MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiều địa phương hướng đến nhà đầu tư Nhật

Nhìn thấy sự quan tâm lớn của nhà đầu tư Nhật Bản đến Việt Nam gần đây, một số địa phương mong muốn phát triển cụm và KCN riêng cho các nhà đầu tư này cũng như đi xúc tiến đầu tư thị trường Nhật.

Tại buổi tổng kết tình hình hoạt động các khu chế xuất - khu công nghiệp (KCX-KCN) TPHCM năm 2011 mới đây, Ban quản lý các KCX-KCN TPHCM (Hepza) đã đưa ra kế hoạch cho năm 2012 là sẽ nghiên cứu thành lập một khu công nghiệp chuyên ngành công nghiệp phụ trợ ưu tiên thu hút nhà đầu tư Nhật Bản.

Với định hướng như vậy, lãnh đạo Hepza đã đưa ra giải pháp thực hiện là tìm kiếm đối tác Nhật Bản có năng lực tài chính, kinh nghiệm phát triển công nghiệp để thành lập khu công nghiệp chuyên ngành nói trên.

Trong khi đó, ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, công việc chuẩn bị để thành lập một khu công nghiệp dành riêng cho doanh nghiệp Nhật Bản thì sớm hơn. Với nhiều chuyến viếng thăm và khảo sát của một số đoàn doanh nghiệp Nhật Bản trong năm 2011, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu gần đây cũng lên kế hoạch phát triển một khu công nghiệp dành riêng cho nhà đầu tư này.

Trong việc phối hợp phát triển chiến lược Việt Nam - Nhật Bản, Chính phủ có đề nghị phía Nhật Bản hỗ trợ xây dựng hai khu công nghiệp chuyên sâu về phát triển công nghiệp phụ trợ tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Hải Phòng. Do vậy, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã quyết định tổ chức đoàn đi xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản để tìm hiểu rõ hơn về các doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành công nghiệp phụ trợ của Nhật và giới thiệu cho các nhà đầu tư Nhật về tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.

Làn sóng đầu tư mới từ Nhật Bản vào Việt Nam được nhắc tới với khá nhiều kỳ vọng sau hàng loạt những chuyến viếng thăm của các nhà đầu tư Nhật trong năm qua. Các đối tác Nhật cũng đã quyết định đầu tư vào các khu công nghiệp, như Sojitz, Daiwa House và Kobelco Eco-Solutions sẽ hợp tác với Donafoods để đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Long Đức ở Đồng Nai. Hay Tập đoàn Jesco chuyên về đầu tư hạ tầng của Nhật gần đây cũng công bố góp vốn phát triển hạ tầng khu công nghiệp Long Hậu 4 tại Long An để tập trung thu hút hơn nữa các nhà đầu tư đến từ Nhật…

Cục Đầu tư nước ngoài trong các buổi tọa đàm với các doanh nghiệp tỉnh Aichi (Nhật Bản) năm ngoái cũng cho rằng, nếu các doanh nghiệp Nhật có nhu cầu, Việt Nam sẽ thành lập một số khu công nghiệp dành riêng.

Theo các công ty tư vấn đầu tư, Nhật đầu tư với kỳ vọng tập trung vào các khu công nghiệp riêng, trong đó có những cụm chuyên dành cho khối doanh nghiệp nhỏ và vừa vốn chỉ cần diện tích ít. Và việc lên kế hoạch phát triển những cụm –khu công nghiệp riêng cho doanh nghiệp Nhật này ở Việt Nam cũng nhằm đáp ứng việc đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Nhật.

Tuy nhiên, theo các nhà tư vấn đầu tư, việc chạy đua ở các địa phương tập trung cho đối tượng nhà đầu tư Nhật sẽ có nguy cơ trở thành thách thức. Bởi nhu cầu thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của các địa phương sẽ dẫn đến việc cạnh tranh cao. Một số địa phương mong muốn kéo cho được dòng vốn đầu tư từ Nhật Bản sẽ làm dịch chuyển quy hoạch phát triển kinh tế theo nhu cầu của nhà đầu tư. Điều này sẽ dẫn đến phá vỡ quy hoạch phát triển kinh tế của từng địa phương.

Điều này về lâu dài sẽ dẫn đến cạnh tranh trong thu hút vốn đầu tư từ Nhật như đã từng xảy ra ở các địa phương những năm trước trong việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Đó là các địa phương chạy đua trải thảm đỏ thu hút được các dự án đầu tư nước ngoài lớn rồi giờ đây đang khó khăn trong việc thu hồi giấy phép đầu tư dù nhà đầu tư chậm triển khai hoặc không triển khai.

Theo các đơn vị xúc tiến đầu tư, cần có quy hoạch tổng thể thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt là đầu tư từ Nhật. Đừng để mỗi địa phương đều kêu gọi đầu tư giống nhau rồi đua nhau thành lập cụm-khu công nghiệp theo yêu cầu của nhà đầu tư.

Việt Nam vẫn tiếp tục là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư Nhật Bản như kết quả điều tra đầu tư hải ngoại của JETRO đối với các doanh nghiệp công nghiệp chế biến. Kết quả điều tra trực tuyến của Thời báo Kinh doanh Nikkei, Việt Nam được lựa chọn là địa điểm đầu tư hấp dẫn nhất để mở cơ sở sản xuất, trên cả Ấn Độ và Thái Lan. Trích từ Báo cáo Tổng kết thu hút đầu tư FDI năm 2011 của Cục Đầu tư nước ngoài).

Tính đến nay, Nhật Bản có khoảng 1.670 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký khoảng 23,6 tỉ đô la Mỹ.

Theo Lê Hoàng
 TBKTSG


cucpth

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên