MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bệnh viện cao cấp hút vốn FDI

Việt Nam là địa chỉ rất tốt để đầu tư vào y tế, nhưng nhà đầu tư nước ngoài quan tâm chủ yếu đến những dự án bệnh viện cao cấp, phục vụ đối tượng có mức thu nhập khá trở lên.

Những cuộc xúc tiến, thăm dò

Tại một hội thảo về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) do Báo Đầu tư tổ chức mới đây, bà Trần Thị Lệ Hằng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư xây dựng và môi trường (ICEC) đã đến dự cùng với hai nhà đầu tư đến từ Đức. Hai nhà đầu tư này mạnh về vốn, nhân lực và đang tìm kiếm cơ hội đầu tư vào ngành y tế Việt Nam.

Chưa tiết lộ kế hoạch cụ thể, song ông Michael Sprotte, Giám đốc TSB Technology Systems Business AG, một trong hai nhà đầu tư cho biết: “Chúng tôi nhắm đến thị trường Hà Nội và TP.HCM, nơi tập trung nhiều người có mức thu nhập khá. Chúng tôi đang trong quá trình thương thảo và đã làm việc với một số đối tác để có thể góp vốn đầu tư xây dựng bệnh viện. Tôi hy vọng có thể triển khai kế hoạch trong thời gian sớm nhất”.

Tương tự, ông Matthias Deters, Tổng giám đốc MMS International (chuyên quản lý, vận hành bệnh viên, đào tạo nhân sự trong ngành y tế) tiết lộ: “Nếu mọi việc suôn sẻ, chúng tôi sẽ có 2 dự án bệnh viện tại TP.HCM và 1 tại Hà Nội. Chúng tôi sẽ đầu tư những gì ngành y tế Việt Nam đang thiếu và yếu”.

Cũng liên quan đến lĩnh vực này, 12 doanh nghiệp ngành y tế có tên tuổi của Pháp, trong đó có Alliance International & Partners, Amplitude, Laboratoire Cevidra… vừa có chuyến thăm dò, tiếp cận thị trường Việt Nam. Với hơn 100 cuộc gặp gỡ trực tiếp với đại diện Việt Nam, các doanh nghiệp Pháp đã giới thiệu về công nghệ, dịch vụ và kinh nghiệm của mình với đối tác Việt Nam.

“Tuy các đoàn doanh nghiệp Pháp có nhận định chung rằng, thời điểm này chưa thích hợp để bỏ vốn đầu tư các nhà máy sản xuất trang thiết bị y tế tại Việt Nam, vì trước mắt, họ muốn đẩy mạnh kênh bán thiết bị y tế, thực hiện dự án tư vấn thiết kế xây dựng bệnh viện với đối tác Việt Nam, song việc thăm dò được coi là bước đệm cho những dự án đầu tư trong tương lai”, bà Trịnh Thị Minh Ngọc, tùy viên thương mại ngành y tế của Cơ quan đại diện thương mại Pháp tại Việt Nam (Ubifrance Vietnam) cho biết.

Nhắm đến phân khúc cao cấp

Hiện nay, một bộ phận người dân Việt Nam có mức thu nhập cao có xu hướng đi khám chữa bệnh ở Singapore, Trung Quốc, Hồng Kông hoặc Thái Lan. Bộ Y tế ước tính, mỗi năm có hơn 30.000 người Việt Nam ra nước ngoài khám chữa bệnh, với tổng chi phí hơn 1 tỷ USD.

Vậy nên, nhiều nhà đầu tư tìm đến thị trường Việt Nam và họ chủ yếu quan tâm tới phân khúc bệnh viện cao cấp, phục vụ các đối tượng là người nước ngoài làm việc ở đây, kiều bào về nước hoặc người dân trong nước có mức thu nhập khá trở lên. Ở phân khúc này, khách hàng mới có thể chi trả mức viện phí bình quân trên 10 triệu đồng/ngày.

Bẹânh viện FV (Phú Mỹ Hưng, quận 7, TP.HCM) là một ví dụ. “Với tổng vốn đầu tư hơn 60 triệu USD, FV bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 3/2003. Nhưng phải 4 năm sau, FV mới bắt đầu có lãi và tình hình kinh doanh trở nên sáng sủa hơn. Dự kiến, năm nay, FV tiếp nhận hơn 230.000 bệnh nhân, đạt doanh thu gần 40 triệu USD, tăng 5 triệu USD so với năm 2011”, ông Jean Marcel Guillon, Tổng giám đốc FV cho biết.

Có thể nói, trong lĩnh vực y tế, sau thị trường Singapore và Trung Quốc, các nhà đầu tư nước ngoài đang nhắm đến thị trường Việt Nam. Trong đó, Tập đoàn Parkway sẽ đầu tư Bệnh viện quốc tế Thành Đô (quận Bình Tân, TP.HCM), vốn đầu tư khoảng 80 triệu USD, dự kiến vận hành trong quý I/2013, với 319 giường bệnh. Bệnh viện đặt mục tiêu phục vụ hơn 60.000 bệnh nhân nội trú và ngoại trú trong năm đầu hoạt động, sau đó sẽ tăng lên gấp đôi vào năm 2014.

Theo chủ đầu tư, sau khi bệnh viện đầu tiên đi vào hoạt động, nếu điều kiện thuận lợi, họ sẽ triển khai xây dựng bệnh viện thứ hai trong năm 2013.

Như vậy, dù luồng vốn FDI vào y tế còn rất khiêm tốn (theo Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến tháng 2/2012, chỉ có 73 dự án đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực y tế và trợ giúp xã hội, với tổng vốn đăng ký hơn 1 tỷ USD), nhưng các mô hình bước đầu hoạt động hiệu quả như trên đang khiến các nhà hoạch định chính sách Việt Nam kỳ vọng nhiều hơn vào chất lượng dòng vốn FDI trong giai đoạn mới, khi FDI được khuyến khích phát triển lâu dài và bình đẳng với các thành phần kinh tế khác.

“Việc thu hút FDI cần tập trung vào một số lĩnh vực ưu tiên, trong đó, các ngành dịch vụ có giá trị cao, tiềm năng lớn như y tế, giáo dục, đào tạo cũng sẽ được ưu tiên, khuyến khích thu hút đầu tư”, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết.

Theo Hải Yến - Anh Hoa

Bao dau tu

cucpth

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên