MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hiệu quả đầu tư nhìn từ hệ số ICOR

Hiệu quả đầu tư được cải thiện hay giảm sút? Để trả lời câu hỏi này cần xem xét mối quan hệ giữa đầu tư và tăng trưởng thông qua một số chỉ tiêu xét trên tổng thể nền kinh tế.

Hệ số ICOR (Incremental Capital-Output Ratio) thể hiện để tăng một đồng GDP cần đầu tư bao nhiêu đồng. Hệ số ICOR càng cao thì hiệu quả đầu tư càng thấp và ngược lại. Về mặt ý nghĩa kinh tế, hệ số ICOR tính cho một giai đoạn sẽ phản ánh chính xác hơn việc tính ICOR cho hàng năm, vì trong một thời gian ngắn (một năm) có một lượng đầu tư chưa phát huy tác dụng và cũng không phản ảnh được nếu đầu tư dàn trải (đầu tư xây dựng xong thì bỏ đấy).

Ở Việt Nam có hai chỉ tiêu phản ảnh về đầu tư, một là chỉ tiêu vốn đầu tư, hai là tích lũy tài sản (gross capital formation). Vốn đầu tư là lượng tiền các thành phần sở hữu bỏ ra nhằm mục đích đầu tư và tích lũy tài sản là lượng tiền đầu tư đến được với sản xuất. Vì vậy, tích lũy tài sản luôn nhỏ hơn vốn đầu tư. Qua tính toán từ số liệu của Tổng cục Thống kê công bố đến năm 2010 (ước tính) cho thấy:

Hiệu quả đầu tư giai đoạn 2006-2010 giảm sút rõ rệt so với giai đoạn 2000-2005.

Lượng tiền bỏ ra nhằm mục đích đầu tư ngày càng ít tham gia vào quá trình sản xuất. Nếu giai đoạn 2000-2005 bỏ ra gần 5 đồng có thể tạo ra 1 đồng tăng thêm của GDP, đến giai đoạn 2006-2010 phải bỏ ra 7,4 đồng mới tạo ra 1 đồng tăng thêm của GDP (xem bảng 1).

Nếu lượng tiền bỏ ra đến được với sản xuất thì hiệu quả đầu tư của chúng ta cũng không phải là quá thấp so với các nước trong khu vực (tham khảo thêm http://www.eria.org/pdf/ERIA-PB-2009-03.pdf).

Khu vực nào đầu tư kém hiệu quả nhất?


Một câu hỏi đặt ra là hiệu quả đầu tư thông qua hệ số ICOR của các thành phần sở hữu ra sao.

Lâu nay hầu hết các nhà kinh tế đều nói đến thành phần kinh tế nhà nước hiệu quả kém nhất, nhưng qua tính toán từ số liệu của Tổng cục Thống kê cập nhật mới nhất (tháng 6-2011) cho thấy khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài mới là khu vực hiệu quả kém nhất.

Một điều đáng lưu ý là dù được khai thác dầu khí, được hưởng nhiều ưu đãi về chính sách, nhưng hiệu quả đầu tư của khu vực FDI vẫn thấp. Nguyên nhân là do các báo cáo lỗ, do việc chuyển giá giữa công ty mẹ với các công ty con diễn ra khá phổ biến trong những năm qua.

Chính tình trạng này đã đẩy chi phí sản xuất lên cao và tất yếu là lợi nhuận (theo báo cáo) sẽ giảm, thậm chí nhiều doanh nghiệp FDI báo lỗ, trong khi thực tế họ vẫn lãi nhưng phía Việt Nam lại không thu được thuế. Đấy là chưa kể đến những hệ lụy khác về môi trường, về mất đất nông nghiệp…

Nhiều chuyên gia cho rằng nguyên nhân sâu xa của lạm phát là do hiệu quả đầu tư kém, dẫn đến phá vỡ quan hệ tiền - hàng. Các chuyên gia hầu như chỉ quan tâm đến biểu hiện của lạm phát là do lượng cung tiền mà chưa quan tâm đúng mức tới căn nguyên của lạm phát là hiệu quả đầu tư, hiệu quả sản xuất.

Qua tính toán từ số liệu của Tổng cục Thống kê cập nhật mới nhất (tháng 6-2011) cho thấy khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài mới là khu vực hiệu quả kém nhất.

Như vậy việc chỉ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước là chưa đủ trong việc chống lạm phát một cách lâu dài, căn cơ, bền vững. Nhìn nhận lại về khu vực FDI và không kêu gọi đầu tư bằng mọi giá, ở mọi lĩnh vực đối với khu vực FDI là rất cần thiết để nền kinh tế phát triển bền vững.

Theo tính toán (xem bảng 2), khu vực FDI không hiệu quả ngay khi lượng tiền đầu tư đến được với sản xuất (9,7). Như vậy có thể nhận thấy khu vực kinh tế tư nhân sử dụng đồng vốn hiệu quả nhất. Khu vực này cũng là khu vực đóng góp nhiều nhất vào GDP trong khi hầu như không được hưởng bất kỳ một ưu đãi nào, chưa kể còn có những bất cập về chính sách gây khó khăn không ít cho doanh nghiệp.

Nếu lượng tiền bỏ ra nhằm mục đích đầu tư đến được với sản xuất thì hệ số ICOR chỉ là 4,4 trong giai đoạn 2006-2010 và 3,04 trong giai đoạn 2000-2005. Điều này cho thấy nếu lượng vốn đến được với nhà sản xuất thì hiệu quả đầu tư của Việt Nam không phải là kém hiệu quả so với các nước trong khu vực (trừ khu vực FDI).

Vậy vấn đề cốt lõi, căn bản đối với nền kinh tế Việt Nam chính là hiệu quả sản xuất và hiệu quả đầu tư.

So sánh lượng đầu tư và thu nhập từ vốn

Một phương pháp khác để xem đầu tư có quá mức (overinvestment) hay không là so sánh lượng đầu tư hàng năm và tổng thu nhập từ vốn của nền kinh tế. Nếu trong một số năm liên tục mà thu nhập từ vốn luôn nhỏ hơn tổng đầu tư toàn xã hội, điều đó chứng tỏ nền kinh tế đang đầu tư quá mức, hiệu quả đầu tư không đảm bảo bởi toàn bộ lợi tức sinh ra không bù đắp được chi phí đầu tư.

Tính toán thu nhập từ vốn từ bảng cân đối liên ngành của Việt Nam năm 2000, 2007 có thể thấy vào các năm từ 2001-2003, thu nhập từ vốn lớn hơn vốn đầu tư toàn xã hội, nhưng suốt giai đoạn 2003-2010 tỷ lệ giữa thu nhập từ vốn và đầu tư luôn nhỏ hơn 1. Điều này một lần nữa cho thấy hiệu quả đầu tư đang giảm sút và xã hội đang đầu tư quá với lực của mình.

Trong trường hợp này cần chủ động giảm mức đầu tư hàng năm. Hoặc cũng có thể nói, nếu vẫn đầu tư theo cấu trúc kinh tế cũ thì hiệu quả đầu tư sẽ ngày càng giảm, nhưng nếu đầu tư theo một cấu trúc kinh tế khác đi hướng tới những ngành có sức lan tỏa về sản xuất, ít lan tỏa đến nhập khẩu, thì hiệu quả đầu tư sẽ dần được cải thiện chứ không nhất thiết phải cắt giảm đầu tư.

So sánh tiết kiệm (savings) của nền kinh tế với đầu tư

Một chỉ tiêu nữa để đánh giá việc đầu tư quá mức là tỷ lệ giữa tiết kiệm và đầu tư. Tiết kiệm là phần còn lại của thu nhập quốc gia khả dụng (NDI(1) trừ đi phần đã tiêu dùng (bao gồm tiêu dùng của dân cư và của Chính phủ). Tiết kiệm là nguồn cơ bản để tái đầu tư, nhưng trong những năm qua (2006-2010) tỷ lệ này ngày càng nhỏ dần. Điều đó có nghĩa là lượng đầu tư quá sức của nền kinh tế ngày càng lớn và quốc gia sẽ phải vay mượn từ bên ngoài để đầu tư.

Năng suất nhân tố tổng hợp

Năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) được tính từ phương pháp ước lượng nguồn tăng trưởng từ hàm sản xuất. Sau khi trừ đi các yếu tố đóng góp về lượng (lao động và vốn) cho tăng trưởng, phần còn lại của tăng trưởng là do đóng góp về sự gia tăng hiệu quả của nền kinh tế, gọi là năng suất nhân tố tổng hợp.

Chỉ tiêu này hàm chứa sự gia tăng của việc thay đổi quy trình công nghệ trong sản xuất, quy trình quản lý, năng suất lao động…. Hệ số này càng cao chứng tỏ nền kinh tế càng hiệu quả và ngược lại.

Qua tính toán hệ số này cho hai giai đoạn 2000-2005 và 2006-2010 cho thấy hiệu quả của nền kinh tế giảm rõ rệt. Nếu giai đoạn 2000-2005 hệ số này đóng góp vào tăng trưởng khoảng trên 22%, thì đến giai đoạn 2006-2010 con số này chỉ còn dưới 8,8%.

Sự sút giảm về năng suất được bù đắp bằng đầu tư. Nếu giai đoạn trước đóng góp của vốn vào tăng trưởng khoảng trên 50%, thì giai đoạn sau đóng góp của vốn vào tăng trưởng trên 60%.

Kết luận

Việc đầu tư không hiệu quả và quá mức dẫn đến nợ nần và lạm phát gia tăng trong những năm gần đây khiến cho vấn đề tái cấu trúc nền kinh tế trở thành nhu cầu bức thiết. Tuy nhiên, cần nhìn vấn đề này một cách toàn diện mang tính chiến lược và quan trọng hơn cả là thể chế và con người.

(1) Thu nhập quốc gia khả dụng = GDP + thuần thu nhập về sở hữu từ nước ngoài + thuần thu nhập về chuyển nhượng từ nước ngoài + thuế trực thu

                                                                                                                                 Theo Bùi Trinh

                                                                                                                                       TBKTSG

cucpth

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên