MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông Cao Sỹ Kiêm: 'Hàng chục ngân hàng trong tầm ngắm sàng lọc'

20-10-2011 - 16:16 PM | Tài chính - ngân hàng

Hiện có hàng chục ngân hàng đáng nằm trong diện cần cơ cấu lại, tức sáp nhập hoặc giải thể. Tuy nhiên, không thể cơ cấu, sắp xếp lại các ngân hàng một cách ồ ạt.

Khám sức khoẻ toàn bộ các ngân hàng

Nói về câu chuyện tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ông Cao Sỹ Kiêm, cho hay, trước đây khi ông còn đương chức, chỉ có 5 ngân hàng thương mại quốc doanh nên chưa có khái niệm cấu trúc mà chỉ sắp xếp, củng cố lại. Hiện nay, do tác động của kinh tế thế giới cùng thực tế phát triển và hội nhập của đất nước đòi hỏi cấp bách phải cấu trúc lại nền kinh tế, trong đó có hệ thống ngân hàng. Tái cấu trúc ngân hàng cần được đặt trong bối cảnh tái cơ cấu lại các DNNN và tập đoàn, tái cơ cấu nguồn vốn phân bổ vốn đầu tư, đặc biệt là đầu tư công.

Trước một số ý kiến khác biệt về thời điểm thực hiện, ông Kiêm khẳng định: Thứ nhất, dứt khoát là phải cơ cấu lại ngay hệ thống ngân hàng, dù là ngân hàng to hay nhỏ. "Khi đã tham gia hoạt động theo hệ thống thì trước hết ngân hàng phải an toàn, nếu không thì buộc phải sắp xếp, cơ cấu lại", ông Kiêm nhấn mạnh.

Thứ hai, sắp xếp, tái cấu trúc nhưng đảm bảo an toàn hệ thống, tránh để đổ vỡ dây chuyền. Ngân hàng là sở hữu tư nhân, là cổ phần và tài sản của người dân nên tất cả các phương án cơ cấu phải dựa trên tính tự nguyện, tự giác và cùng tham gia.

Cuối cùng, phải có lộ trình và phải có nhiều hình thức tái cơ cấu: sáp nhập, tăng vốn, cho ngân hàng khác hoặc Ngân hàng Nhà nước mua lại... Việc làm đầu tiên, theo ông Kiêm, là đánh giá khảo sát chính xác về sức khoẻ của tất cả các ngân hàng hiện nay, xem điểm yếu là gì và cần bổ sung gì. Cùng chung quan điểm này, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành khẳng định, đây là khâu quan trọng nhất, cần tiến hành gấp, bởi kể cả ngân hàng lớn mà quản lý rủi ro không tốt thì vô cùng nguy hiểm.
 
Từ đó, ban hành tiêu chí để sắp xếp, tái cấu trúc. Các ngân hàng Việt Nam hiện hoạt động theo khuôn khổ công ước Basel I, Basel II, Basel III với đầy đủ các chỉ tiêu về an toàn hệ thống, chỉ tiêu về an toàn số vốn tự có của ngân hàng cũng như không được cho vay những dự án quá hạn sức lực vốn của mình.

Cụ thể, theo ông Kiêm, các tiêu chí cần tập trung vào vấn đề vốn và hiệu quả sử dụng vốn; chất lượng tín dụng, khả năng thanh khoản và khả năng quản trị kinh doanh... những vấn đề quan trọng đảm bảo tính thanh khoản của hệ thống.

Khi đã lên được tiêu chí, tiêu chuẩn thì xây dựng lộ trình. Không thể cơ cấu, sắp xếp lại các ngân hàng một cách ồ ạt, bởi việc này phụ thuộc vào từng ngân hàng và yêu cầu chung của công cuộc tái cấu trúc DNNN và phân bổ vốn đầu tư.

"Nên có sự phối hợp nhịp nhàng. Nếu ngân hàng nhảy lên làm trước mà DN còn bê bết, khủng hoảng thì không được; hoặc anh phân bổ đầu tư xiên xẹo thì sắp xếp ngân hàng cũng không có nhiều tác dụng", ông Kiêm khuyến cáo.

Nhiều "con ếch" cố to bằng con bò

Theo đánh giá chủ quan của vị nguyên thống đốc, thể trạng sức khoẻ các ngân hàng Việt Nam hiện rất gay go. Ví như vừa qua, các ngân hàng đi vay làm rối cả thị trường, rồi lãi suất kiểu gì, cao đến mấy... cũng vay là đáng báo động. Nợ xấu tăng lên nhiều. Ngân hàng này vay của ngân hàng khác, rồi ngân hàng khác lại vay ngân hàng khác nữa... , nếu mắt xích nào đứt thì khó khăn dồn toa. Một ngân hàng có vấn đề là lập tức các ngân hàng khác cũng đổ theo.Tiền thì cứ lòng vòng trong các ngân hàng với nhau, sản xuất thì không tiếp cận được.

Ông Kiêm đánh giá, hiện có hàng chục ngân hàng đang nằm trong diện cần cơ cấu lại, tức sáp nhập hoặc giải thể. Đó mới là con số khiêm tốn, nếu làm chặt chẽ thì còn cao hơn.

Còn theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, một số ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng thương mại cổ phần nông thôn mới được nâng cấp lên đô thị đang tạo ra một vấn đề lớn cho hệ thống. Vốn các ngân hàng này thấp nên cố thúc đẩy tăng trưởng tín dụng nóng trong khi quản trị kém dẫn tới nhiều rủi ro. Ông Thành ví von các ngân hàng này cũng giống như những con ếch cố phồng bụng to lên bằng con bò. Thay vì phải từ từ lớn lên và trưởng thành, việc cố sức như vậy dẫn tới hệ luỵ là có thể nổ tung bất cứ lúc nào.

"Lẽ ra, đó sẽ là các ngân hàng địa phương tốt, bởi số ngân hàng ở 63 tỉnh, thành không phải là lớn. Nhưng nay thì các ngân hàng đó biến thành những "con ếch" nhảy lung tung, làm nhũng nhiễu nền kinh tế, đẩy lãi suất lên làm cả hệ thống ngân hàng bị ảnh hưởng.
 

Chưa kể, nợ xấu trong tình trạng ngân hàng rất nguy hiểm, cần có biện pháp xử lý ngay, nhất là khi các tổ chức nước ngoài cảnh báo tỷ lệ này ở Việt Nam là 13% tổng dư nợ theo chuẩn quốc tế. Chẳng hạn, đại gia lập ra ngân hàng nhằm huy động vốn của dân nhưng lại đầu tư vào công ty của cá nhân, hay đầu tư phần lớn vào bất động sản. Khi dự án phá sản hoặc bất động sản mất giá, ngân hàng sẽ đứng trước khả năng đổ vỡ. Rõ ràng, nợ xấu, nợ khó đòi đang là vấn đề cực kỳ nghiêm trọng hiện nay.

Ngân hàng Nhà nước có nên ôm các khoản nợ?

Trả lời báo giới, TS. Lê Xuân Nghĩa - Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, cho rằng, tái cấu trúc thì không hẳn là nhắm vào các ngân hàng thương mại nhỏ mà tập trung vào những ngân hàng nào có tỷ lệ nợ xấu vượt quá 5%. Đây là đối tượng phải tập trung tái cấu trúc lại tài chính và các định chế quản lý tài chính như quản trị rủi ro.

"Chúng ta phải xác định lại toàn bộ tỉ lệ chiếm hữu cổ phần của một cổ đông trong ngân hàng, luật mới quy định 5% và các ngân hàng phải đưa về đúng tỷ lệ đó", ông Nghĩa nói.

Những ngân hàng nhỏ mà khỏe thì không phải là đối tượng bởi bản thân các ngân hàng này có những phân khúc khách hàng của họ. Những ngân hàng nhỏ mà yếu thì đương nhiên buộc phải giải thế, buộc phải phá sản. Việc giải thế và rút giấy phép đã được quy định trong Luật Ngân hàng và các tổ chức tín dụng, cứ theo đó mà tiến hành.

Theo ông Kiêm, đối với các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, tốt nhất là yêu cầu niêm yết trên sàn chứng khoán nhằm minh bạch thông tin. Đối với các ngân hàng quốc doanh, trước tình trạng một công ty tài chính của ngân hàng nọ cho vay cả nghìn tỷ để mua tàu mà không thẩm định kỹ... ông Kiêm nhận xét đó chỉ là một trong số phần chìm của tảng băng - mà ông ví von như những ung nhọt cần phải rạch ra để chữa trị. Riêng các tổng công ty, tập đoàn góp vốn thành lập ngân hàng, cần xác định tỷ lệ được góp, số vốn đó ở đâu, nếu cao quá phải gạt ra.

Nguồn tiền góp vốn vào ngân hàng, theo ông Nghĩa, cũng phải truy đến cùng để xem tiền đó có sạch không và có phải vốn thật sự của doanh nghiệp đó không hay vốn ảo, núp dưới hình thức phát hành trái phiếu cho các công ty con của mình, hay đá chéo vốn cho nhau...

"Trong quá trình tái cơ cấu ngân hàng, cái khó nhất là vượt qua rào cản về tư duy. Do ngân hàng là sở hữu cá nhân nên sự tự giác, vì trách nhiệm phải tham gia đã bị cản lại. Chưa kể có lợi ích nhỏm, lợi ích của cổ đông, của một vài doanh nghiệp hay người có chức tước... chi phối".

Về quan điểm Ngân hàng Nhà nước có nên đứng ra mua các ngân hàng yếu kém hay không, trong khi ông Bùi Kiến Thành cho rằng đây là điều phí lý, không cần thiết khi Ngân hàng Nhà nước phải bỏ một đống tiền ra mua, ôm vào các khoản nợ khó đòi chẳng khác gì một... đống rác, thì nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sỹ Kiêm có quan điểm ngược lại.

Ông Cao Sỹ Kiêm phân tích, nếu ngân hàng quốc doanh không gánh được thì Ngân hàng Nhà nước buộc phải ra tay. Đây là điều mà luật cho phép. Trong những tình huống đặc biệt, là bước đường cùng - khi hai sợi dây an toàn là bảo hiểm tiền gửi và trích phòng rủi ro đã đứt - Ngân hàng Nhà nước có thể mua lại hoặc mua cổ phần để trở thành cổ đông của các ngân hàng này để tham gia tái cấu trúc.

Rõ ràng, cơ quan quản lý đã khẳng định quyết tâm trong việc lập lại trật tự của hệ thống ngân hàng, giúp các ngân hàng phát triển mạnh lên. Các khung pháp lý được Ngân hàng Nhà nước cho là đã đầy đủ, vấn đề còn lại chỉ là ý chí triển khai trên thực tiễn và kết quả cụ thể sẽ chứng minh điều đó.
 
Theo Ngọc Hà
VEF

tungns1

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên