MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ phiếu BĐS: Một năm không thể tệ hơn!

SDU đoạt ngôi vị quán quân "giật lùi" năm 2011 với mức giảm giá 85%. Chỉ có 3 cổ phiếu tăng giá năm 2011 là VPL, ASM và VIC.

Tổng quan thị trường

Cuối năm trước, làn sóng đầu tư bất động sản vẫn còn nở rộ. Nhà nhà buôn bất động sản, người người vay tiền đầu tư bất động sản, doanh nghiệp nào cũng xin ý kiến cổ đông chuyển mục đích sử dụng đất để xây chung cư, cho thêm phần “kinh doanh bất động sản” vào danh mục kinh doanh chính. Nhà đầu tư cũng hồ hởi trước thông tin doanh nghiệp này có vài trăm mét đất ở vị trí A, chuẩn bị xây chung cư B, ước lợi nhuận thu về được bao nhiêu tỷ đồng…giá cổ phiếu cứ thế mà đội lên cao chót vót.

Ấy thế mà chỉ trong vòng chưa đầy một năm, mọi chuyện đảo lộn hoàn toàn kể từ sau khi Nghị định 11 của Chính phủ được ban hành: thu hẹp tín dụng cho vay bất động sản và chứng khoán.

Với các doanh nghiệp BĐS nhỏ, không thể huy động vốn trên thị trường chứng khoán, và cũng khó có thể phát hành trái phiếu doanh nghiệp, trong khi lãi suất cho vay trên thị trường có lúc lên đến 25-28%/năm, điều này đồng nghĩa với việc DN BĐS nhỏ không còn tiền để tiếp tục dự án của mình và chấp nhận bán “lúa non” hoặc giảm giá mạnh để thu tiền nợ trả ngân hàng.

Khốn nỗi, ngân hàng cũng phải gồng mình đi thu nợ để thu hẹp tỷ lệ dư nợ phi sản xuất xuống 22% vào cuối tháng 6/2011 và tiếp tục giảm xuống 16% vào cuối năm.

Thị trường đóng băng không ai mua trong khi cung ngày càng nhiều khiến thị trường BĐS cuối năm càng trở nên u ám.

Cổ phiếu BĐS: Chỉ có 3 mã tăng giá năm 2011

Các doanh nghiệp BĐS niêm yết chịu tác động kép từ 2 phía: TTCK sụt giảm mạnh và thị trường BĐS đóng băng, do đó hầu hết các cổ phiếu BĐS đều giảm mạnh trong năm nay.

Thống kê cho thấy tính đến ngày 16/12, trong số 64 cổ phiếu bất động sản niêm yết trên 2 sàn có 3 cổ phiếu tăng giá so với đầu năm là VPL (tăng 84,8% trong 1 năm); ASM (tăng 14%) và VIC (tăng 4,2%) còn lại hầu hết đều giảm từ 60-80%.

VIC được hỗ trợ khá lớn từ các quỹ ETF và khối ngoại trong khi VPL cũng được “hưởng lợi” một phần từ thông tin sẽ sáp nhập vào VIC. Kết quả kinh doanh của VPL, VIC, lợi nhuận trước thuế tăng lần lượt 226%, 507% so với cùng kỳ 2010 nhưng so với kế hoạch năm chỉ đạt nửa chặng đường; ASM có thời điểm tăng lên trên 40.000 đồng/cp trong cuối năm đạt 23.000 đồng/cp.

Cổ phiếu giảm giá mạnh nhất trong nhóm cổ phiếu BĐS năm 2011 là SDU với mức giảm 85%, 3 cổ phiếu khác giảm trên 80% là PXA, NVT và HQC (xem bảng dưới).
 
Biến động giá SDU và HQC trong 1 năm

Có 7 cổ phiếu giảm trên 70% là IDJ, STL, PVL, PPI, VPH, NTB và SCR.

Một số bluechips giảm giá mạnh như KBC (giảm 60%), NTL (giảm 49%), SJS (giảm 67%), DIG (giảm 65%)…

Năm 2011 có 10 cổ phiếu mới niêm yết trên HoSE và HNX, cả 10 cổ phiếu đều giảm giá mạnh so với thời điểm mới chào sàn.

Danh sách các DN BĐS mới niêm yết năm 2011

Về kết quả kinh doanh, tính đến hết tháng 9/2011, chỉ có 3/64 doanh nghiệp lỗ ròng là KBC (lỗ ròng 15 tỷ), NTB (-18 tỷ) và NVT (-34 tỷ), còn lại hầu hết đều có lãi. Tuy nhiên so với cùng kỳ 2010 thì lợi nhuận của các DN BĐS niêm yết đều giảm mạnh.

Lợi nhuận các DN BĐS niêm yết (đơn vị: tỷ đồng)

Top 10 doanh nghiệp bất động sản lớn nhất hai sàn đều có chỉ số nợ/vốn chủ sở hữu trên 1 (tức là tổng nợ lớn hơn vốn chủ sở hữu) là HAG (nợ 15.550 tỷ/VCSH 9.125 tỷ); VIC (nợ 8.377 tỷ/VCSH 6.810 tỷ); SJS (nợ 2.738 tỷ/VCSH 2.177 tỷ), KBC (nợ 4.780 tỷ/VCSH 3.456 tỷ); CII (nợ hơn 3.100 tỷ/VCSH 1.317 tỷ)…
 
Tuy nhiên đối với các doanh nghiệp lớn như HAG hay VIC, các khoản nợ còn bao gồm phần vốn khách hàng mua căn hộ trả tiền trước (rất lớn), và một phần vốn khác huy động từ việc phát hành trái phiếu quốc tế lãi suất cũng thấp hơn nhiều so với mặt bằng lãi suất 20-25% của các ngân hàng trong nước.

Kết

Tổng dư nợ tín dụng bất động sản hiện nay khoảng 254.000 tỷ đồng, con số được ông Phan Thành Mai – Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam đưa ra tại Hội thảo “Tài chính và kế toán lĩnh vực BĐS” vào tháng 9/2011 cho thấy dư nợ cho vay BĐS tại TP.HCM là 47% và Hà Nội là 16% trong số dư nợ BĐS trên. Nợ xấu của BĐS là khoảng 8-10%, khoảng gần 30.000 tỷ đồng.

Như vậy, cho dù NHNN đã nới lỏng van tín dụng bằng cách loại 4 nhóm (khoản vay phục vụ sửa chữa nhà cửa, mua nhà có nguồn trả nợ là tiền lương, dự án phát triển nhà được bàn giao hoặc sử dụng trước 1/1/2012, dự án xây dựng nhà thu nhập thấp) khỏi tín dụng phi sản xuất song để thị trường cảm nhận được việc nới lỏng tiền tệ của NHNN đối với BĐS cũng cần ít nhất 6 tháng nữa. Từ nay đến lúc đó, thị trường vẫn sẽ chứng kiến đợt giảm giá mạnh, dự kiến 10-15% và các doanh nghiệp BĐS sẽ gặp khó khăn ít nhất đến hết năm 2012.
 

Minh Châu

phuongmai

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên