểm giảm giá xăng mức 500 đồng (ngày 26/8/2011), theo số liệu thực tế của hải quan, Petrolimex đã lãi 780 đồng/mỗi lít xăng ngoài 300 đồng lãi định mức mà Chính phủ cho phép, lãnh đạo Petrolimex đã cung cấp hàng loạt con số cụ thể để khẳng định thực lãi hay lỗ cho báo chí.

Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Petrolimex cho biết, trước thời điểm giảm giá, với xăng A95, doanh nghiệp sau khi thực hiện nộp thuế, phí, quỹ bình ổn và các sắc thuế khác, kể cả phí lưu thông thì giá vốn là 21.858 đồng/lít. Trong khi đó, giá xăng A95 lúc ấy chúng ta quy định 21.800 đồng. Như vậyPetrolimex đã lỗ 58 đồng/lít.

Với phép tính tương tự, với xăng A92, giá vốn là 21.081 đồng/lít mà giá bán là 21.300 đồng/lít, nghĩa là Petrolimex có lợi nhuận 219 đồng/lít; Dầu Diezel 0,05% phải bán hòa vốn là 20.560 đồng/lít. So với mức giá của nhà nước quy định trước khi giảm giá (21.100 đồng/lít) thì Petrolimex lãi 540 đồng/lít; Diezel 0,25% giá trước khi giảm có lợi nhuận 289 đồng/lít.

Còn sau khi giảm giá, thì theo báo cáo của Petrolimex, việc kinh doanh đối với xăng loại A95 là lỗ 412 đồng/lít; xăng A92 lỗ 135 đồng/lít; dầu diezel 0,05% lãi 267 đồng/lít và dầu diezel 0,25% thì chỉ lãi 17 đồng/lít!

Không những vậy, ông Bảo cho biết, theo tập tục quốc tế là khi mua thì 1 tháng sau mới thanh toán tiền, nên tỷ giá luôn luôn tác động lên các hoạt động sản xuát kinh doanh của Petrolimex.

Thứ hai, các giao dịch và ký kết hợp đồng với nhà cung cấp xăng dầu cũng theo tập tục quốc tế, có nhiều công thức tính giá dựa trên tính giá bình quân trong nhiều ngày, có thể là trước hay sau giao hàng chứ không tính một ngày cố định nào đó sẽ có thể rơi vào rủi ro cao vì giá xăng dầu thế giới lên xuống thất thường.

Chính vì vậy, nên mới có chuyện thậm chí tàu về, hàng về bán xong rồi nhưng chưa có giá thực phải đợi mấy ngày hôm sau có giá bình quân rồi mới báo cho nhau. Do đó mới có việc khi tàu về đến Việt Nam phải làm tờ khai hải quan, có giá tạm tính mà đơn vị nào cũng phải đưa ra. Hải quan cũng tạm kê khai vấn đề phí thuế nhập khẩu bằng giá này.

“Và như đã phân tích ở trên, số liệu ở Hải quan không phản ánh giá thực tế. Bởi vậy, không có chuyện trước khi tăng giá với mặt hàng xăng của Petrolimex có lợi nhuận tới hơn 1.000 đồng/lít” – ông Bảo khẳng định.

Doanh nghiệp hoạt động phải có lợi nhuận

“Trần tình” cho sự minh bạch của mình, lãnh đạo Petrolimex cũng cho biết các số liệu báo cáo hoạt động kinh doanh của đơn vị đều có báo cáo kiểm toán đều đặn hàng năm của cơ quan quản lý nhà nước.

Kết quả 8 tháng đầu năm cũng cho thấy, Petrolimex và các đầu mối kinh doanh xăng dầu đều hoạt động trong cơ chế điều hành hết sức chặt chẽ của Chính phủ về giá. Các hoạt động của Petrolimex và các đơn vị chủ yếu là thực hiện nhiệm vụ chính trị.

Trong 2011 có nhiều biến cố về thay đổi tỉ giá. Mặt hàng xăng dầu do chúng ta phải nhập khẩu 100% nên thay đổi tỉ giá tác động lên hoạt động của doanh nghiệp.

Một điểm đáng chú ý nữa là Nghị định 84 của Chính phủ cũng như các văn bản liên quan đều nhấn mạnh chuyển kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước, nên nếu doanh nghiệp phải tiếp tục chịu lỗ là không phù hợp. Bên cạnh đó, việc tạo ra một thị trường cạnh tranh trong lĩnh vực xăng dầu cũng là để bảo đảm được quyền lợi của người tiêu dùng.

“Nhưng muốn có thị trường cạnh tranh thì doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đó phải có lợi nhuận. Nhìn nhận trên khía cạnh thị trường bán lẻ, nếu thị trường có lãi thì sự cạnh tranh của 11 doanh nghiệp đầu mối hiện có sẽ hết sức khốc liệt.

Trong khi thực tế hiện nay, 11 doanh nghiệp đầu mối đó vẫn chưa có cạnh tranh vì chưa lúc nào có lãi cả. Khi doanh nghiệp này nhường hay tố doanh nghiệp kia không nhập hàng về là “có vấn đề”. Khi cơ quan nhà nước phải kiểm tra xem có hàng bán ra hay không cũng là “có vấn đề”. Không ai có thể đầu tư vào nơi mà người ta không có lợi nhuận…” – đại diện Petrolimex chia sẻ.

Theo Lan Hương
Dân trí

thanhhuong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên