MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mong ước về một “Temasek” Việt Nam

SCIC đang hoạt động trong chiếc áo pháp lý quá chật, lại càng chật hẹp hơn so với mong ước về một Temasek Việt Nam trong tương lai.

Là nhà đầu tư của Chính phủ, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đang hoạt động trong chiếc áo pháp lý quá chật và chưa thực sự vận hành linh hoạt nhất theo chức năng và nhiệm vụ của mình. Trong khi đó, thị trường kỳ vọng vào một nhà đầu tư tầm cỡ có vai trò và vị thế nổi bật hơn, một “Temasek” trong tương lai không xa của Việt Nam.

Trong giai đoạn hiện nay, SCIC đang tập trung thoái vốn nhà nước tại những doanh nghiệp trong diện Nhà nước không cần nắm giữ vốn.

Tình hình kinh tế vĩ mô năm 2011 đã tác động mạnh đến các hoạt động nghiệp vụ của Tổng công ty, nhất là công tác bán vốn với nhiều trường hợp doanh nghiệp đưa ra đấu giá không có nhà đầu tư quan tâm. Bên cạnh sức cầu suy giảm do thị trường vốn ảm đạm, danh mục bán vốn của Tổng công ty gồm nhiều doanh nghiệp nhỏ, hoạt động kém hiệu quả, tình hình phức tạp.

Mặt khác, cơ chế định giá đất đã đẩy giá trị một số DN lên cao hơn nhiều so với mức giá mà thị trường có thể chấp nhận. Những nguyên nhân trên đã làm cho một số DN bán vốn nhiều lần không thành công.

Đặc biệt, cuối 2011, một số CTCK thực hiện bán vốn cho Tổng công ty gặp rủi ro thanh khoản, thậm chí có nguy cơ phá sản, do đó không còn đủ điều kiện về tài chính, nhân lực để tiếp tục tư vấn bán vốn.

Để tránh rủi ro thất thoát tiền bán vốn của Nhà nước, SCIC đã phải thay đổi quy trình thanh toán tiền bán vốn thông qua các CTCK, theo đó tài khoản đặt cọc và nhận tiền bán vốn chuyển thẳng về Tổng công ty (thay vì chuyển qua các CTCK), nhằm đảm bảo an toàn dòng tiền thu về cho Nhà nước.

Sau khi thực hiện cơ bản việc bán vốn nhà nước, SCIC sẽ tập trung đầu tư vào những dự án lớn. Tổng công ty đã làm việc với JICA và USAID về khả năng SCIC tham gia góp vốn vào Quỹ Đầu tư cơ sở hạ tầng Việt Nam nhằm thúc đẩy nguồn vốn đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng tại Việt Nam dưới hình thức hợp tác công - tư. Năm 2011, nhà đầu tư của Chính phủ dự kiến giải ngân 833 tỷ đồng đầu tư vào 6 dự án lớn, tuy nhiên do nhiều nguyên nhân, việc giải ngân không thực hiện được.

Sau 5 năm hoạt động, dù còn một số tồn tại nhất định, nhưng SCIC đã đạt được những thành công cơ bản trên nhiều mặt. SCIC đã nỗ lực tập trung giải quyết dứt điểm tồn tại của một số doanh nghiệp thuộc diện giám sát đặc biệt với những bệnh phổ biến như kinh doanh thua lỗ lớn; tranh chấp trong nội bộ ban lãnh đạo DN, tranh chấp với đối tác, khiếu kiện nội bộ và bên ngoài kéo dài... Bên cạnh đó, phát huy hiệu quả đồng vốn nhà nước tại những doanh nghiệp chủ lực thuộc nhóm A,B.

Tuy nhiên, để mô hình SCIC thực sự phát huy hiệu quả, rất cần một định hướng rõ ràng về đầu mối quản lý vốn nhà nước. Đã có tình trạng một số bộ, một số địa phương có công văn đề xuất được tiếp nhận, quản lý phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Theo chỉ đạo của Bộ Tài chính, trên cơ sở đề nghị của các địa phương, SCIC đã chuyển giao lại quyền đại diện chủ sở hữu vốn của không ít doanh nghiệp.

Bước qua tuổi lên 5, dù đã làm được nhiều việc, song vai trò của SCIC với thị trường vốn và cả nền kinh tế luôn là câu hỏi nhiều nhà đầu tư quan tâm tại các diễn đàn đối thoại giữa cộng đồng doanh nghiệp và cơ quan quản lý. Theo ông Lại Văn Đạo, Tổng giám đốc SCIC, khi ra quyết định đầu tư, SCIC luôn tuân thủ theo một nguyên tắc: là tổ chức đầu tư tài chính của Chính phủ thực hiện đầu tư theo nguyên tắc thị trường.

Để thực hiện thành công sứ mệnh của mình, thể hiện rõ vai trò là nhà đầu tư của Chính phủ, SCIC rất cần khung pháp lý cụ thể để hoạt động một cách năng động. Một Nghị định về đầu tư kinh doanh vốn đang được dự thảo để trình Chính phủ, theo đó SCIC sẽ tăng vốn điều lệ, từng bước hoàn thiện hệ thống quy trình nghiệp vụ, tổ chức bộ máy và mở rộng quan hệ hợp tác với các đối tác trong nước và quốc tế.

Tinh thần của Kết luận số 78-KL/TW của Bộ Chính trị “tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho SCIC hoạt động hiệu quả”, nhiều thành viên thị trường kỳ vọng rằng, trong tương lai không xa, Việt Nam sẽ có một “Temasek” phát triển nhanh mạnh, năng động và hiệu quả.

Theo Anh Việt

ĐTCK

phuongmai

Trở lên trên