MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tổng giám đốc Sacombank: Vững mục tiêu an toàn, hiệu quả

05-01-2012 - 09:54 AM | Tài chính - ngân hàng

NHNN đã chấp thuận việc ANZ chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần (9,6% vốn điều lệ) tại Sacombank cho Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (EIB).

Năm 2011 khép lại với những diễn biến khó lường trên TTCK cũng như trong hoạt động ngành tài chính - ngân hàng. Trong đó, Sacombank (mã STB) là một trong những cái tên được nhắc đến nhiều. ĐTTC đã trao đổi với ông Trần Xuân Huy , Tổng giám đốc Sacombank về những mục tiêu của Sacombank trong năm mới 2012.

Ông có thể chia sẻ về kết quả kinh doanh năm 2011 của Sacombank?

Ông TRẦN XUÂN HUY: - Năm 2011, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế và của ngành ngân hàng, Sacombank chủ trương đặt an toàn và hiệu quả lên hàng đầu; kết hợp hài hòa 2 mục tiêu này trong hoạt động, không chạy theo lợi nhuận.

Kết thúc năm, Sacombank ước đạt 2.740 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế; vốn chủ sở hữu đạt 14.224 tỷ đồng, trong đó gồm 10.740 tỷ đồng vốn điều lệ (theo đúng kế hoạch Đại hội đồng cổ đông thường niên 2010 thông qua); tổng tài sản khoảng 140.000 tỷ đồng; nguồn vốn huy động đạt trên 123.000 tỷ đồng; tổng dư nợ cho vay trên 78.400 tỷ đồng và tỷ lệ nợ xấu chỉ chiếm 0,56% dư nợ cho vay so với bình quân của ngành khoảng 3,39%.

Tỷ suất lợi nhuận trên tài sản (ROA) của Sacombank đạt 1,4-1,5%, thuộc nhóm các ngân hàng có chỉ số ROA cao nhất. Sacombank là một trong những ngân hàng TMCP hàng đầu về mạng lưới tại Việt Nam với 408 điểm giao dịch tại 47/63 tỉnh, thành phố.

Chúng tôi đã tiên phong mở rộng phạm vi hoạt động ra khỏi lãnh thổ Việt Nam với 2 chi nhánh tại Lào (năm 2008) và tại Campuchia (năm 2009). Tháng 10-2011, chi nhánh tại Campuchia đã được nâng cấp thành ngân hàng con 100% vốn Sacombank, đánh dấu một bước phát triển mới trong hành trình chinh phục thị trường Đông Dương.

- Mạng lưới rộng lớn đồng nghĩa với công tác quản trị và điều hành phải đảm bảo để hoạt động của ngân hàng hiệu quả?

- Phát triển mạng lưới là 1 trong 4 giải pháp trọng tâm xuyên suốt của Sacombank trong 20 năm qua. Trên cơ sở nhận thức tầm quan trọng của mạng lưới, Sacombank đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn để không ngừng đầu tư nguồn lực tương xứng cho từng vùng, miền với các giải pháp phù hợp, linh hoạt để khai thác tối đa tiềm năng tại địa bàn.

Đến nay, có thể nói rằng mạng lưới là một trong những thành tựu chúng tôi rất tự hào. Công tác phát triển mạng lưới đòi hỏi phải đầu tư lớn về vốn, cơ sở vật chất và nguồn nhân lực nên ảnh hưởng không nhỏ đến các chỉ số tài chính và hiệu quả hoạt động kinh doanh của ngân hàng trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp khảo sát, nghiên cứu thị trường bài bản, kỹ lưỡng nhằm ưu tiên lựa chọn địa bàn hoạt động đúng với tiềm năng và tốc độ phát triển kinh tế địa phương; triển khai sản phẩm dịch vụ đa dạng, nhiều tiện ích, phù hợp với đặc thù của từng địa bàn; chăm sóc, phục vụ khách hàng tận tình, chu đáo và chuyên nghiệp… nên hệ thống mạng lưới của Sacombank đã sớm phát huy hiệu quả.

- Theo báo cáo tài chính quý III-2011, số dư đầu tư chứng khoán của Sacombank đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư. Ý kiến của ông về vấn đề này?

- Theo báo cáo tài chính quý III-2011 của Sacombank, số dư đầu tư chứng khoán gần 25.092 tỷ đồng, chiếm khoảng 16% tổng tài sản của Sacombank. Đây là hoạt động đầu tư thông thường của NHTM trong việc phân bổ nguồn vốn vào các tài sản có sinh lời sao cho phân tán được rủi ro nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả, đồng thời đảm bảo các tỷ lệ an toàn trong hoạt động theo quy định của NHNN.

Trong phần thuyết minh của báo cáo tài chính đã nêu rõ 99,6% số dư đầu tư chứng khoán, tương đương 24.994 tỷ đồng chúng tôi đầu tư vào trái phiếu chính phủ, trái phiếu do các tổ chức tín dụng khác và trái phiếu do các tổ chức kinh tế phát hành có tính thanh khoản và giá trị thương mại cao trên thị trường.

Đây là lợi thế lớn của Sacombank trong việc đảm bảo an toàn thanh khoản và đáp ứng được các tỷ lệ an toàn trong hoạt động của ngành ngân hàng và các chuẩn mực quốc tế.

- Năm qua, thị trường bất động sản và chứng khoán  “ảm đạm” đã ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động đầu tư của Sacombank?

- Sacombank hiện không đầu tư vào bất động sản. Gần đây có một số thông tin cho rằng Sacomreal là công ty con của Sacombank nhưng theo như báo cáo tài chính chúng tôi đã công bố, Sacomreal không phải là công ty con, công ty liên kết của Sacombank.

Ngoài ra, theo đúng lộ trình thoái vốn tại CTCK Sacombank - SBS mà Đại hội đồng cổ đông thường niên 2010 đã thông qua, hiện nay Sacombank chỉ sở hữu SBS dưới 11%. Đây là khoản đầu tư tài chính bình thường nên mức độ tác động từ kết quả kinh doanh của SBS không ảnh hưởng nhiều đến Sacombank.

Đối với hoạt động đầu tư chứng khoán nói chung, chúng tôi đã thực hiện trích dự phòng giảm giá chứng khoán theo quy định.

- Như vậy, hiện nay Sacombank có các công ty con hoạt động trong lĩnh vực nào?

- Hiện nay, Sacombank có 4 công ty con là Công ty Quản lý nợ và Khai thác tài sản (Sacombank - SBA), Công ty Cho thuê tài chính (Sacombank - SBL), Công ty Kiều hối (Sacombank - SBR) và Công ty Vàng bạc đá quý (Sacombank - SBJ).

- Gần đây, có thông tin về việc đối tác chiến lược nước ngoài của Sacombank là ANZ sẽ thoái vốn tại Sacombank. Thực chất vấn đề này là gì?

- ANZ trở thành cổ đông chiến lược của Sacombank từ năm 2005. Hiện ANZ đã thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam và có những kế hoạch hoạt động của mình, nên việc thay đổi cơ cấu sở hữu, đầu tư tại Việt Nam là điều đương nhiên.

Vừa qua, NHNN đã chấp thuận việc ANZ chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần (9,6% vốn điều lệ) tại Sacombank cho Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (EIB). Sau khi nhận chuyển nhượng, tỷ lệ cổ phần của EIB tại Sacombank là 9,73% vốn điều lệ Sacombank.

- Ông có thể cho biết một số định hướng hoạt động của Sacombank trong năm 2012?

- Năm 2012, chúng tôi vẫn kiên trì quan điểm đảm bảo an toàn và hiệu quả trong hoạt động. Các giải pháp chiến lược của Sacombank theo thứ tự ưu tiên là phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao; đẩy nhanh tiến trình hiện đại hóa công nghệ ngân hàng; tăng nhanh năng lực, chất lượng và hiệu quả sử dụng nguồn lực tài chính; phát huy cao nhất lợi thế mạng lưới.

Chúng tôi vẫn duy trì mức trả cổ tức hấp dẫn cho cổ đông (14-20%). Là ngân hàng đầu tiên mạnh dạn đưa cổ phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán từ năm 2007 theo đúng lộ trình, Sacombank xác định việc đảm bảo an toàn trong hoạt động và quyền lợi của cổ đông là nhiệm vụ quan trọng nhất trong quá trình phát triển.

Sự tín nhiệm của các tổ chức tài chính quốc tế như IFC, FMO, ADB, Proparco… và những đánh giá cao của các tổ chức xếp hạng quốc tế như Moody, Fitch… đã góp phần thể hiện sự ổn định về hoạt động của Sacombank.

- Xin cảm ơn ông.

Theo Mai Thảo
Sài gòn đầu tư

tungns1

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên