MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

20 tấn vàng ai sẽ góp?

05-10-2011 - 11:30 AM | Tài chính - ngân hàng

Một nhóm NHTM cùng NHNN và cty SJC vừa họp bàn đề xuất thành lập quỹ 20 tấn vàng nhằm bình ổn thị trường. Ai sẽ đóng góp vào quỹ khổng lồ đó và cơ chế điều hành hiệu quả vẫn là một dấu hỏi.

Dùng nội lực phản ứng nhanh

Trong đề xuất mới đây của nhà sản xuất và kinh doanh vàng miếng lớn nhất cả nước - SJC cùng các ngân hàng cho rằng, sẽ tạo ra một quỹ vàng để có thể can thiệp và bình ổn giá vàng khi cần thiết. Quỹ này do chính các DN và ngân hàng lập ra nhưng hành động theo sự điều hành của Ngân hàng Nhà nước.

Cụ thể, sẽ hình thành một quỹ vàng khoảng 20 tấn sẽ được góp từ nguồn vàng tự có của SJC cùng vàng từ huy động vốn bằng vàng của các doanh nghiệp. Khi giá vàng tăng cao bất thường, nhóm các ngân hàng và SJC dùng số vàng từ quỹ này để bán ra thị trường nhằm duy trì giá vàng trong nước chỉ nhỉnh hơn giá vàng thế giới. Và ngược lại, khi giá vàng giảm thì sẽ mua vào để cân bằng quỹ, dự phòng cho những lần can thiệp tiếp theo.

Theo các DN, số vàng 20 tấn tương đương 530.000 lượng là rất lớn, khi bung ra thì khó có một tổ chức nào có thể đủ sức trụ lại để làm giá. Đặc biệt hơn, vàng này chủ yếu huy động trong nước, hạn chế nhập khẩu tốn kém và gây áp lực lên tỷ giá như hiện nay.

Đi cùng với đề xuất này, các DN cũng xin điều chỉnh hai chính sách: cho phép một số ngân hàng được kinh doanh vàng trên tài khoản nhằm kịp thời cân bằng được số lượng vàng mua vào bán ra để tránh rủi ro; cho phép bán một phần vốn vàng huy động được để can thiệp thị trường.
 

Trước những đề xuất này, dù chưa có phản ứng chính thức nhưng thông tin từ phía Ngân hàng Nhà nước cho thấy, khả năng mở lại nghiệp vụ kinh doanh vàng trên tài khoản là gần như chắc chắn và có thể sẽ được thực hiện sớm. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng đang dự định áp trần lãi suất huy động vàng 0,5% để giảm lợi ích, là cho dân giảm găm giữ vàng.

Sức mạnh tập trung

Tham khảo đề xuất mới này, dù chưa có gì cụ thể nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, đây là một cách làm mới, hy vọng sẽ tạo ra những đổi mới trong quản lý vàng với hai điểm nổi trội. Thứ nhất là huy động được nguồn vàng trong nước để bình ổn vàng. Thứ hai, với nguồn lực tại chỗ cộng với việc kinh doanh vàng trên tài khoản sẽ giúp các ngân hàng và DN phản ứng nhanh hơn trước các biến động giá trong và ngoài nước.

Những con số phỏng đoán gần đây cho thấy, số vàng trong dân hiện có không dưới 500 tấn. Đây là một khối tài sản tài chính lớn đã không được huy động và kiểm soát tốt nên thay vì tạo ra nguồn lực cho phát triển thì không ít lần nó gây ra sóng gió trên thị trường mà cụ thể là những cơn sốt vàng bắt nguồn từ nhu cầu mua tích trữ, đầu cơ tăng cao mỗi khi giá biến động và bị giới kinh doanh lợi dụng để làm giá.

Trong những cơn sốt vàng vừa qua có một thực tế là trong khi vàng trong nước không hề thiếu, thậm chí ngày càng được tích trữ nhiều nhưng không được huy động để cân bằng trên thị trường mà vàng vật chất nhập khẩu về lại không đủ cho nhu cầu nên giá vẫn tăng và chênh lệch lớn so với thế giới. Vàng nội địa nhiều nhưng vẫn thiếu cho nhu cầu và liên tiếp phải nhập khẩu

Kể cả khi vàng lên giá hay xuống giá, nguồn vàng hiện nay đều trông chờ vào nhập khẩu vàng vật chất thông qua giấy phép của Ngân hàng Nhà nước. Điều nay luôn có độ trễ khiến giá cả trong và ngoài nước không liên thông với giá thế giới. Chưa kể, nhập khẩu vàng còn liên quan đến các vấn đề tỷ giá, tiền tệ khác nên số lượng nhập khẩu luôn hạn chế.

Chính điều này đã tạo ra sự lệch pha trên nhiều khía cạnh làm cho thi trường vàng phức tạp và nhiều rủi ro như đã thấy trong thời gian qua.

Nói về điều này, đại diện một DN vàng cho biết, thời gian qua DN để giá chênh lệch cao so với thế giới và thậm chí hạn chế bán ra vì DN luôn phải đảm bảo cân bằng trạng thái vàng trong mỗi ngày.

Trong khi đó, người dân luôn có nhu cầu mua nhiều hơn bán. Vàng nhập về thường bán hết rất nhanh nên nếu không có nguôn cân đối, DN sẽ gặp rủi ro khi giá biến động. Trong khi nguồn vàng bố sung chủ yếu trông chờ vào nhập khẩu mà nhập khẩu như tình trạng trên nên DN luôn phải "thủ thế" để lo cho mình.

Vì thế, nếu có biện pháp huy động được nguồn vàng nội hay còn có thể gọi là nội lực để ổn định thị trường là điều quá tốt. Hơn nữa, khi kinh doanh vàng trên tài khoản được mở trở lại thì càng giúp cho ngân hàng và DN có điều kiện mua bán vàng một cách dễ dàng, để cân đối trạng thái của mình. Chỉ khi nào thực sự cần thiết mới phải nhập. Điều này cho phép chúng ta có nguồn lực và phương pháp để phản ứng nhanh với thị trường vàng mà trước nay chưa làm được.

Như vậy, cơ chế mới sẽ vận động được số vàng đóng băng trong dân thành nguồn lực tham gia điều tiết thị trường. Đồng thời kết nối , khơi thông mối liên hệ giữa giá vàng trong nước với thế giới, chủ động hơn trong bình ổn và quản lý thị trường nhạy cảm này.

Đặc biệt, với cơ chế này, điều hành thị trường vàng sẽ tập trung về đầu mối Ngân hàng Nhà nước, cộng với 20 tấn vàng, có thể coi là một sức mạnh vật chất để cơ quan quản lý có đủ và chính sách và nguồn lực để thực thi sức mạnh quản lý của mình.

Ai sẽ cùng góp 20 tấn vàng?

Có lẽ 20 tấn vàng, nhiều gấp 5 - 10 lần quota nhập khẩu mà Ngân hàng Nhà nước cấp mỗi lần, sẽ đủ sức mạnh để chi phối thị trường. Thậm chí, chỉ cần có quỹ này thì các đối tượng khác trên thị trường cũng phải dè chừng khi hành động.

Tuy nhiên, một chuyên gia từ Bộ Công Thương lại tỏ ra băng khoăn, với 20 tấn vàng, tương đương 1,2 tỷ USD theo thời giá hiện nay đóng vào quỹ là điều không dễ. Cơ chế nào để huy động và quản lý và trước hết ai dám hy sinh quyền lợi để bỏ vàng vào quỹ.

Theo vị chuyên gia này, DN sẽ bỏ vàng vào quỹ nhưng chắc chắn họ phải đòi hỏi tài sản bỏ ra sẽ được đảm bảo trước các rủi ro và không ai muốn để tài sản nằm không trong một 'quỹ công ích". Vậy dù ít hay nhiều, DN cũng phải có thể sinh lời từ việc này, thấp nhất cũng phải trên cón số 0,5% lãi suất huy động vàng đang dự kiến... Như vậy, ai sẽ chịu chi phí này?

Hơn nữa, chẳng ai để quỹ này nằm "cứng" không vận động sinh lời mà phải buộc nó vận động để có phần lợi nhằm chí ít là phục vụ cho sự tồn tại của nó và bù đắp phần nào cho DN. Tuy nhiên, cơ chế đó sẽ như thế nào, và khi cần sẽ tập trung lại ra sao là cả một vấn đề.

Hầu hết các quỹ bình ổn hàng hóa đến nay đều gặp vấn đề rắc rối. Và điều đó sẽ phức tạp hơn khi làm với vàng vì đây là hàng hóa đặc biệt.

Lập quỹ đã khó nhưng vận hành nó không hề đơn giản. Bởi vì cho đến nay các cơ sở pháp lý cho quỹ này ra đời đều mơ hồ. Còn chuyện vận hành thế nào đều chưa có gì cụ thể. Chỉ riêng việc giá vàng thế nào được xem là bất thường và phải can thiệp cũng đã phải cân nhắc. Rồi can thiệp thế nào, thông qua ai và bằng cách nào, phân chia thế nào, hoạch toán lỗ lãi ra sao?

Có lẽ vì thế, mà lãnh đạo một Ngân hàng dù đánh giá cao ý tưởng này thì vẫn cho rằng, còn lâu điều này mới thành hiện thực. Thậm chí, vị lãnh đạo này còn đặt vấn đề, hãy xác định ai làm giá trên thị trường trong thời gian qua và cách làm giá thế nào mới có thể đặt vấn đề trị "làm giá".

Cả nước chí có mấy DN lớn kinh doanh vàng bạc và họ đặt giá hàng ngày thế nào tùy ý mà chưa kiểm soát được thì việc lập quỹ để chống lại làm giá thông qua các DN này là còn xa vời.

Vị lãnh đạo này nhắc lại, từ tháng 8 đến nay, đã tốn mấy trăm triệu USD cho các DN này nhập khẩu vàng về để bình ổn nhưng thực tế vàng không ổn mà giá còn cao. Đến nay, ai được nhập, nhập bao nhiêu và dùng thế nào đều không rõ thì chính sách mới hẳn còn là một dấu hỏi về khả thi và hiệu quả.

Trong khi đó, theo số liệu của thời gian qua, người dân Việt Nam với tâm lý tích trữ vàng cộng với những lo ngại từ bất ổn của kinh tế khi lạm phát tăng cao, đồng tiền mất giá càng có nhu cầu mua vàng nhiều. Trừ một số thời điểm xuất khẩu, còn lại vàng nhập về đều nhanh chóng tiêu thụ hết.

Như vậy, dù có quỹ xoay vòng, kinh doanh vàng trên tài khoản thì việc nhập khẩu vàng vật chất vẫn là một khả năng rất cao. Và khi đó, tất cả lại quay về câu chuyện nhập khẩu, tỷ giá và định giá vàng...

Hơn nữa, liệu người dân có tiếp tục gửi vàng hay lại cất vàng sâu hơn vào đáy két như vẫn làm từ trước đến nay mà không màng đến lợi nhuận bằng gửi vàng, ăn lãi suất như VND hay USD? Còn trông chờ vào vàng tài khoản chỉ là sự cân đối tức thời, muốn có vàng thì vẫn phải nhập.

Như vậy, một chuyên gia đặt vấn đề, bản chất tích trữ vàng ngoài thói quen còn cho thấy người dân có nhu cầu thật về vàng và hơn thế họ đặt niềm tin lớn vào vàng khi sự đồng tiền không ổn định giá trị. Vì thế, vàng đắt và đắt hơn thế giới nhiều triệu đồng họ vẫn mua với mục đích bảo toàn tài sản cho mình. Vị này đặt vấn đề liệu quỹ này có hiệu quả khi người dân chưa có niềm tin vững chắc vào tiền đồng và luôn lựa chọn vàng để đám bảo an toàn.

Nói cách khác, một quỹ bình ổn, các cơ chế khác đều chỉ là tình thế, biện pháp dài hạn vẫn phải tạo sự ổn định, gây dựng niềm tin của dân vào đồng tiền, để từ bỏ dần các tài sản khác như vàng và nguồn tài sản vàng hay USD. Điều đó, sẽ là điều kiện để ổn định thị trường vàng hay USD.

Thực tế cho thấy, chợ USD vẫn họp và giá chợ đen vẫn tăng cao vào cuối năm khi cầu mua tăng lên. Vàng cũng thế, nhu cầu của người dân tăng cao thì 20 tấn vàng bán ra liệu có đủ giải quyết mọi vẫn đề?
 
Theo Phước Minh
VEF

tungns1

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên