MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TP.HCM: 17.600 DN “bệnh”, “chết” trong chín tháng

Chiều 14-10, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM làm việc với UBND TP.HCM, các sở, ngành, Cục Thống kê, Cục Thuế, Ngân hàng Nhà nước VN Chi nhánh TP.HCM để giám sát các nội dung về tình hình kinh tế - xã hội.

Số DN “chết” khoảng 30%: Coi như “sống dai”

Ông Võ Sĩ, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, cho biết từ đầu năm đến nay có trên 400 doanh nghiệp (DN) làm thủ tục giải thể. Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa phản biện, cho rằng kinh tế năm nay khó khăn như vậy, DN than khổ nhiều như vậy, con số trên 400 DN liệu có quá ít không? Ông Võ Sĩ cho rằng số DN giải thể có thể lớn hơn, vì DN giải thể nhưng không làm hoặc chưa làm thủ tục với Sở Kế hoạch và Đầu tư để xóa đăng ký kinh doanh.

Bà Lê Thị Thu Hương, Cục phó Cục Thuế, cung cấp thêm thông tin: Trong chín tháng đầu năm, có trên 7.400 DN xin giải thể (xóa mã số thuế không khôi phục lại được), trên 7.300 DN xin tạm ngưng hoạt động (tạm không nộp thuế, khi nào hoạt động lại sẽ nộp thuế) và gần 2.900 DN không có báo cáo gì cả (xem như bỏ trốn). Đấy là đối với loại hình DN, chứ con số về hộ kinh doanh thì còn nhiều hơn. Đại biểu Trần Du Lịch cho rằng “con số này quá sốc”!

Được biết trong chín tháng đầu năm, TP.HCM có trên 18.000 DN mới được thành lập. Một nguồn tin về đăng ký kinh doanh cho biết hằng năm vẫn có DN “chết” hoặc “bệnh” nhưng có thể không nhiều như năm nay. Việc DN “bệnh”, “chết” là chuyện bình thường. Hơn nữa, cần phải thấy con số chung của thế giới là sau ba năm thì số DN giảm 30% (không kể đăng ký mới), sau bảy năm thì giảm 60%. Trong khi đó, ở nước ta, sau bấy nhiêu năm thì con số DN “chết” chỉ chiếm khoảng 30% tổng số DN từng thành lập, thế là “sống dai”.

Do lãi suất vay cao nên nhiều DN không tiếp cận được nguồn vốn để kinh doanh, sản xuất. Ảnh: HTD

Cho vay kém vì lãi suất cao

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia) cho biết: “Đọc báo cáo mà tôi quá buồn. DN thì rất cần vốn, rất muốn vay tiền. Thế nhưng các con số trên cho thấy DN không vay được tiền, lý do chính là lãi suất cao quá”.

Trong khi DN khó khăn thì báo cáo của UBND TP cho thấy số thu ngân sách tăng. Nhiều đại biểu ngạc nhiên: “DN thì khó khăn mà sao thu ngân sách tăng 23% “phấn khởi” quá thế!”.

Bà Lê Thị Thu Hương cũng giải thích rằng vì kinh tế khó khăn nên thu từ kinh tế đến nay vẫn chưa đạt kế hoạch. Tuy nhiên, nhờ nhiều yếu tố khách quan khác mà nguồn thu mới tăng, mới vượt kế hoạch. Cụ thể, giá dầu thô thế giới tăng, trên 18.000 DN mới thành lập nộp thuế môn bài, dự kiến tiền sử dụng đất thu 3.500 tỉ đồng thì chín tháng đã thu gần 8.300 tỉ đồng. Đặc biệt, chỉ tiêu về bán nhà sở hữu Nhà nước là 30 tỉ đồng thì chín tháng đã thu trên 150 tỉ đồng, vượt 500%. Đó là chưa kể các khoản thu từ phạt vi phạm hành chính, ví dụ phạt vi phạm giao thông… cũng tăng so với chỉ tiêu đặt ra.

Vốn đâu để nông dân đầu tư?

Trong báo cáo, UBND TP cũng liệt kê “bảo đảm 14/14 khu công nghiệp thực hiện việc xử lý nước thải”. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng cái này là kế hoạch “ước muốn” chứ đâu phải báo cáo thực hiện, đề nghị giải thích rõ. Ông Lê Minh Trí, Phó Chủ tịch UBND TP, cũng đặt vấn đề khu công nghiệp đương nhiên phải có hệ thống xử lý nước thải vì không có thì làm sao được cấp phép hoạt động khu công nghiệp. Vấn đề là họ có vận hành hệ thống hay không và vận hành bao nhiêu phần trăm?

Ông Nghĩa cũng đặt vấn đề: “Tôi nghe nói là vốn dành hỗ trợ cho nông nghiệp, nông thôn rất cao, sao chưa thấy đánh giá tính hiệu quả như thế nào?”. Ông Trí kể chuyện ông đi thăm một số mô hình nông nghiệp ở Củ Chi. Có mô hình trồng hoa lan, đầu tư mỗi hecta khoảng 2 tỉ đồng (hệ thống thủ công) hoặc 4 tỉ đồng (hệ thống tự động), mỗi năm doanh thu 1 tỉ đồng, sau bốn năm là có thể hoàn vốn. Nhưng vấn đề là vốn đâu để đầu tư? Có chuyện 15.000 tỉ đồng hỗ trợ cho nông nghiệp nhưng nói thì nghe vậy thôi chứ nông dân không có tài sản thế chấp nên làm sao vay vốn ngân hàng được!

Giải pháp trọng tâm ba tháng cuối năm

Tăng cường quản lý thị trường, kiểm tra kiểm soát giá cả.

Tăng cường kiểm soát thị trường tiền tệ, vàng, ngoại tệ.

Kiểm soát chi, thực hành tiết kiệm.

Cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông, giảm ngập nước, sụt lún.

Theo Quỳnh Như

PL TpHCM

tungdn2

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên