MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiều công ty Mỹ thực chất đang lợi dụng việc tuyên bố phá sản

01-12-2011 - 17:10 PM | Tài chính quốc tế

Giới chuyên gia hoài nghi American Airlines, hãng hàng không từng đứng đầu thế giới, dùng việc tuyên bố phá sản để giành được thỏa thuận có lợi với nhiều bên.

Có 4 tỷ USD trong ngân hàng, người ta khó có thể gọi đó là phá sản. Vì vậy, hãng hàng không lớn thứ 3 của Mỹ, một thời đứng đầu ngành hàng không thế giới, khiến giới tài chính ngạc nhiên khi nộp đơn xin bảo hộ phá sản vào ngày thứ Ba.

Các chuyên gia phân tích phố Wall vẫn xếp hạng cổ phiếu American Airlines ở mức “mua”. Hãng thực ra không phải gấp rút trả khoản nợ nào, khác với nhiều công ty khác khi nộp đơn xin phá sản.

Trên thực tế, American Airlines cho biết họ vẫn còn đủ tiền để trả lương cho nhân viên, thanh toán cho các bên đối tác đầy đủ và đúng hẹn. American Airlines cũng không hề có kế hoạch trì hoãn mua khoảng 460 máy bay trong thập kỷ tới và để có được 13 tỷ USD cho kế hoạch này cũng không khó khăn gì. Vậy cuộc khủng hoảng tiền mặt nào đã đẩy công ty đến phá sản?

Dường như chẳng có cuộc khủng hoảng nào hết.

Trên thực tế, so với một công ty phá sản, khả năng tài chính của American Airlines vẫn khá tốt. Và hãng cũng không phải trường hợp ngoại lệ. Thông thường, trong các vụ phá sản, cổ đông bị loại sang một bên.

Thế nhưng đối với trường hợp công ty General Growth Properties sau khi hoàn thành quá trình tái cơ cấu sau phá sản vào năm 2010, công ty đã có thể trả được toàn bộ nợ cho các bên vay tiền và còn 5,2 tỷ USD cho các cổ đông. Thực tế điều gì đang diễn ra? Các công ty thường mạnh hơn sau khi nộp đơn xin bảo hộ phá sản.

Đầu năm 2011, ông Lynn M. LoPucki, chuyên gia về các vụ phá sản, cùng với ông Joseph W. Doherty, chuyên gia về khoa học chính trị, đã nghiên cứu về vụ phá sản của 102 công ty lớn trong giai đoạn từ năm 1998 đến năm 2007. Họ tính toán đến mức phí mà các công ty phải trả cho bên tư vấn khi nộp đơn phá sản. Họ còn theo dõi và thu thập mọi số liệu liên quan, trong đó bao gồm cả tài sản và nợ ở thời điểm xin phá sản.

Kết quả: trong giai đoạn 10 năm trên, nhóm công ty nộp đơn phá sản trong 5 năm đầu có tiềm lực tài chính tốt hơn so với nhóm công ty xin phá sản giai đoạn 1998 đến 2002. Thông thường, người ta nghĩ rằng một công ty phá sản khi họ nợ nhiều hơn cái họ có.

Tuy nhiên trường hợp này không đúng với phần lớn các công ty phá sản từ năm 2003 đến năm 2007. Trên thực tế, nếu tính trung bình, tài sản của các công ty nộp đơn xin phá sản từ năm 2003 đến 2007 cao hơn 6% so với nợ, đồng nghĩa với việc còn lâu họ mới mất khả năng thanh toán.

Từ năm 1998 đến năm 2002, các công ty nộp đơn xin phá sản nhìn chung thực sự khó khăn. Họ nợ cao hơn trung bình 3% so với tổng tiền họ còn gửi ở ngân hàng. Như vậy, tất nhiên họ phải phá sản. Các vụ phá sản doanh nghiệp đầu những năm 2000 có thể thay đổi số liệu một chút, thế nhưng không phải cái chúng ta đang chứng kiến. Nhìn chung, nhóm công ty yếu hay nộp đơn xin phá sản khi kinh tế thuận lợi. Họ không thể lèo lái được daonh nghiệp của mình ngay cả khi thủy triều đang lên.

Vậy tại sao rất nhiều công ty nộp đơn xin phá sản trong khi thực tế cho thấy tình hình không bi đát đến thế? Trong trường hợp American Airlines, công ty thông báo nộp đơn xin bảo hộ phá sản để giải quyết vấn đề chi phí, trong đó bao gồm cả chi phí lao động. American Airlines và nghiệp đoàn lao động đã thảo luận nhiều xung quanh vấn đề chi phí nhưng cho đến nay chưa đi đến sự thống nhất nào.

Một số hãng hàng không đã dùng cách phá sản để buộc người lao động chấp nhận lương và phúc lợi thấp hơn. Công ty sản xuất phụ tùng ô tô Delphi Group đã bị buộc tội lạm dụng phá sản để sa thải nhân công tại Mỹ và chuyển công việc sản xuất ra nước ngoài.

Vậy có phải tất cả các vụ phá sản đều mang lại lợi ích cho nền kinh tế? Chẳng có luật nào quy định phải mất thanh khoản mới được xin phá sản. Một công ty chỉ cần phải chứng minh rằng trong tương lai sẽ không thực hiện được các nghĩa vụ tài chính của mình, American Airlines đã đưa ra bằng chứng xác đáng. Công ty thua lỗ trong 13 đến 14 quý vừa qua, tổng số đến 5 tỷ USD trong 3,5 năm. Ở tốc độ mất tiền như hiện tại, hẳn công ty sẽ hết sạch tiền.

Công ty như American Airlines cần phải hạ lương khi hoạt động kinh doanh không hiệu quả. Thế nhưng khi nghiệp đoàn không sẵn sàng thỏa thuận hôm nay, khi công ty chuẩn bị phá sản, họ sẽ phải đối thoại thực sự. Rất nhiều công ty đã có được thỏa thuận mà họ cần mà không phải nộp đơn phá sản hay đình công. Bằng việc nộp đơn xin phá sản, một công ty có thể giành được thế “bề trên”. American Airlines đã chiến thắng theo cách này.

Ai đó có thể tranh luận rằng quá trình phá sản rất tốn kém và rất ít công ty muốn lựa chọn trừ khi họ phải làm vậy. Hơn thế nữa, cổ đông lớn nhất của công ty thông thường nắm quyền quản lý công ty và họ cũng chẳng muốn họ bị gạt đi. Dù vậy, khi cổ phiếu đã hạ tới 90% trong 5 năm, giống trường hợp của American Airlines, việc loại bỏ đi đồng USD cuối cùng để giảm mạnh tay chi phí dường như mang lại lợi ích lớn hơn nhiều.

Hơn thế nữa, ban lãnh đạo sẽ vẫn nhận được cổ phiếu khi công ty thoát khỏi tình trạng phá sản. UAW từng cho rằng các công ty đã lạm dụng việc xin phá sản khi thỏa thuận với nghiệp đoàn và Quốc hội Mỹ cần phải làm nhiều hơn để bảo vệ người lao động khỏi tình trạng lương và phúc lợi sụt giảm trong các vụ phá sản.

Minh Long

ngocdiep

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên