MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xăng dầu quân đội trần tình về xăng không đạt chuẩn

06-01-2012 - 08:25 AM |

CEO Tổng công ty xăng dầu quân đội chia sẻ, khi phát hiện đại lý vi phạm, quyền cao nhất của đơn vị đầu mối là ngừng cung cấp.

Ông Vương Đình Dung, Tổng giám đốc (CEO) Tổng công ty xăng dầu quân đội đã có buổi trao đổi với báo chí chiều 5/1 xung quanh chuyện chất lượng xăng dầu và nguyên nhân cháy nổ xe máy gần đây.

- Là đầu mối phân phối, ông nghĩ gì khi đại lý của mình là cửa hàng xăng dầu Mai Dịch bị kết luận xăng không đạt chuẩn?

- Tổng công ty xăng dầu quân đội từ trước đến nay nhập khẩu chủ yếu ở Singapore và chúng tôi khẳng định không tiến hành pha chế bất cứ thứ gì. Quá trình nhập khẩu được thực hiện theo quy định của Nhà nước. Khi ký hợp đồng, bên bán và bên mua chỉ định một giám định độc lập để làm trọng tài khi có bất đồng về chất lượng. Khi bốc hàng lên tàu, tàu rời cảng và cập bến đều phải kiểm tra chất lượng. Ngoài ra, chúng tôi phải khai báo với hải quan và trung tâm tiêu chuẩn đo lường chất lượng 1 kiểm tra lô hàng. Khi cơ quan này xác định hàng đạt chuẩn, chúng tôi mới được mở niêm phong cấp hàng cho các đại lý.

Để cung cấp cho các đại lý, các đại lý phải fax nhu cầu về số lượng, chủng loại đến phòng kinh doanh của tổng công ty. Khi giao hàng cho các đại lý thì luôn kèm theo mẫu. Bên kho, đại lý và tổng công ty phải giữ mẫu. Chúng tôi khẳng định chúng tôi làm đúng quy trình với đại lý và có đối chứng. Mẫu xăng của chúng tôi đảm bảo đúng quy chuẩn. Còn bên đại lý trách nhiệm để mẫu đó không đạt tiêu chuẩn thì phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.

- Cửa hàng Mai Dịch khẳng định chỉ lấy hàng của Tổng công ty xăng dầu quân đội, còn ông lại đảm bảo xăng của mình đủ chất lượng, vậy xăng không đạt chuẩn ở đâu ra?

- Tôi nghĩ có nhiều lý do. Có thể trong quá trình vận chuyển, đại lý chưa giám sát tốt. Liệu trong kho của đại lý có chứa hàng của đơn vị khác ngoài Tổng công ty xăng dầu quân đội không? Bể có rò rỉ hay nước có vào không? Rồi khi bán hàng, đại lý có kiểm soát được nhân viên không? Cũng có khả năng sếp tốt nhưng nhân viên lại lấy hàng này ra đổ hàng khác vào vì thực tế, xăng và methanol có độ chênh lệch nhất định về giá.

Tôi cho rằng, có thể đại lý chưa làm tròn bổn phận về quá trình bảo quản và kinh doanh xăng dầu. Nếu phát hiện chất lạ thì tất cả các hệ thống, đại lý của tổng công ty phải có chứ không riêng gì cửa hàng Mai Dịch.

- Theo ông, vì sao lại có kết luận bất nhất về chất lượng xăng ở cửa hàng Mai Dịch giữa Cục quản lý thị trường và Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng?

- Theo tôi phỏng đoán, có thể là các bên lấy mẫu khác nhau. Nếu lấy mẫu ở dưới đáy bể thì xăng bao giờ cũng có hàm lượng hơi nước bốc lên và thẩm thấu dẫn đến chuyện xăng có chứa tạp chất và nước. Nhưng khi xăng có methanol thì tôi nghĩ chắc chắn là do cửa hàng xăng dầu này đã vi phạm. Còn vi phạm ở quy trình nào thì tôi cho rằng có thể là do lái xe, người bán hàng... Cái đó phải điều tra làm rõ. Khi có kết luận xăng không đạt chuẩn, chúng tôi đã đình chỉ cấp hàng ngay.

- Ví sao cây xăng Từ Liêm đổi chủ?

- Tôi là tổng giám đốc và chưa hề nhận được phản hồi từ đơn vị này. Tuy nhiên, theo thông tin từ Phó tổng giám đốc của chúng tôi thì cửa hàng này đã đến gặp và hỏi: "Bây giờ tìm cách như thế nào". Chúng tôi cũng thẳng thắn: "Tìm cách như thế nào thì đó là do anh". Họ hỏi thế là tôi hiểu họ không nắm được các yếu tố pháp lý về kinh doanh xăng dầu. Họ không biết họ sai từ đâu. Nếu có mẫu đối chứng và họ làm đúng quy trình họ có thể kiện chúng tôi nếu nhưng họ không làm vậy và cuối cùng họ đã tự rút lui. Tôi nghĩ họ đã nhận ra sai lầm và đây là bài học cho họ.

Ảnh: Tuệ Minh
Cửa hàng xăng dầu Mai Dịch và Tổng công ty xăng dầu Quân đội vẫn chưa có buổi họp chính thức. Ảnh: Hà Đan.

- Liệu có mối liên hệ giữa việc cháy nổ các phương tiện gần đây với việc xăng kém chất lượng?

- Gây ra hiện tượng cháy nổ theo tôi là tổng hợp của nhiều nguyên nhân chứ không thể đổi lỗi hoàn toàn cho xăng dầu, hay do nhà sản xuất xe. Trước hết phải khẳng định là do rò rỉ xăng cùng với nhiệt độ nóng và phải có chất dễ bắt cháy. Nếu gioăng được thiết kế đảm bảo thì xăng có pha dung môi khác cũng sẽ không bị hở và gây cháy nổ.

Trước đây ở Singapore vào năm 2005, 2006 đã từng xảy ra hiện tượng xăng có pha thêm axeton đã khiến cho các xe đời cũ bị chết máy, còn các xe mới thì không có hiện tượng này. Hay có thể bắt nguồn từ nguyên nhân mới rửa xe, lượng cồn còn tồn lại nhiều. Nếu do xăng, Tổng cục tiêu chuẩn đo lường kiểm tra thì họ sẽ phát hiện ra ngay bởi họ đã lấy mẫu được ở một số xe bị cháy.

- Vì sao đến thời điểm này, chuyện xăng không đạt chuẩn ở cửa hàng Mai Dịch mới bị phanh phui, trong khi doanh nghiệp của ông là đơn vị đầu mối lại không hề hay biết?

- Thực tế từ cách đây 2 tháng chúng tôi đã nghe các thông tin phản hồi từ khách hàng về chuyện đong đo và xe hay chết máy. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ có thể nhắc nhở, cảnh báo đối với doanh nghiệp này. Bởi lúc đó chúng tôi chưa có bằng chứng cụ thể. Tôi nghĩ điều quan trọng vẫn là ý thức của đại lý. Doanh nghiệp đầu mối chỉ chịu trách nhiệm về nguồn cung và quản lý đại lý bằng hợp đồng. Nếu đại lý không đảm bảo có yêu cầu thì doanh nghiệp đầu mối chỉ có quyền lực tối cao là ngừng cung cấp xăng dầu. Trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý thị trường.

- Ông nghĩ thế nào về việc chiết khấu hoa hồng thấp khiến các đơn vị kinh doanh đã sử dụng các việc như pha thêm methanol để kiếm lời?

- Hiện nay nhiều người nghĩ rằng kinh doanh xăng dầu rất có lãi, nhưng trên thực tế không phải như vậy. Chi phí để lập một xây xăng tại Hà Nội là rất lớn, lên tới 16 - 17 tỷ đồng. Mỗi tháng doanh nghiệp bán được khoảng 100 m3, với mức chiết khấu là 350 đồng/lít thì tổng thu của họ chỉ là 35 triệu. Khoản này sẽ không đủ chi phí cho việc hoạt động của một cửa hàng. Người kinh doanh không có lãi, họ có thể tìm các cách khác để có lợi. Nhưng đây chỉ là các giả định.

Xăng dầu quân đội có 800 đại lý 64 trạm sở hữu trên cả nước. Có tình trạng đại lý không nhập hàng của chúng tôi nhưng vẫn treo biển hiệu xăng dầu quân đội. Thú thực, để quản lý các đại lý không phải là dễ.

Theo Hoàng Lan

Vnexpress

hangnt

Trở lên trên