MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chống đôla, vàng hóa: Trị bệnh phải từ gốc

24-11-2011 - 17:21 PM | Tài chính - ngân hàng

Giải pháp tịch thu tang vật thiếu tính khả thi, càng làm giao dịch USD, vàng trên thị trường tự do “ngầm hóa” theo đúng nghĩa “chợ đen” hơn.

Điểm mới trong Nghị định 95 Chính phủ ban hành về xử phạt vi phạm giao dịch mua bán vàng, USD trái quy định pháp luật là tịch thu tang vật bên cạnh xử phạt từ 50 triệu lên đến 500 triệu đồng. Quy định mạnh tay này nhằm đưa thị trường ngoại tệ, vàng vào khuôn khổ, chống tình trạng vàng hóa, đô la hóa.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng giải pháp tịch thu tang vật thiếu tính khả thi, càng làm giao dịch USD, vàng trên thị trường tự do “ngầm hóa” theo đúng nghĩa “chợ đen” hơn.

Khó tịch thu tài sản

Nghị định 95 ban hành đã hơn 1 tháng nhưng thực tế đến nay các cơ quan quản lý như Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Chi cục quản lý thị trường, Công an… tại TPHCM vẫn chưa thể tịch thu vàng, ngoại tệ theo nghị định này.

Các cơ quan quản lý thừa nhận với những giao dịch, vi phạm nhỏ lẻ khó có thể xử phạt nặng lẫn tịch thu tài sản của dân. Khi nghe thông tin mua bán ngoại tệ tại các tiệm vàng sẽ bị tịch thu, nhiều người dân tỏ ra bức xúc với quyết định này.

Mạnh tay xử lý việc mua bán ngoại tệ, vàng trái phép là hoàn toàn đúng. Nhưng không thể áp dụng mức chung đối với cả tổ chức lẫn cá nhân. Bởi lẽ, có trường hợp người dân có nhu cầu mua vài trăm USD để trả nợ nhưng vừa bị phạt 50-100 triệu đồng lại bị tịch thu số USD này là không hợp lý. Vì vậy, cần phải có mức xử phạt cụ thể cho từng đối tượng, trong đó với người dân ban đầu chỉ nên cảnh cáo, răng đe để họ không tái phạm.
 
T.S Trần Du Lịch
Đại biểu Quốc hội TP HCM

Chị Nguyễn Khánh Huyền, ngụ ở quận 5 TPHCM, cho biết có con du học bên Singapore nên thường xuyên có nhu cầu mua ngoại tệ, nhưng mua ngoại tệ ở ngân hàng không đáp ứng được.

Vì thế chị phải ra các tiệm vàng để mua và vào ngân hàng chuyển tiền cho con. “Người dân có nhu cầu giao dịch USD chính đáng bị xử phạt là vô lý. Nếu cấm dân mua bán ở các điểm giao dịch ngoại tệ trái phép đòi hỏi ngân hàng phải tạo điều kiện cho dân có nhu cầu giao dịch ngoại tệ hợp pháp” - chị Huyền nói.

Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, nếu bắt gặp người dân mua bán ngoại tệ với tiệm vàng xử phạt các tiệm vàng mới hợp lý. Bởi các tiệm vàng là đơn vị kinh doanh phải nắm được quy định không được mua bán ngoại tệ khi chưa có giấy phép, do đó nếu họ mua bán USD tức đã cố tình vi phạm.

Còn người dân, thực tế không mấy ai cập nhật được chính sách quản lý tiền tệ của Nhà nước, đặc biệt người dân vùng nông thôn, một khi được quyền nắm giữ ngoại tệ và vàng, nên khi có người thân ở nước ngoài gửi ngoại tệ về thường có thói quen cất giữ, khi có nhu cầu mới đến các tiệm vàng để bán.

Thậm chí ở những vùng hẻo lánh chưa có nhiều điểm giao dịch của ngân hàng, đi lại không thuận tiện sẽ rất khó cho người dân có nhu cầu giao dịch USD, vàng hợp pháp. Chưa kể, nhiều người dân hiện nay vẫn có tâm lý ngại vào giao dịch ở ngân hàng do thủ tục rườm ra, đôi khi với những giao dịch bán ngoại tệ số lượng lớn lại bị ngân hàng truy nguồn gốc.

Chính vì vậy, xử phạt nặng hiện nay chỉ áp dụng với những đơn vị kinh doanh cố tình vi phạm. Khi hình phạt đủ nặng, không tiệm vàng nào dám kinh doanh không phép, người dân có đến bán ngoại tệ tiệm vàng cũng không dám mua và họ sẽ hướng dẫn người dân ra ngân hàng để giao dịch.

Thu hẹp kênh chính thức

Năm nay, lượng kiều hối chuyển về ngân hàng rất khả quan, nhưng nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) thừa nhận khó mua được nguồn USD từ kiều hối. Bởi người dân đem ra thị trường tự do bán được giá cao hơn. Một lãnh đạo DongABank cho biết chi trả kiều hối thường tiến hành giao dịch tận nhà.

Nhưng theo quy định của NHNN, các NHTM không được mua lại ngoại tệ của dân tại nhà mà phải giao dịch tại ngân hàng. Điều này đang gây khó cho ngân hàng trong việc mua lại nguồn ngoại tệ từ kiều hối.

Chưa kể gần đây, nhiều NHTM phản ánh tình trạng người dân rút tiết kiệm USD để bán ra bên ngoài với giá cao hơn ngân hàng, sau đó gửi tiết kiệm tiền đồng với lãi suất 14%/năm.

Một số chuyên gia đề xuất, để hạn chế việc người dân nhận kiều hối bán ngoại tệ ra thị trường tự do, NHNN nên quy định khi nhận kiều hối người dân phải chuyển đổi số ngoại tệ này bằng tiền đồng ngay khi nhận tại ngân hàng.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại nếu làm như vậy sẽ không khuyến khích việc thu hút kiều hối về nước chuyển qua kênh ngân hàng, mà sẽ phát sinh phổ biến tình trạng chuyển lậu.

Một thực tế hiện nay là NHNN đang thu hẹp việc cấp phép các quầy thu đổi ngoại tệ. Tại TPHCM chỉ có khoảng 73 điểm, trong đó có 8 điểm thu đổi ở các tiệm vàng, còn lại ở khách sạn lớn, các công ty du lịch, khu trung tâm thương mại, sân bay. Tại chợ Bến Thành cũng chỉ có 2-3 điểm. Các chợ khác hầu như không có.

Ở Hà Nội con số này còn ít hơn. Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định quản lý vàng NHNN đang trình Chính phủ có xu hướng siết lại các tiệm vàng kinh doanh, mua bán vàng miếng. Theo đó, các doanh nghiệp kinh doanh vàng phải có vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng trở lên, có số thuế nộp từ 500 triệu đồng/năm trở lên trong 2 năm...

Như vậy, tới đây sẽ rất ít tiệm vàng đủ điều kiện kinh doanh, mua bán vàng miếng. Trong khi đó, hiện nay TPHCM có khoảng 4.000 tiệm vàng đang hoạt động. Do vậy khi có nhu cầu bán ngoại tệ, mua bán vàng miếng người dân khó có thể biết được tiệm thu đổi ngoại tệ hay tiệm vàng nào là hợp pháp để đến giao dịch. Nếu người dân không biết mà bị xử phạt lại càng vô lý.

Vấn đề được đặt ra là tại sao NHNN không yêu cầu các đại lý thu đổi ngoại tệ, các tiệm vàng phải trưng bảng có thu đổi ngoại tệ, mua bán vàng miếng hay không để người dân biết. Một chuyên gia cho rằng việc chống đôla hóa, vàng hóa bằng dự thảo mà NHNN trình Chính phủ giống như đang muốn triệt phần ngọn trước khi trị gốc. Và như vậy chúng ta đang động đến quyền lợi của người dân, liệu có hợp lý?

Biến tướng khó kiểm soát

Khi thu hẹp hoạt động kinh doanh ngoại tệ, vàng tự do phải đi đôi với mở rộng mạng lưới kinh doanh ngoại tệ, vàng hợp pháp để đáp ứng nhu cầu người dân. Thực tế NHNN đã công nhận người dân có quyền cất trữ vàng, ngoại tệ mà không tạo điều kiện mua bán ngoại tệ hợp pháp sẽ dẫn đến tình trạng giao dịch “chui”, khi đó càng khó kiểm soát hơn.

Theo một lãnh đạo NHNN chi nhánh TPHCM, gần đây các giao dịch bằng USD càng trở nên tinh vi hơn nên để bắt và xử lý rất khó. Trước đây chỉ cần thanh tra ở các quầy giao dịch có thể phát hiện, nhưng bây giờ mua bán diễn ra ở nhiều nơi khác nhau như giao nhận ngay tại nhà, thậm chí trao đổi núp bóng ngân hàng.

Áp dụng biện pháp hành chính bao giờ cũng có mặt trái dẫn đến thị trường bị méo mó. Trong hoạt động kinh doanh mua bán vàng miếng, vàng SJC tăng mạnh doanh số không phải do mạng lưới hoạt động của riêng mình mà phụ thuộc rất lớn vào mạng lưới của các tiệm vàng nhỏ lẻ.

Nếu không được mua vàng miếng công khai, trong khi mạng lưới bán vàng được NHNN cấp phép không đáp ứng kịp thời nhu cầu mua bán vàng của người dân, không loại trừ sẽ xuất hiện một thị trường vàng “chợ đen” bên cạnh thị trường ngoại tệ “chợ đen” vẫn đang hoạt động (lén lút và cả công khai).

Muốn triệt tiêu thị trường ngoại tệ trái phép, theo nhiều chuyên gia, một lần nữa vấn đề chênh lệch tỷ giá chính thức - chợ đen cần được đặt ra. Đã có thời điểm tỷ giá thị trường tự do thấp hơn tỷ giá do NHNN công bố, mọi đối tượng đến ngân hàng mua, bán USD một cách dễ dàng.

Khi đó để bán được ngoại tệ cho ngân hàng, người bán còn phải trả phí. Vì thế, các biện pháp quản lý, xét cho cùng phải dựa trên diễn biến tỷ giá, đó mới là cái gốc của vấn đề. Nếu NHNN điều hành tỷ giá hợp lý tự khắc các đại lý thu đổi ngoại tệ trái phép sẽ tự dẹp tiệm trong trường hợp chênh lệch tỷ giá trong - ngoài ngân hàng không còn.

Theo Thanh Như
Sài gòn đầu tư tài chính

phuongmai

Trở lên trên