MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Công xưởng thế giới” đã hết thời?

17-10-2011 - 15:49 PM | Tài chính quốc tế

Tại một trung tâm sản xuất lớn của Trung Quốc, thời gian gần đây liên tiếp xảy ra tình trạng chủ doanh nghiệp bỏ trốn, không trả lương cho nhân viên và “xù” nợ.

Tại thành phố Ôn Châu thuộc tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc; các công ty xuất khẩu tại một trung tâm kinh tế của Trung Quốc đang chịu áp lực khi mức lương tối thiểu và chi phí tăng cao.

Nhà máy tại thành phố Ôn Châu sản xuất nhiều bật lửa và gọng kính hơn so với bất kỳ nơi nào trên thế giới và bao lâu nay được coi như nơi tạo lập xu thế kinh tế cho toàn Trung Quốc. Vì vậy, báo cáo gần đây về tình trạng người đứng đầu một số nhà máy tại thành phố bỏ trốn trong những tuần gần đây, để lại hàng loạt công nhân không được trả lương và núi nợ lớn, được coi như dấu hiệu u ám về kinh tế Trung Quốc.

Nhu cầu của thế giới đối với hàng xuất khẩu giá rẻ Trung Quốc giảm, chi phí sản xuất tăng cao cũng như nợ cao khiến rất nhiều doanh nghiệp Trung Quốc khốn khổ. Có thể kể đến trường hợp đáng buồn xảy ra cách đây 3 tuần, người đứng đầu một doanh nghiệp sản xuất giầy tại Ôn Châu đã tự tử. Công ty này nợ khoảng 63 triệu USD. Ngoài ra còn hơn 90 ông chủ doanh nghiệp khác bỏ trốn.

Hoạt động giao dịch thương mại tại Trung Quốc, nước xuất khẩu hàng hóa hàng đầu thế giới, thường được coi như chỉ báo về sức khỏe của kinh tế toàn cầu và đối với nhiều nhà đầu tư dự báo bi quan, vấn đề của Ôn Châu có thể coi như chỉ báo về khả năng kinh tế Trung Quốc khó “hạ cánh an toàn”. Khả năng này thực sự bi quan với kinh tế toàn cầu ở thời điểm phần lớn các nền kinh tế phát triển có thể suy thoái.

Trên thực tế, vấn đề của thành phố Ôn Châu sẽ không gây ra sự chấn động trên toàn Trung Quốc, phần lớn chuyên gia phân tích dự báo kinh tế Trung Quốc sẽ chững lại trong nhiều tháng tới.

Những gì đang xảy ra tại Ôn Châu đánh dấu bước ngoặt đối với Trung Quốc. Ông Huang Yiping, chuyên gia thuộc Barclays Capital, nhận xét: “Điều đang xảy ra tại Trung Quốc phản ánh mô hình tăng trưởng của Trung Quốc đang dần lạc hậu. Thành công kinh tế của Trung Quốc trong 30 năm qua có được nhờ nguồn vốn, lao động và đất đai giá rẻ thế nhưng rất nhiều vấn đề mất cân bằng và thiếu hiệu quả đã phát sinh.”

Thay đổi này tác động không chỉ đến công dân tại nước đông dân nhất thế giới, nơi tốc độ tăng trưởng 10%/năm trong suốt 3 thập kỷ đã cứu hàng trăm triệu người khỏi đói nghèo.

Nó còn gây ra thay đổi cấu trúc ảnh hưởng đến các doanh nghiệp và người tiêu dùng phương Tây vốn quen với hàng Trung Quốc giá rẻ. Ngoài ra, nó còn khiến nhiều công ty xuất khẩu tại nhóm nước phát triển và mới nổi vốn phụ thuộc vào việc Trung Quốc cần nhiều hàng hóa, nguyên liệu thô để phát triển hoạt động đầu tư và xây dựng, hiện vốn đang mất đà tăng trưởng.

Thành công tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc bắt đầu vào năm 1978. Năng suất lao động trong lĩnh vực nông nghiệp và thu nhập của lao động nông thôn tăng vọt. Sau đó, đến lượt hoạt động di cư hàng loạt, công nghiệp hóa và đầu tư trong sản xuất được khuyến khích tại nơi được mệnh danh “công xưởng” của thế giới.

Theo số liệu từ Ngân hàng Thế giới, vào năm 1990, thu nhập bình quân đầu người tại Trung Quốc thấp hơn 30% so với mức trung bình tại khu vực châu Phi ở phía Nam sa mạc Sahara. Thế nhưng hiện nay ở mức 4.000USD, tỷ lệ chênh lệnh đã lên cao gấp 3 lần.

Mức giá hàng hóa siêu rẻ của Trung Quốc đã thu hút nhà đầu tư và người mua hàng trên khắp thế giới có được nhờ nguồn cung lao động giá rẻ không hạn chế, đất rẻ, tín dụng dễ dãi từ nhóm ngân hàng nhà nước ngoài ra phải kể đến chi phí các yếu tố đầu vào như điện, nước thấp.

Thế nhưng đằng sau thành công tăng trưởng, không thể bỏ qua nhiều vấn đề nghiêm trọng như môi trường xuống cấp và bất bình đẳng xã hội tăng cao.

Ông Robert Zoellick, chủ tịch của Ngân hàng Thế giới, nhận xét: “Yếu tố làm nên tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc đang giảm dần. Nguồn lực đã chuyển từ lĩnh vực nông nghiệp sang công nghiệp; lực lượng lao động và dân số già đi, số người hỗ trợ người về hưu giảm, đà tăng năng suất lao động giảm dần.”

Với chất lượng hạ tầng cũng như chuỗi nguồn cung nội địa, quốc tế tốt, Trung Quốc trong tương lai gần sẽ vẫn giữ vị trí trung tâm sản xuất của thế giới.

Thế nhưng khi lương tối thiểu tại nhiều khu vực đang tăng hơn 20%/năm, nguồn cung đất ngày một hạn hẹp, đắt đỏ; mọi chuyện sẽ dần thay đổi. Ngoài ra, chính phủ Trung Quốc hạn chế dần nguồn cung tín dụng và áp dụng cơ chế tự do giá năng lượng và nhiều loại hàng hóa khác. Nguồn vốn đầu tư vào nhà máy, đường sá, sân bay và bất động sản bao lâu nay vốn là động lực tăng trưởng chính không còn ổn định nữa.

Từ cơ chế tỷ giá cho đến chính sách lãi suất và tiết kiệm, chính phủ Trung Quốc đang dần tiến hành cải cách theo đúng hướng. Thách thức nằm ở chỗ phát triển được mô hình tăng trưởng mới trước khi mô hình tăng trưởng cũ trở nên quá lạc hậu.

Đình Hảo

ngocdiep

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên