MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá bất động sản tại Trung Quốc bắt đầu “sụp đổ”

07-11-2011 - 23:18 PM | Tài chính quốc tế

Giá bất động sản tại Trung Quốc đang trong trạng thái “rơi tự do” bởi các công ty bất động sản cố gắng hoàn thành mục tiêu doanh thu của năm 2011.

Giá bất động sản tại Trung Quốc đang trong trạng thái “rơi tự do” bởi các công ty bất động sản cố gắng hoàn thành mục tiêu doanh thu của năm 2011 trong bối cảnh thị trường đi xuống mạnh. Nhóm công ty bất động sản lớn nhất đang hạ mạnh giá bán nhà tại Thượng Hải, Bắc Kinh và Thâm Quyến trong những tuần gần đây, xu thế này còn lan sang cả nhóm thành phố cấp 2 và cấp 3 như Hàng Châu, Hợp Phì và Trùng Khánh.

Tại Trùng Khánh, công ty bất động sản Hutchison Whampoa của Hồng Kông hạ giá tới 32% đối với dự án Cape Coral. Ông Alan Chiang Sheung-lai thuộc công ty bất động sản DTZ nhận định với South China Morning Post: “Cuộc chiến giá cả giữa các công ty bất động sản bắt đầu.”

Vào đầu tháng 9/2011 khi công ty bất động sản tại Thượng Hải bắt đầu giảm giá bán nhà, xu thế này đã tiếp tục đến hiện nay. Các chuyên gia phân tích cho rằng việc giá bán bất động sản hạ có thể khiến Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo nới lỏng một số quy định thắt chặt, hạn chế với hoạt động mua căn nhà thứ 2, vốn được đưa ra với mục tiêu hạ nhiệt thị trường.

Họ đã sai lầm. Sau buổi họp của Hội đồng Nhà nước Trung Quốc vào ngày 29/10/2011, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã khẳng định lại quan điểm chính sách của chính phủ Trung Quốc, theo đó, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục áp dụng chặt chẽ chính sách hiện tại trong những tháng tới để cho người dân thấy tác động từ biện pháp hạn chế của chính phủ.

Từ sau đó, hoạt động bán tháo tăng mạnh bởi các công ty bất động sản cạnh tranh với nhau để “xả hàng”. Công ty bất động sản Excellence Group thậm chí còn cho biết họ đang bán căn hộ ở thành phố Huệ Châu chỉ ngang giá thành.

Chuyên gia Oscar Choi thuộc Citigroup tin rằng giá bất động sản có thể giảm thêm 10% trong năm 2012, thế nhưng ước tính này còn chưa hoàn toàn đầy đủ. Ngay cả nhiều chuyên gia bất động sản thuộc nhà nước còn bi quan hơn. Chuyên gia Cao Jianhai thuộc Viện hàn lâm khoa học Trung Quốc dự báo giá bất động sản tại Trung Quốc có thể giảm cao nhất tới 50% nếu chính phủ tiếp tục các biện pháp hạ nhiệt.

Dù nhiều chuyên gia tại Bắc Kinh đang cho rằng giá bất động sản có thể giảm một nửa trong vài tháng, chúng ta có thể chắc chắn rằng cuối cùng đà bán tháo trên thị trường sẽ còn kinh khủng hơn. Thị trường sẽ bán tháo cả trái phiếu và cổ phiếu của các công ty bất động sản.

Người ta không nhất thiết phải thống nhất với quan điểm “Trung Quốc bằng 1 nghìn lần Dubai” của Jim Chanos nhưng cũng vẫn có thể hiểu rằng khi bong bóng nhà đất lớn chưa từng có xì hơi, mọi chuyện sẽ cực kỳ tồi tệ. Các chuyên gia phân tích tin vào giới chức Trung Quốc bởi họ đã lèo lái được nền kinh tế với trọng tâm tăng trưởng nhờ sản xuất vượt qua được khủng hoảng tài chính toàn cầu, tuy nhiên dường như phần lớn chúng ta quên rằng người Trung Quốc, bằng chính gói kích cầu khổng lồ của họ, đã tạo ra thách thức lớn hơn cho chính họ. Hiện tại, Trung Quốc vẫn chưa giải quyết được hai vấn đề đầy khó khăn: lạm phát dai dẳng và giá bất động sản cao giả tạo.

4 tuần qua là khoảng thời gian không mấy dễ chịu với Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo, không chỉ bởi các công ty bất động sản bắt đầu mất kiên nhẫn. Những người mua nhà thời gian gần đây kéo xuống phố biểu tình bởi họ đã lỗ ngay sau khi mua nhà. Khoảng 300 người đã tụ tập và ném vỡ kính cửa số của công ty bất động sản Longfor Properties vào ngày 22/10/2011, chỉ 2 ngày sau khi công ty công bố đợt hạ giá sản phẩm nhà của dự án mới. Cũng với dự án đó, nhóm người trên đã mua với giá cao hơn tới 30%.

Đến ngày 23/10/2011, một nhóm nhỏ hơn lại biểu tình ở trước một công ty bất động sản có tên Greenlan Griup. Ngoài ra phải kể đến rất nhiều cuộc biểu tình khác tại Bắc Kinh, Hàng Châu và Nam Kinh.

Chính quyền thành phố Hàng Châu và Hợp Phì đã phải yêu cầu các công ty bất động sản không hạ giá quá 20% để ngăn bất ổn, thế nhưng nỗ lực khó có thể thành công bởi nhiều công ty bất động sản lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán.

Một sự thật đáng buồn là chính do kế hoạch kích cầu của chính phủ Trung Quốc, hiện có quá nhiều bất động sản và không có đủ người mua nhà. Rồi thị trường sẽ đạt đến điểm cân bằng ở thời điểm nào đó, thế nhưng hiện tại điều ấy chưa thể xảy ra. Theo cách gọi thông thường, thị trường đang “chấn động”.

Đình Hảo

ngocdiep

Forbes

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên