MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Mặt tối” của một trong những trung tâm sản xuất iPad, iPhone lớn nhất thế giới (2)

27-01-2012 - 10:37 AM | Tài chính quốc tế

Những chiếc iPhone, iPad sành điệu, giá hợp lý và được tung ra đúng thời điểm thế giới chờ đợi có khi được đánh đổi bằng sinh mạng của người công nhân.

Kỳ trước: Mồ hôi, nước mắt và máu đằng sau những chiếc iPad, iPhone (1)

Mùa thu năm 2010, khoảng 6 tháng trước vụ nổ tại nhà máy iPad, anh Lai Xiaodong cẩn thận đóng gói quần áo và bằng tốt nghiệp đại học. Anh nói với bạn bè anh sẽ không còn lang thang chơi poker nữa và chào tạm biệt thầy cô giáo tại trường. Anh rời quê đến Thành Đô, thành phố 12 triệu dân hiện đang trở thành một trong những trung tâm sản xuất lớn nhất thế giới.

Anh Lai đã khiến mọi người rất ngạc nhiên khi “cưa” được một nữ sinh viên ngành Y đồng ý trở thành bạn gái của mình. Cô muốn kết hôn và vì vậy anh đặt mục tiêu phải kiếm đủ tiền để mua cho được một căn hộ.

Các nhà máy ở Thành Đô sản xuất sản phẩm cho hàng trăm công ty, tuy nhiên anh Lai chỉ quan tâm đến tập đoàn Hồng Hải (Foxconn), tập đoàn xuất khẩu lớn nhất Trung Quốc và tuyển dụng nhiều lao động nhất, tổng số khoảng 1,2 triệu lao động đang làm việc tại đây.

Tập đoàn có nhà máy trên khắp đất nước Trung Quốc và lắp ráp khoảng 40% hàng điện tử tiêu dùng của thế giới, trong đó có các khách hàng nổi tiếng như Amazone, HP, Nintendo, Nokia và Samsung.

Theo những gì anh Lai biết, nhà máy của Foxconn ở Thành Đô có điểm đặc biệt. Bên trong nhà máy này, người ta lắp ráp sản phẩm mới và tân tiến nhất của Apple: máy tính bảng iPad.

Khi cuối cùng anh cũng được nhận vào làm ở đây, một trong những điều đầu tiên anh nhận thấy đó là điện được thắp sáng gần như suốt cả ngày. Các ca làm việc luân phiên nhau đủ 24 tiếng/ngày và nhà máy luôn được thắp sáng. Ở bất kỳ thời điểm nào trong ngày, hàng ngàn công nhân đứng bên các dây chuyền lắp đặt hay ngồi trên các chiếc ghế không có tựa lưng cạnh những chiếc máy lớn. Nhiều người đứng nhiều đến mỏi nhừ chân. Anh Zhao Sheng, một công nhân nhà máy, cho biết: “Thật khó mà có thể đứng được cả ngày.”

Trên tường, người ta nhìn thấy khẩu hiệu được căng rộng cảnh báo 120 nghìn công nhân: “Hãy làm việc chăm chỉ nếu không muốn ngày mai lại phải kiếm việc vất vả.” Theo nguyên tắc của Apple, trừ một số trường hợp đặc biệt, người công nhân không được phép làm việc hơn 60 tiếng/tuần.

Thế nhưng tại Foxconn, một số công nhân còn làm việc nhiều giờ hơn, theo kết quả phỏng vấn của phóng viên với công nhân nhà máy và một số nhóm hoạt động khác.

Anh công nhân Lai làm việc khoảng 12 tiếng/ngày; 6 ngày/tuần bên trong nhà máy. Người nào đến muộn sẽ buộc phải viết đơn tường trình. Ca làm việc được tổ chức liên tục.

Nhờ có bằng đại học, anh Lai có thể kiếm được khoảng 22USD/ngày kể cả tiền thêm giờ, cao hơn nhiều so với nhiều người khác. Bạn gái anh cho biết khi ngày làm việc kết thúc, anh sẽ về một phòng ngủ nhỏ có diện tích chỉ vừa bằng cái đệm, có một tủ quần áo và một chiếc bàn nơi anh chơi điện tử.

Phòng nghỉ của anh dù sao vẫn còn tốt hơn nhiều so với nhiều phòng nghỉ của nhiều công nhân khác, nơi 70.000 công nhân thuộc nhà máy Foxconn sống. Ở nhiều thời điểm, khoảng hơn 20 người phải ngủ trong một căn hộ có 3 phòng ngủ. Năm 2011, có một vụ tranh cãi về vấn đề lương đã nổ ra khu ở của công nhân, công nhân ném chai lọ, lon nước và giấy loại ra khỏi cửa sổ phòng của họ. Hai trăm cảnh sát đã được huy động đến và bắt giữ 8 người. Sau đó, hàng đống rác rưởi do công nhân ném ra đã được dọn dẹp. Chuột nhiều vô kể. Anh Lai dù sao cũng may mắn có chỗ ở riêng.

Foxconn, trong tuyên bố của mình, bác bỏ về cáo buộc yêu cầu công nhân làm nhiều ca, kéo dài thời gian làm thêm giờ, sống chật chội và nguyên nhân của vụ hỗn loạn. Đại diện tập đoàn khẳng định hoạt động của tập đoàn luôn tuân thủ theo nguyên tắc của các khách hàng, tiêu chuẩn ngành và luật Trung Quốc. Foxconn cũng khẳng định tập đoàn chưa bao giờ để một khách hàng hay quan chức chính phủ nào phàn nàn về việc sử dụng lao động chưa đủ tuổi, yêu cầu công nhân làm việc quá nhiều hay sử dụng chất độc.

Tuyên bố của Foxconn có đoạn: “Tất cả công nhân làm việc trong dây chuyền lắp ráp đều được nghỉ ngơi, trong đó có 1 tiếng nghỉ trưa. Chỉ khoảng 5% công nhân dây chuyền buộc phải đứng để làm việc. Công nhân luôn có cơ hội luân phiên công việc và thăng tiến. Foxconn luôn tuân thủ tốt tiêu chuẩn về an toàn. Chúng tôi luôn dẫn đầu Trung Quốc về điều kiện làm việc và đãi ngộ với người lao động.”

Thảm kịch

Vào buổi chiều xảy ra vụ nổ tại nhà máy iPad, anh công nhân Lai Xiaodong gọi điện thoại cho bạn gái, việc anh vẫn làm hàng ngày. Tối hôm đó lẽ ra họ gặp nhau thế nhưng quản lý của anh Lai cho biết anh sẽ phải làm thêm giờ, bạn gái anh kể lại.

Tại Foxconn, Lai được thăng tiến khá nhanh; chỉ sau vài tháng anh đã chịu trách nhiệm quản lý một nhóm công nhân chuyên vận hàng máy đánh bóng bao da iPad. Khu vực này rất ồn ào và đầy bụi. Công nhân đeo mặt nạ và che tai thế nhưng ngay cả như vậy, dù họ có tắm và kỳ cọ kỹ thế nào đi nữa, bụi nhôm vẫn bám trên tóc và đuôi mắt.

2 tuần trước vụ nổ, một nhóm hoạt động tại Hồng Kông công bố báo cáo cảnh báo về điều kiện làm việc không an toàn tại nhà máy ở Thành Đô, vấn đề bụi nhôm cũng được nói đến. Nhóm Sacom bao gồm học giả và sinh viên chống hành vi sai lệch trong doanh nghiệp đã ghi hình được nhiều công nhân với bụi nhôm bám đầy người. Báo cáo có đoạn: “Vấn đề sức khỏe trong nghề nghiệp và an toàn tại Thành Đô thật đáng lo ngại. Người công nhân còn phải làm việc trong điều kiện thông gió kém cũng như thiếu thiết bị bảo vệ cá nhân.”

Một bản copy của báo cáo được gửi đến Apple. Ông Debby Chan Sze, một đại diện của nhóm hoạt động, nói: “Chúng tôi không nhận được bất kỳ phản hồi nào. Vài tháng sau đó, tôi đến Cupertino và đến Apple nhưng chẳng ai chịu gặp tôi.”

Vào buổi sáng khi vụ nổ xảy ra, anh Lai đạp xe đến chỗ làm. iPad đã được bán trước đó vài tuần và công nhân được thông báo cần đánh bóng thêm hàng nghìn bao da. Không khí của nhà máy hết sức hỗn loạn. Bụi nhôm bay khắp nơi.

Bụi tiềm ẩn mối nguy hiểm nghiêm trọng. Năm 2003, một vụ nổ bụi nhôm tại bang Indiana – Mỹ đã phá hủy một nhà máy sản xuất bánh xe và khiến 1 công nhân thiệt mạng. Năm 2008, bụi bên trong một nhà máy đường ở bang Georgia gây ra vụ nổ cướp đi sinh mạng của 14 người.

Sau khi ca làm thứ 2 của anh Lai bắt đầu được 2 tiếng, tòa nhà bắt đầu rung chuyển như thể động đất đang xảy ra. Có một vài tiếng nổ, công nhân nhà máy kể lại. Sau đó người ta la hét. Khi đồng nghiệp của Lai chạy ra ngoài, khói đen bao trùm cùng với mưa nhỏ. 4 người chết, 18 người bị thương.

Tại bệnh viện, bạn gái của Lai thấy da anh bị bỏng gần như hoàn toàn, cô kể: “Tôi nhận ra anh từ đôi chân, nếu không tôi còn chẳng biết anh là ai nữa.”

Cuối cùng gia đình anh đến nơi. Hơn 90% cơ thể của anh đã bị thương. Anh trai anh nói: “Mẹ tôi chạy ngay ra khỏi phòng ngay khi nhìn thấy em. Tôi khóc. Không ai có thể chịu được cảnh này.” Cuối cùng khi mẹ anh trở lại, bà không dám sờ vào con trai sợ anh đau. Bà nói: “Con trai tôi thật kiên cường, nó đã cầm cự được thêm 2 ngày.”

Sau khi anh Lai chết, công nhân nhà máy Foxconn lái xe về quê anh và gửi cho gia đình hộp tro. Foxconn viết cho gia đình tờ séc 150 nghìn USD.

Trong tuyên bố của mình, Foxconn khẳng định ở thời điểm vụ nổ tại nhà máy ở Thành Đô xảy ra, công ty tuân thủ mọi quy định và nguyên tắc an toàn cần thiết: “Công ty đảm bảo mọi gia đình công nhân nhận được sự hỗ trợ mà họ cần và công nhân bị thương được chăm sóc y tế tốt nhất.” Sau vụ nổ, Foxconn bất ngờ ngừng mọi công việc tại xưởng đánh bóng, cải thiện hệ thống thông gió và hút bụi, áp dụng công nghệ để đảm bảo an toàn cho công nhân.

Apple khẳng định sau vụ nổ rằng họ đã tìm hiểu và yêu cầu tăng các biện pháp đảm bảo an toàn để ngăn vụ việc tương tự trong tương lai.

Tháng 12/2011, 7 tháng sau vụ nổ khiến công nhân Lai thiệt mạng, một nhà máy iPad khác nổ, lần này tại Thượng Hải. Một lần nữa, bụi nhôm chính là nguyên nhân; 59 công nhân bị thương, 23 công nhân nhập viện.

Ông Nicholas Ashford, chuyên gia về an toàn nghề nghiệp hiện đang làm việc tại Học viện công nghệ MIT, nói: “Hoàn toàn là sự khinh suất. Nếu vấn đề bụi nhôm quá khó giải quyết, tôi cũng thông cảm. Thế nhưng thực ra mọi chuyện cực kỳ đơn giản. Chúng tôi đã giải quyết vấn đề đó cách đây cả thế kỷ.”

Trong báo cáo gần nhất về trách nhiệm của nhà cung cấp, Apple viết rằng dù bụi nhôm là nguyên nhân, còn nhiều nguyên nhân khác nhưng công ty từ chối cung cấp chi tiết. Apple khẳng định đã kiểm toán tất cả các công ty cung cấp nhôm đánh bóng và yêu cầu thận trọng hơn. Báo cáo khẳng định tất cả các nhà cung cấp đã tuân thủ quy định mới, ngoại trừ một nhà cung cấp đã đóng cửa.

Đối với gia đình anh Lai, họ vẫn còn hoài nghi rất nhiều. Mẹ của Lai nói: “Chúng tôi vẫn không hiểu tại sao con tôi chết và điều gì đã xảy ra.”

Còn tiếp...

Ngọc Diệp

ngocdiep

Nytimes, Economist

Trở lên trên