MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Chỉ ở Myanmar mới có chuyện tôm chết vì già”

“Myanmar như một cô gái mới dậy thì, chuẩn bị được bố mẹ mở cửa cho phép ra giao lưu với thế giới bên ngoài và rất nhiều chàng trai từ khắp nơi đang dòm ngó và thăm viếng”

Ông Trần Phước Anh, Tham tán, Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar, ví von khi trả lời phỏng vấn TBKTSG về tiềm năng của thị trường Myanmar.

Đại sứ Việt Nam tại Myanmar Chu Công Phùng từng ví Myanmar là “mảnh đất màu mỡ cuối cùng của châu Á chưa được khai thác”. Ông có thể nói cụ thể hơn về tiềm năng của thị trường này?

- Ông Trần Phước Anh: Nhận định trên đúng theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Xét về vị trí địa lý chiến lược, Myanmar là nước Đông Nam Á lục địa có diện tích lớn nhất và nằm ở cửa ngõ chiến lược kết nối Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, kẹp giữa bởi hai cường quốc là Trung Quốc và Ấn Độ. Cả hai nước này đều muốn thâm nhập thị trường và phát huy ảnh hưởng tại Myanmar, và qua đó là cả khu vực Đông Nam Á.

Mỹ gần đây cũng điều chỉnh chính sách tăng cường sự hiện diện của mình tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và can dự tích cực hơn với Myanmar. Đối với các nước thành viên Asean, Myanmar cũng là một “bài toán” mà những chuyển biến tích cực gần đây ở Myanmar đã khiến cho “miền đất vàng - Golden Land” này trở nên hấp dẫn hơn, màu mỡ hơn.

Về điều kiện tự nhiên, Myanmar có diện tích gần 676.000 ki lô mét vuông, gấp đôi Việt Nam, với đường bờ biển dài gần 3.000 cây số. Diện tích đất nông nghiệp lên đến 23 triệu héc ta, mới khai thác hơn 10 triệu héc ta. Tài nguyên thiên nhiên tại Myanmar rất phong phú bao gồm: gỗ các loại, đặc biệt là gỗ teak với trữ lượng đứng đầu thế giới (có thể khai thác trong hơn 70 năm, hàng năm xuất khẩu khoảng 30.000 tấn), trữ lượng dầu khí xếp thứ 11 thế giới, khoáng sản, đá quý trong đó hồng ngọc và thạch ngọc nổi tiếng thế giới, thủy hải sản... Có người nói đùa chỉ ở Myanmar mới có chuyện tôm chết vì già (nhiều quá khai thác không hết).

Muốn đầu tư phải chuẩn bị 35 loại giấy tờ

Thủ tục xin phép đầu tư tại Myanmar hiện nay khá rườm rà và mất nhiều thời gian. Trước hết nhà đầu tư phải nghiên cứu dự án, ký hợp đồng thuê đất với cơ quan của chính phủ. Trước đây, theo quy định, nhà đầu tư chỉ được phép thuê đất của chính phủ, nhưng gần đây chính phủ đã cho phép thuê đất của tư nhân. Nếu có liên doanh với đối tác Myanmar thì phải ký hợp đồng liên doanh, lấy ý kiến của bộ ngành liên quan đến dự án đó. Nhà đầu tư phải chuẩn bị rất nhiều giấy tờ đi kèm (35 loại) để trình lên Ủy ban Đầu tư Myanmar. Theo Luật Đầu tư nước ngoài đang được chỉnh sửa, số lượng giấy tờ xin phép sẽ được giảm bớt và quy trình cũng được rút ngắn.

Xét ở góc độ kinh tế, Myanmar là một thị trường tiềm năng với khoảng 60 triệu người tiêu dùng, trong đó gần 34 triệu người trong độ tuổi lao động. Từng là thuộc địa của Anh nên Myanmar thừa hưởng ý thức chấp hành luật pháp rất nghiêm chỉnh. Người dân cơ bản có khả năng giao tiếp tiếng Anh tốt, hạ tầng giao thông đồng bộ. Bên cạnh đó, gần 90% dân số theo đạo Phật nên tính tình hiền lành, trung thực, có ý thức bảo vệ môi trường thiên nhiên.

Tuy nhiên, do bị cấm vận trong suốt hơn hai thập kỷ qua, nên nền kinh tế Myanmar có trình độ phát triển thấp, khả năng sản xuất còn rất hạn chế, chỉ đáp ứng khoảng 10-15% nhu cầu tiêu dùng trong nước. Đa số hàng tiêu dùng phải nhập khẩu từ Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ... Với những điều kiện thuận lợi và đặc thù nêu trên, và so sánh với các nước trong khu vực, thật không sai khi ví Myanmar là mảnh đất màu mỡ cuối cùng của châu Á chưa đuợc khai thác và đang chuẩn bị mở cửa đón một làn sóng các nhà đầu tư nước ngoài.

Kể từ khi thành lập chính phủ dân sự vào cuối tháng 3-2011, Chính phủ Myanmar đã thực thi nhiều chính sách đổi mới, mở ra những lĩnh vực tiềm năng về đầu tư và kinh doanh cho các nhà đầu tư nước ngoài. Vậy đâu là những lĩnh vực có thể thu hút doanh nghiệp Việt Nam?

- Chính phủ Myanmar đang có những sửa đổi trong Luật Đầu tư nước ngoài (ban hành từ tháng 11-1988) để phù hợp với tình hình mới. Luật này dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua vào cuối tháng 2-2012. Được biết tinh thần của những điều chỉnh này là tạo điều kiện thông thoáng hơn, thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài như kéo dài thời hạn miễn thuế, thời gian thuê đất, cho phép nhà đầu tư nước ngoài thuê đất tư nhân...

Theo thông tin từ cố vấn kinh tế của Tổng thống Myanmar, luật mới này sẽ tập hợp những ưu đãi tốt nhất từ luật đầu tư của các nước trong khu vực, thậm chí tốt hơn nhiều so với Luật Đặc khu kinh tế mà Chính phủ Myanmar đã ban hành vào đầu năm 2011.

Doanh nghiệp Việt Nam có thể đầu tư vào lĩnh vực nông lâm nghiệp (phát triển các giống lúa, cây ăn quả, trồng mía, cao su, xây dựng nhà máy chế biến nông sản...) hoặc lĩnh vực nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy hải sản để xuất khẩu. Myanmar có đến 8,2 triệu héc ta mặt nước sông hồ tự nhiên và kỹ thuật nuôi trồng, đánh bắt còn rất lạc hậu. Ngoài ra, doanh nghiệp trong nước còn có thể đầu tư vào lĩnh vực du lịch - dịch vụ hay sản xuất hàng tiêu dùng.

Ông có cho rằng doanh nghiệp Việt Nam đang chậm chân hơn các doanh nghiệp trong khu vực như Thái Lan, Trung Quốc? Liệu ta có ưu thế gì khi vào thị trường Myanmar?

- Đúng là Trung Quốc và Thái Lan từ lâu đã tiếp cận, nắm bắt cơ hội tại Myanmar và đang là hai đối tác đầu tư và thương mại lớn nhất của Myanmar. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn có những ưu thế riêng. Trước hết đó là mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa chính phủ và nhân dân hai nước. Trong chuyến thăm chính thức Myanmar vào tháng 4-2010 và tháng 12-2011 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, lãnh đạo hai nước đã nhất trí đẩy mạnh 12 lĩnh vực ưu tiên hợp tác bao gồm: nông nghiệp, cây công nghiệp, thủy sản, ngân hàng- tài chính, hàng không, viễn thông, dầu khí, khoáng sản, sản xuất thiết bị điện, lắp ráp ô tô, xây dựng, thương mại và đầu tư. Đây là nền tảng, điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tăng cường đầu tư thương mại tại Myanmar.

Trung Quốc dẫn đầu về đầu tư và thương mại ở Myanmar

Theo số liệu của Liên đoàn các Phòng Thương mại - Công nghiệp Myanmar, tính đến 31-1-2011, Trung Quốc đứng đầu danh sách các nước đầu tư vào Myanmar với 9,6 tỉ đô la Mỹ, kế đến là Thái Lan với 9,56 tỉ đô la. Việt Nam đứng thứ 22 với 23,64 triệu đô la (nếu kể các dự án được cấp phép gần đây tổng vốn đầu tư của Việt Nam đạt gần 500 triệu đô la Mỹ).

Về thương mại, trong năm 2010, Trung Quốc dẫn đầu với 5,3 tỉ đô la Mỹ, kế đến là Thái Lan với 3,6 tỉ. Việt Nam xếp thứ 9 với 160 triệu đô la (năm 2011 là 168 triệu đô la).

Thứ hai, xuất phát điểm về mở cửa kinh tế của hai nước có một số điểm tương đồng như bị cấm vận kinh tế, đất nước còn nghèo, lạc hậu, phát triển dựa trên nông nghiệp và xuất khẩu là chính. Tuy nhiên các doanh nghiệp Việt Nam đã có một khoảng thời gian đi trước và có những kinh nghiệm nhất định trong thời kỳ đầu đổi mới.

Ngoài ra, đặc thù nền kinh tế Myanmar là dựa vào lực lượng các doanh nghiệp nhỏ và vừa, bước đầu cũng tập trung phát triển các ngành sử dụng nhiều lao động để giải quyết công ăn việc làm và nhận chuyển giao công nghệ. Đây là những điểm mà các doanh nghiệp Việt Nam đã trải qua và có nhiều lợi thế xét về vốn, công nghệ cũng như kinh nghiệm thực tiễn.

Thứ ba là uy tín của Việt Nam về thành tựu đổi mới và phát triển kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp cũng là một ưu thế cho doanh nghiệp Việt Nam. Myanmar đặc biệt ưu tiên hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp.

Theo ông, doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng những ưu thế trên như thế nào và cần lưu ý những gì khi làm ăn tại Myanmar?

- Trước hết, doanh nghiệp cần tìm hiểu thông tin về tình hình chung của Myanmar, về thị trường, pháp luật liên quan đến sản phẩm hay lĩnh vực đầu tư mình quan tâm. Những thông tin này có thể tìm kiếm qua Internet, Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar, các kỳ hội chợ hoặc thông qua các chuyến đi nghiên cứu thị trường, xúc tiến thương mại đầu tư tại Myanmar.

Doanh nghiệp phải xác định được lĩnh vực đầu tư, sản phẩm thích hợp, chọn đối tác và có bước tiếp cận phù hợp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần tìm hiểu phong tục tập quán của nước sở tại, những điều nên và không nên trong đầu tư kinh doanh tại Myanmar. Mặc dù hai nước có nhiều điểm tương đồng, nhưng vẫn tồn tại một số điểm khác biệt trong suy nghĩ, cách thức tổ chức, văn hóa bản địa... Chẳng hạn như giờ giấc làm việc, chiêu đãi, văn hóa quà tặng, cách thức liên hệ...

Ngoài ra, kinh nghiệm tại địa bàn cho thấy để làm ăn bền vững tại Myanmar, các doanh nghiệp cần phải có kế hoạch lâu dài, bài bản, có lợi cho đôi bên, và ở một chừng mực nào đó phải kiên nhẫn. Hay nói cách khác, đầu tư kinh doanh tại Myanmar không thể đánh nhanh rút gọn nếu không muốn để lại những hệ quả không mong muốn sau này.

Do vẫn bị cấm vận kinh tế, các doanh nghiệp cần lưu ý những công ty, tập đoàn Myanmar đang bị cấm vận, phong tỏa tài sản như: Htoo Trading, Asia World, Zaykabar, Kambawza, Dagon, Max Myanmar, Yuzana...Bên cạnh đó, hạ tầng viễn thông tại Myanmar còn kém, do đó việc liên lạc với bên ngoài khá khó khăn.

Theo Chiến Thắng

TBKTSG

cucpth

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên