MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phó TGĐ Vietcombank: Chúng tôi đã quá thận trọng trong việc dự phòng rủi ro

09-11-2011 - 15:49 PM | Tài chính - ngân hàng

Tính đến thời điểm này Vietcombank đã trích lập 8.000 tỷ đồng dự phòng rủi ro. Nếu như ở một số NHTM khác, có thể sẽ dùng một phần tiền mặt đó để xóa nợ.

NHTM Vietcombank dẫn đầu về tỉ lệ nợ xấu theo thống kê báo cáo tài chính quý 3/2011 của các NHTM CP cổ phần (NHTMCP).

Tuy nhiên, theo đại diện của Vietcombank, vấn đề ở đây chỉ là sự khác biệt trong áp dụng chuẩn mực kiểm toán nợ xấu. Ông Nguyễn Văn Tuân – P. Tổng giám đốc Vietcombank đã có cuộc trao đổi với DĐDN xung quanh vấn đề này.

- DN và cả các nhà đầu tư đều rất quan tâm đến vấn đề nợ xấu của các NHTM VN. Là một NHTM cổ phần lớn nhất trong số các NHTM đang niêm yết, tỷ lệ nợ xấu 3,9% tính đến cuối tháng 9/2011 của VCB có nói lên điều gì không, thưa ông?

Trong một bối cảnh kinh tế vĩ mô đã đối mặt với lạm phát cao và lãi suất ngân hàng theo đó cũng dâng cao trong một thời gian dài, thì tỷ lệ nợ xấu trong toàn hệ thống NH nói chung và ở mỗi một NH nói riêng, có tăng lên so với cùng kỳ cũng là điều không ngoài dự đoán.

Tuy nhiên, với Vietcombank, nếu nói về vấn đề nợ xấu, chúng tôi chỉ có thể nói rằng nguyên do cơ bản là Vietcombank đã và đang áp dụng một chuẩn mực kiểm toán quốc tế vào đánh giá tỷ lệ nợ xấu. Chúng tôi không biện minh cho vấn đề này, thực tế là Vietcombank chỉ cố gắng để đưa ra các con số trung thực, công khai và minh bạch nhất trước các khách hàng, DN, các nhà đầu tư.

Hệ thống NH VN đã có những quy định rất rõ ràng về phân loại và đánh giá tỷ lệ nợ xấu, nhưng trên thực tế thì hầu như chỉ khi nào nợ rơi vào quá hạn mới được xếp vào nợ xấu. Với chúng tôi, ngay khi sức khỏe DN có dấu hiệu đi xuống, chúng tôi đã xếp vào hạng mức nợ xấu. Đó cũng là lý vì sao nợ nhóm 2 (nợ cần chú ý chứ chưa phải là nợ xấu) chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ của Vietcombank.

Vấn đề ở đây chỉ là sự khác nhau về chuẩn mực đánh giá và xếp loại nợ. Chúng tôi được biết là NHNN đang hướng tới chuẩn mực kiểm toán quốc tế cho toàn hệ thống và có khả năng tới đây sẽ bắt buộc các NH nói chung cũng phải tuân thủ chuẩn mực này. Tin rằng khi tất cả cùng áp dụng 1 chuẩn mực, Vietcombank chưa chắc đã là NH dẫn đầu trong bảng nợ xấu.

- Còn 3 tháng nữa mới kết thúc năm 2011. Có thể nói là vẫn còn một chặng đường nữa để xác định thực hư về nợ xấu NH – với những con số có đáng để lo ngại như các dự đoán hay không. Ông có thể nói gì về khả năng tăng, hay giảm nợ xấu trong tổng dư nợ của Vietcombank trong thời gian tới ?

Cũng phải nói thêm 1 trong lý do nữa khiến nợ xấu của Vietcombank hiện tại đang được cho là cao, là do chúng tôi quá thận trọng trong việc dự phòng rủi ro. Tại thời điểm hiện nay, Vietcombank đang trích 8.000 tỉ để dự phòng rủi ro.

Nếu như ở một số NHTM khác, có thể họ sẽ dùng một phần tiền mặt đó để xóa nợ, còn chúng tôi thì vẫn giữ nguyên và sẽ chỉ dùng đến khi quá cần thiết.

Tuy nhiên, vào thời gian tới, là thời gian mà nhiều DN sẽ kết thúc năm tài chính và các khoản nợ sẽ xác thực một cách cụ thể hơn, có thể chúng tôi cũng sẽ phải dùng đến một phần tiền dự phòng rủi ro này và theo đó chắc chắn tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank sẽ giảm xuống.

- Việc các NH không áp dụng cùng một chuẩn mực kiểm toán quốc tế sẽ làm mọi nhận định, đánh giá căn cứ trên các con số thiếu minh bạch và chuẩn xác. Theo ông thì việc áp dụng cùng một chuẩn mực kiểm toán quốc tế vào hệ thống NH VN, có thực sự giúp chúng ta có một bức tranh xác thực hơn về sức khỏe của mỗi một NH cũng như toàn hệ thống?

Chúng tôi luôn kỳ vọng vào sự công khai thông tin và minh bạch, tuân thủ theo chuẩn mực kiểm toán quốc tế của toàn hệ thống. Có lẽ việc tái cấu trúc NH cần bắt đầu từ việc thay đổi chuẩn mực kiểm toán trong toàn hệ thống NH, và đây là gốc rễ để bắt đầu bằng những vấn đề tái cấu trúc khác.

- Xin được hỏi ông về một vấn đề khác của ngành NH và đang là vấn đề khiến nhiều DN “ngồi trên lửa”: Có giải pháp nào dành cho DN để đối phó với tỉ giá và Vietcombank sẽ hỗ trợ DN như thế nào nếu có một đợt căng thẳng ngoại tệ xảy ra vào thời điểm cuối năm?

Đây là một vấn đề thường trực mà bất cứ lúc nào chúng tôi phải chuẩn bị sẵn các đáp án. Chúng ta biết rằng, thời gian qua lãi suất giữa USD và tiền đồng VN đã có mức chênh lệch khá cao. DN vay USD chỉ chịu mức lãi suất dưới 9%/ năm, trong khi lãi vay VND là gấp đôi hoặc hơn thế, do đó nhiều DN đã tìm mọi cách để đổ xô vay ngoại tệ, theo đó tăng trưởng tín dụng toàn ngành chủ yếu là tăng trưởng ngoại tệ. Ngoài ra, các chỉ số vĩ mô cũng có tiềm ẩn những yếu tố bất lợi cho tỷ giá như thâm hụt thương mại, nhập siêu...

Gần đây chúng ta có một thông tin rất lạc quan là NHNN dự báo sẽ có khoảng 8,5 tỷ USD kiều hối sẽ gửi về VN trong năm nay, nhưng tôi nghĩ rằng lượng kiều hối đó cũng không thể bù đắp được nhu cầu ngoại tệ, đặc biệt vào cuối năm khi các hợp đồng tín dụng ngoại tệ đến kỳ đáo hạn.

Câu chuyện với những diễn biến như trên không phải chỉ là chuyện của năm nay mà luôn là chuyện của vài năm trở lại đây. Do đó, giải pháp nào cho tỉ giá để đảm bảo cho DN có thể đối phó tỷ giá đạt hiệu quả 100% là rất khó.

Thực tế đó là câu chuyện của cung cầu ngoại tệ mà chúng ta đang chỉ đứng ở phía một chiều, nhu cầu luôn có nhưng nguồn cung không đủ. Chúng tôi chỉ có thể khẳng định là với Vietcombank –bạn hàng của DN – thì chúng tôi luôn có chính sách ưu đãi và sẵn sàng chia sẻ với các DN truyền thống, các DN đã có mối quan hệ gắn bó với NH và những DN có xếp hạng tín dụng tốt theo chuẩn mực đánh giá của Vietcombank.

Nói một cách ngắn gọn là với sứ mệnh hỗ trợ tín dụng cho DN xuất khẩu và một phần cái tên gắn bó cùng sứ mệnh này, Vietcombank sẽ luôn cố gắng để song hành và đáp ứng nhu cầu của DN tốt nhất trong khả năng có thể.

- Xin cảm ơn ông đã chia sẻ!

Theo Lê Mỹ
DDDN

phuongmai

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên