MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Có hay không "vụ nổ BigBang" tại TTCK Việt Nam sau ngày 12/1/2012?

Theo cam kết gia nhập WTO, từ 12/1/2012, Việt Nam sẽ cho phép CTCK và công ty quản lý quỹ 100% vốn nước ngoài được thành lập và hoạt động tại Việt Nam.

Giới tài chính tỏ ra cực kỳ đồng thuận về việc không thể có một "vụ nổ BigBang" tại TTCK Việt Nam sau ngày 12/1/2012 (thời điểm TTCK Việt Nam hội nhập toàn diện WTO) như đã từng xảy ra cách đây 5 năm.

Theo cam kết gia nhập WTO, từ 12/1/2012, Việt Nam sẽ cho phép CTCK và công ty quản lý quỹ 100% vốn nước ngoài được thành lập và hoạt động tại Việt Nam. Sau ngày đó, TTCK Việt Nam sẽ có thay đổi gì, CTCK 49% vốn nước ngoài đã chuẩn bị gì trước giờ "G", CTCK và công ty quản lý nội địa chuẩn bị thế nào cho sự hội nhập sâu rộng, Việt Nam có thể học hỏi gì từ kinh nghiệm của các quốc gia láng giềng đi trước?

ĐTCK đã có cuộc khảo sát trong giới tài chính nội địa và nước ngoài để ghi nhận luồng quan điểm quanh sự kiện này.

Giữa tuần trước, Cotecland tổ chức lễ ký kết hợp tác chiến lược toàn diện với TamaHome- Tập đoàn xây dựng và nội thất Nhật Bản. CTCK KimEng (KEVS) là đơn vị tư vấn cho đối tác Việt Nam bán 20% cổ phần cho đối tác Đông Á. Ông Lê Minh Tâm, Tổng Giám đốc KEVS nói: " Chúng tôi là nhà tư vấn, nhưng thương vụ khởi đầu từ sự tiến cử đối tác nước ngoài của Tập đoàn mẹ KimEng Holding"…

Cơ hội

Cuối năm 2007, KimEng Holding và Mitsubishi UFJ Securities góp vốn thành lập KEVS, một trong các CTCK nước ngoài sở hữu 49% vốn đầu tiên tại Việt Nam. Ông Tâm chia sẻ rằng, ngày đầu, hai cổ đông lớn nước ngoài đã hoạch định chiến lược cho KEVS chỉ thực hiện hai nghiệp vụ chính là môi giới và tư vấn chứng khoán.

Tại thời điểm đó, vẫn phải hành động theo quyết định của HĐQT, nhưng trong đầu lãnh đạo KEVS xuất hiện vô số băn khoăn: CTCK mà không tự doanh? Môi giới thuần túy có "nuôi" được "quân"? Tại sao HĐQT yêu cầu tách bạch bộ phận quản lý rủi ro thành một nhánh riêng để hoạt động độc lập?

Trải qua nhiều thăng trầm của thị trường, giờ KEVS đã có chỗ đứng tương đối trên TTCK Việt Nam, ông Tâm mới kiểm chứng hết tầm nhìn sáng suốt của những cổ đông nước ngoài: 3 năm qua, lợi nhuận từ tự doanh của CTCK nội địa phần lớn trôi ra sông ra biển khi thị trường đi xuống.

Thực tế này không khác bao nhiêu với chuyện công ty con của KimEng Holding tại một quốc gia Đông Nam Á đã rất thành công trong giai đoạn ban đầu nhưng trong trong khủng khoảng 1997 đã đánh mất hết thành quả trước đó.

Tương tự, do không nhận thức đúng mức hoạt động quản trị rủi ro, nên những đợt thoái trào của thị trường nội địa luôn kéo theo các làn sóng giải chấp chứng khoán.

Đánh giá cơ hội của TTCK Việt Nam ở bậc thềm hội nhập toàn diện, lãnh đạo KEVS nhận xét, đương nhiên khi tới Việt Nam, các NĐT quốc tế phải mang theo kinh nghiệm, công nghệ và kỹ năng quản lý. Vì vậy, thị trường trong nước có thể học hỏi, được hưởng lợi hay tận dụng được mối quan hệ quốc tế, như KEVS vẫn đang thụ hưởng.

Ông Dominic Scriven, Tổng giám đốc Dragon Capital (là NĐT nước ngoài được coi là gắn bó lâu nhất và hiểu biết sâu sắc nhất về thị trường vốn Việt Nam) nhận định: "Đương nhiên, khi NĐT nước ngoài thành lập CTCK 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam, thì đối tượng đầu tiên họ muốn nhắm tới là NĐT tại chính quốc. Điều này có nghĩa, TTCK Việt Nam đứng trước cơ hội được tiếp sức bởi những dòng vốn mới".

Tiến sĩ Alan Phan, Chủ tịch Quỹ đầu tư Viasa đang hoạt động tại Hong Kong và Thượng Hải, với thời gian làm việc tại Trung Quốc từ năm 1999, đã chứng kiến sự hội nhập tài chính toàn diện của quốc gia đông dân nhất hành tinh vào đầu thế kỷ 21.

Trao đổi với ĐTCK, ông nhận định, với việc hội nhập toàn diện của chứng khoán Việt Nam sắp tới, tùy theo chiến lược của mình, mỗi định chế tài chính nước ngoài sẽ có một kế hoạch riêng.

Chẳng hạn, một số có thể tiến hành tự xây dựng CTCK từ những viên gạch đầu tiên, nhưng số khác có thể chọn hướng phát triển nhanh chóng thông qua con đường mua bán, sáp nhập (M&A) các CTCK trong nước. Theo đó, một số CTCK trong nước có thể bị hoặc được mua lại.

Ngắn hạn: Chưa kỳ vọng làn sóng thứ 3

Đánh giá thận trọng về cơ hội sắp tới, nhưng giới tài chính tỏ ra cực kỳ đồng thuận về việc không thể có một "vụ nổ BigBang" tại TTCK Việt Nam sau ngày 12/1/2012 như đã từng xảy ra cách đây 5 năm.

Lý do trực tiếp xuất phát từ việc TTCK Việt Nam đang vật lộn trong giai đoạn khó khăn khi chu kỳ đi xuống 4 năm vẫn chưa chấm dứt.

Nếu nói TTCK là tấm gương phản ánh kinh tế vĩ mô thì thị trường đang phản chiếu các thách thức nội tại của nền kinh tế: cả lạm phát và lãi suất đều ở mức rất cao, tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại, tỷ giá vẫn đứng trước áp lực điều chỉnh thường trực.

Nền tảng của TTCK là kinh tế vĩ mô và khi bệ đỡ chưa ổn định thì khó có thể hy vọng NĐT quốc tế mạnh dạn mở hầu bao…

Sau sự ra đi của làn sóng đầu tư thứ nhất trong cuộc khủng hoảng châu Á năm 1997, làn sóng quỹ đầu tư thứ hai và các CTCK có yếu tố nước ngoài xuất hiện vào năm 2006 - 2007, thời điểm Việt Nam gia nhập WTO.

Bất chấp năm 2012 là thời điểm thanh lý, thoái vốn của một số quỹ, giá trị tài sản ròng của các quỹ nước ngoài hiện vẫn đang bị chiết khấu rất cao, trung bình từ 20% - 45%.

Tại một thị trường còn nghèo nàn các sản phẩm tài chính, vốn cũ vẫn dậm chân tại chỗ và bế tắc thì có nên kỳ vọng ngay vào một làn sóng đầu tư thứ ba với sự xuất hiện các gương mặt mới là CTCK và công ty quản lý quỹ 100% vốn ngoại?

Ông Trịnh Hoài Giang, Phó tổng giám đốc CTCK HSC nhận định, bên cạnh các khó khăn nội tại, với quy mô vốn hóa của TTCK Việt Nam hiện nay chỉ khoảng 34 tỷ USD, miếng bánh khá khiêm tốn khiến các định chế tài chính lớn chưa thể mặn mà.

Trật tự từ trước tới nay sẽ không thay đổi khi từ bên ngoài, nhiều định chế tài chính lớn như Credit Suisse, JP Morgan vẫn có thể vươn tay chiếm lĩnh các hợp đồng lớn như tư vấn cổ phần hóa cho Vietcombank, Vietinbank…

Theo ông Giang, TTCK Việt Nam sẽ không có các biến chuyển lớn từ vài tháng tới 1 - 2 quý, sau khi nút thắt 49% được dỡ bỏ. Xu thế hội nhập trong thế giới phẳng và giao dịch điện tử cũng khiến nhiều định chế tài chính quốc tế không cần hiển diện trực tiếp nhưng vẫn có thể giao dịch tại Việt Nam.

Dài hạn: Những sức ép ẩn mình

Trước thềm TTCK Việt Nam hội nhập sâu hơn, hai tuần trước đây, đoàn lãnh đạo cao cấp của Công ty Quản lý Việt Nam (VFM) đã có chuyến khảo sát và tham quan thị trường vốn Ấn Độ.

Trở về Việt Nam, một thành viên trong đoàn hồ hởi nói với ĐTCK, chuyến đi thú vị và kết quả thu hoạch được hơn mong đợi.

Trong thời gian tại quốc gia Nam Á, đoàn đã tới thăm trụ sở và trao đổi kinh nghiệm với các đồng nghiệp tại Công ty quản lý Quỹ Reliance - công ty quản lý tài sản trị giá 16 tỷ USD, lớn nhất Ấn Độ.

Hiện tại, Reliance đang quản lý tài sản cho khoảng 7,3 triệu NĐT, trong số này, 85% là các NĐT nhỏ có số vốn trung bình 1.000 USD. Theo VFM, phía bạn đang cung cấp khoảng vài trăm sản phẩm, phần lớn vào tài sản có thu nhập cố định và các chứng chỉ quỹ mở đáp ứng tới tận ngõ ngách nhu cầu của NĐT. Điểm đáng chú ý là, cuối mỗi ngày giao dịch, giá trị tài sản ròng của Quỹ lại được tính toán lại để chuẩn bị cho ngày giao dịch kế tiếp.

Đại diện của VFM cho biết, dù VFM là công ty quản lý quỹ nội địa thâm niên nhất và quản lý tài sản lớn nhất tại TTCK Việt Nam, nhưng vẫn cảm thấy tụt hậu quá xa về công nghệ so với các đồng nghiệp Ấn Độ.

Nếu trong 1 - 2 năm tới, Reliance hiện diện ở Việt Nam thì nhiều khả năng, giới cung cấp dịch vụ tài chính trong nước ở thế dưới cơ hoàn toàn. Trên thực tế, đối thủ tiềm tàng không chỉ là Reliance và cũng không chỉ như Reliance.

Theo Giang Thanh
ĐTCK

phuongmai

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên