MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thanh khoản ngân hàng và “toan tính” của NHNN

19-01-2012 - 18:04 PM | Tài chính - ngân hàng

Thanh khoản của hệ thống ngân hàng vẫn luôn căng thẳng vào dịp cận Tết. Tuy nhiên, NHNN cho biết, sẽ hạn chế can thiệp vào vấn đề này, trong khi lạc quan với kế hoạch tái cấu trúc hệ thống ngân hàng.

Sóng ngầm!

Nhìn lại trường hợp hợp nhất đầu tiên, tạm thời bỏ qua các vấn đề khác thì cả SCB, Ficombank và Việt Nam Tín Nghĩa đều có khó khăn lớn về thanh khoản trước khi hợp nhất, thể hiện qua nhiều hợp đồng hỗ trợ thanh khoản ký kết đơn phương với BIDV. Chỉ sau một thời gian ngắn, thị trường khá bất ngờ với thông tin 3 ngân hàng đồng ý hợp nhất, với 22 cán bộ cao cấp được điều động từ BIDV sang hỗ trợ và thêm hàng ngàn tỷ đồng được cung cấp cho ngân hàng mới. Quá trình hợp  nhất được thực hiện khá gọn gàng và kín tiếng, cho thấy sự chủ động của người “cầm trịch” và một quá trình, kịch bản được chuẩn bị từ trước. Đồng thời, tỷ lệ biểu quyết cao của các cổ đông cũng chứng tỏ họ không còn nhiều sự lựa chọn trước nguy cơ ngân hàng gặp cú sốc thanh khoản. Có vẻ đằng sau sự suôn sẻ của thương vụ M&A đầu tiên của hệ thống ngân hàng là những con sóng ngầm, những cuộc thương thảo, cũng như các áp lực vô hình mà người ngoài cuộc không nhìn thấy được.

 

“Toan tính” của NHNN

Nguyên nhân của rủi ro thanh khoản trong hệ thống ngân hàng bắt nguồn từ chủ trương thắt chặt tín dụng và khả năng quản lý thanh khoản yếu kém của nhiều ngân hàng. Một trong những tác động trực tiếp và mạnh nhất là từ sự giám sát chặt chẽ việc huy động vượt trần lãi suất hồi tháng 9/2011, dẫn đến nguồn tiền không nhỏ chảy từ các ngân hàng nhỏ sang các ngân hàng lớn, thậm chí được chuyển sang các kênh đầu tư khác.

Giữa lúc căng thẳng, không ít chuyên gia “hiến kế” cứu thanh khoản các ngân hàng, trong đó, nổi bật là áp trần lãi suất trên thị trường liên ngân hàng. Tuy nhiên, trong cả quý IV/2011, NHNN hầu như không có biện pháp can thiệp nào, ngay cả khi lãi suất thị trường liên ngân hàng chạm ngưỡng 30% và cuộc chơi nằm trong tay các ngân hàng lớn, đặc biệt là các ngân hàng thương mại nhà nước. Thậm chí, NHNN hạn chế bơm vốn trên thị trường mở và chỉ chịu tăng lên trong thời gian giáp Tết.

Ngày 11/1/2011, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình trong buổi gặp gỡ báo chí đã thẳng thắn thừa nhận chủ ý không dễ dãi hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng có vấn đề, đồng thời, cho thấy NHNN đang kiểm soát được các vấn đề diễn ra hàng ngày trên hệ thống.

Phải chăng, đằng sau khó khăn về thanh khoản của hệ thống ngân hàng là những “toan tính” của NHNN như một phần của đề án tái cấu trúc và NHNN đang chấp nhận hy sinh ngắn hạn để đạt được những kết quả dài hạn bền vững hơn?


Ngân hàng đứng trước hai sự lựa chọn

Câu trả lời cho biện pháp xử lý các ngân hàng gặp khó khăn thanh khoản dường như ngày càng rõ ràng hơn. Các ngân hàng sẽ có hai sự lựa chọn:

Một là, ngân hàng vượt trần lãi suất huy động để thu hút tiền gửi của khách hàng. Sau một thời gian im ắng, thì tháng 11, đặc biệt là tháng 12/2011, việc vi phạm trần huy động đã nhen nhóm trở lại. Có tới 1/5 đại diện các ngân hàng và chính đại diện của NHNN cũng xác nhận việc này. Điều này cho thấy, các ngân hàng nhỏ và trung bình không có nhiều sự lựa chọn, việc huy động vượt trần là nước cờ cuối cùng trước khi mất quyền kiểm soát.

Hai là, các ngân hàng chịu sự sắp xếp của NHNN thực hiện việc sáp nhập, hợp nhất dưới sự điều tiết của một trong các ngân hàng lớn như trường hợp M&A đầu tiên. Bình thường, rất khó và mất nhiều thời gian để các ngân hàng “tự nguyện” sáp nhập vì quyền lợi của các cổ đông, ban điều hành và đồng thuận về định giá. Do đó, nếu trông chờ vào việc khuyến khích M&A thì hiệu quả sẽ không cao. 

Tuy nhiên, nếu các ngân hàng yếu kém không xử lý được vấn đề thanh khoản, thì việc sáp nhập, hợp nhất sẽ trở nên dễ dàng và nhanh gọn hơn nhiều, nhất là khi được M&A bằng mệnh giá. Kết quả của áp lực thanh khoản là cuộc đua nước rút của các ngân hàng gặp vấn đề. Sau cuộc đua ấy, chỉ có các ngân hàng có chất lượng được giữ lại, không bị M&A.

 

Dự báo hai xu hướng sáp nhập, hợp nhất

Thực tế, nếu hai hay ba ngân hàng gặp vấn đề về thanh khoản hợp nhất lại thì cũng không ngay lập tức giải quyết được khó khăn. Bằng chứng là sau khi SCB, Việt Nam Tín Nghĩa và Ficombank hợp nhất, BIDV tiếp tục phải hỗ trợ hàng ngàn tỷ đồng để ngân hàng sau hợp nhất duy trì hoạt động. Việc hợp nhất chỉ giải quyết được vấn đề thanh khoản khi một ngân hàng nhỏ sáp nhập vào một ngân hàng lớn có tiềm lực tài chính.

Như vậy, có thể dự đoán, sẽ có hai xu hướng sáp nhập, hợp nhất trong hệ thống ngân hàng trong thời gian tới, đó là: (i) giữa các ngân hàng nhỏ đang gặp khó khăn, sau đó được một ngân hàng lớn hoặc NHNN hỗ trợ; (ii) trực tiếp giữa ngân hàng lớn và ngân hàng nhỏ.

Xu hướng thứ nhất sẽ nhanh và dễ thực hiện hơn, vì xu hướng thứ hai sẽ đi kèm với việc thẩm định như một khoản đầu tư và trong khi nhiều ngân hàng niêm yết đang giao dịch dưới mệnh giá, việc một ngân hàng lớn định giá thâu tóm ngân hàng nhỏ không hề đơn giản.

Nhưng dù diễn ra theo xu hướng nào thì vai trò của NHNN trong việc ra các quy định điều tiết thị trường và các ngân hàng thương mại nhà nước sẽ là chủ đạo. Nhìn theo hướng phân tích này, không những NHNN nắm rõ tình hình mà còn làm chủ cuộc chơi. Chỉ có điều, cái giá của cuộc chơi ấy là sự căng thẳng trong hệ thống ngân hàng cho tới khi việc sàng lọc ngân hàng và sáp nhập tương đối hoàn tất theo kịch bản được dự tính. Ngoài ra, mặt bằng lãi suất khó có thể giảm nhanh như dự kiến, vì các ngân hàng gặp khó khăn sẽ lách trần huy động tới khi không còn khả năng tồn tại và phải hợp nhất.

Hy vọng, sau khi quá trình tái cấu trúc “bắt buộc” hoàn tất, hệ thống ngân hàng Việt Nam sẽ được sàng lọc với sức đề kháng tốt hơn. Bài học quản lý rủi ro của từng ngân hàng nói riêng và của NHNN nói chung sẽ được rút kinh nghiệm để nền kinh tế không phải chịu các cú sốc. Phòng bệnh bao giờ cũng tốt hơn và hiệu quả hơn chữa bệnh!       

Theo Hải Vy

ĐTCK  


tungns1

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên