MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dự kiến 20/2 giao dịch sang buổi chiều: kẻ thích, người lo!

Sở GDCK TP. HCM (HOSE) vừa kết thúc đợt xin ý kiến đóng góp của các CTCK về việc kéo dài thời gian giao dịch sang buổi chiều, dự kiến triển khai ngay từ ngày 20/2.

Nhiều ý kiến ủng hộ, nhưng môi giới không mặn mà

Điều dễ nhận thấy nhất là tăng thời gian giao dịch thì các nhân viên môi giới sẽ bận rộn nhất. Trao đổi với ĐTCK, lãnh đạo nhiều CTCK cho biết, hiện nay đa phần các môi giới nhận hoa hồng theo doanh số giao dịch. Tăng thời lượng giao dịch khiến doanh thu tăng, giúp thu nhập của nhân viên môi giới được cải thiện, nên việc thêm công thêm việc sẽ không thành vấn đề.

Tuy nhiên, phần lớn nhân viên môi giới của các CTCK được hỏi lại đưa ra nhận định khác. Tại thời điểm thanh khoản của hai sàn chỉ bằng 40% mức trung bình của năm 2010, việc kéo dài thời gian giao dịch không có nghĩa là giá trị giao dịch sẽ tăng. Vì với “cửa hẹp” của chứng khoán hiện tại, sẽ không có nhiều NĐT hào hứng với thời lượng giao dịch kéo dài. Ở cương vị môi giới, nếu thanh khoản của thị trường tăng thì chỉ tiêu doanh số sớm muộn cũng biến động cùng chiều, thu nhập chưa chắc đã tăng tương ứng.

Ở cương vị NĐT, ông Trương Công Đức, khách hàng của CTCK HSC ủng hộ việc kéo dài thời gian giao dịch. Ông Đức cho rằng, với các NĐT chọn chứng trường làm nghiệp dụng thân thì có thêm phiên giao dịch buổi chiều là tăng cơ hội lướt sóng, kiếm chênh lệch từ việc mua bán cổ phiếu cùng một phiên.

Nên kéo dài sang phiên giao dịch buổi chiều cũng là quan điểm của ông Hoàng Thạch Lân, Giám đốc Môi giới CTCK MBHS. Theo ông Lân, có nhiều lý do để tăng thời lượng giao dịch.

Thứ nhất, nhiều TTCK trong khu vực có thời gian giao dịch kéo dài đến 8 giờ/ngày, cùng với quá trình hội nhập, TTCK Việt Nam không thể nằm ngoài xu thế “chuyên nghiệp” này. Thứ hai, việc kéo dài thời gian giao dịch đáp ứng được nhu cầu có thực “ăn chứng khoán, ngủ chứng khoán” của một bộ phận NĐT kiên trì bám sàn. Thứ ba, với các CTCK, tăng thời gian giao dịch đồng nghĩa với khả năng thu được nhiều phí giao dịch hơn.

Đứng trên cương vị một NĐT nước ngoài, ông Dominic Scriven, Tổng giám đốc Dragon Capital nhận xét, do chênh lệch múi giờ giữa Việt Nam và châu Âu, nên nếu TTCK Việt Nam có thêm phiên giao dịch buổi chiều sẽ tạo điều kiện để các NĐT ở nước ngoài có điều kiện theo dõi và giao dịch. Ở thời điểm hiện tại, khó có thể kỳ vọng “cú huých” nào từ cải cách sắp tới, nhưng thị trường dao động trong biên độ hẹp là thời điểm thích hợp cho cơ quan quản lý thị trường tiến hành các cải cách có tầm nhìn xa, hướng tới việc chuẩn bị cho chu kỳ phục hồi của thị trường sau này.


Một số yếu tố cần cân nhắc

Ông Lê Minh Tâm, Tổng giám đốc CTCK KimEng Việt Nam (KEVS) cho biết, KEVS đã sẵn sàng cho việc tăng thời gian giao dịch vào ngày 20/2 sắp tới, nếu HOSE quyết tâm triển khai. Trong phản hồi của KEVS, Công ty sẵn sàng triển khai, nhưng kiến nghị về thời điểm bắt đầu. Theo ông Tâm, dù TTCK đã phục hồi những ngày gần đây, nhưng thanh khoản của thị trường vẫn ở mức khiêm tốn. Nguyện vọng của các thành viên thị trường trông chờ, hướng tới nhiều sản phẩm mới. Việc cải cách, tái cấu trúc TTCK là cần thiết, nhưng kéo dài thời gian giao dịch chưa phải là đòi hỏi gấp rút, bức bối ở thời điểm hiện nay.

Lãnh đạo một CTCK lớn khác ủng hộ về cải cách mới, nhưng tỏ ra băn khoăn về thời lượng giao dịch phiên buổi chiều với 1 giờ khớp lệnh ngắn ngủi. Vị này kiến nghị, nên cải cách triệt để bằng việc kéo dài thời gian đến 15h00, thậm chí là 16h00. Việc này có thể khiến một số CTCK nhỏ, có hệ thống công nghệ thông tin yếu gặp khó khăn do không thể cho phép khách hàng nộp và rút tiền trong suốt thời gian giao dịch, hay phải đến tận khuya mới có thể khóa sổ sách, nhưng sẽ tạo ra sự sàng lọc cần thiết trong khối các CTCK.

Liên quan đến cải cách sắp tới, theo ghi nhận của ĐTCK, một luồng ý kiến khác mong muốn nới biên độ dao động giá tại HOSE trong phiên giao dịch buổi chiều lên 7% như tại HNX, để tăng sức hấp dẫn cho các NĐT. Nhưng việc mở biên độ này liên quan tới quản lý an toàn trên tài khoản cho vay ký quỹ tại CTCK (chứng khoán biến động với biên độ càng lớn trong thời gian càng dài thì khoản vay margin càng rủi ro). Nguyện vọng mở biên độ 7% hay hơn nữa của các CTCK dẫn tới một yêu cầu khác của thị trường là giao dịch T+2. TTCK Việt Nam đang đứng trước nhiều đòi hỏi về một cơ chế giao dịch mới, thông thoáng hơn.

Theo Giang Thanh
ĐTCK

phuongmai

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên