MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các nhà đầu tư vẫn dè dặt trước Myanmar

28-03-2012 - 09:52 AM | Tài chính quốc tế

Việc Myanmar nổi lên với tư cách con hổ kinh tế tiếp theo của châu Á mới chỉ là tiềm năng hơn là thực tế. Chưa nhiều cơ hội thực sự khi cơ sở vật chất hạn chế sau 6 thập kỷ bị cô lập.

Ông Tony Picon, Phó giám đốc hãng môi giới bất động sản Colliers International Thái Lan cho biết "Mỗi ngày, hết đoàn đại biểu này tới đoàn đại biểu khác đến, và không ai đặt tiền lên bàn. Cộng đồng doanh nghiệp đang thăm Myanmar nên trung thực thừa nhận rằng" Chúng tôi chỉ quan sát, chúng tôi sẽ không mua” và ngừng tạo ra ảo tưởng cho chính quyền địa phương."

Trở ngại đầu tiên đối với các nhà đầu tư là lệnh trừng phạt duy trì bởi Mỹ và châu Âu đối với đầu tư vào Myanmar, hàng hóa nhập khẩu từ nước này cũng như những giới hạn hoạt động tài chính. Thêm nữa, những hạn chế đối với dòng vốn, thiếu một thị trường chứng khoán phát triển, môi trường pháp lý chưa được kiểm chứng và cơ sở hạ tầng thô sơ cũng là những nhân tố ngăn cản các nhà đầu tư đổ tiền vào nước này.

Ông Luc de Waegh, người sáng lập của công ty tư vấn kinh doanh West Indochina, nhà tư vấn đã giúp thành lập British American Tobacco Myanmar vào năm 1993, cho biết: "Đó là một thị trường khó khăn, một thị trường nhỏ, nơi mà người dân không có nhiều thu nhập. Tương lai thì tươi sáng lắm, nhưng hiện tại thì vẫn chẳng có nhiều tiền ở đó. "

Cơ hội tại đất nước của 64 triệu dân là rõ ràng. Myanmar có tổng diện tích đất đứng thứ hai ở Đông Nam Á chỉ sau Indonesia, với trữ lượng phong phú đồng, vàng và đá quý. Nằm giữa Ấn Độ và Trung Quốc, nước này nằm trên đường giao thương giữa châu Âu và Đông Á.

Tập đoàn Chevron của Mỹ, Total của Pháp và Petroliam Nasional Bhd của Malaysia đã vào nước này để khái thác trữ lượng khí ngoài khơi. Mặc dù vậy, một diện tích lớn mặt nước của quốc gia này vẫn chưa được khám phá, cho thấy tiềm năng lớn hơn nhiều so với con số ước tính bằng 1/8 trữ lượng của Malaysia bởi BP Statistical Review.

Theo ước tính của Qũy tiền tệ Quốc tế IMF, hiện tổng thu nhập quốc nội (GDP) trên đầu người của Myanmar vào khoảng 2,25 USD/ngày, chỉ bằng1/2 Việt Nam và 14% của Thái Lan. Nomura Holdings Inc trong báo cáo ngày 14/3 cũng cho biết cứ 30 người thì mới có 1 người có một điện thoại di động và số lượng người được tiếp cận với Internet thậm chí còn ít hơn.

Quốc gia này mới chỉ thu hút khoảng 800.000 khách du lịch trong năm 2010, bằng 1/20 nước láng giềng Thái Lan, trong khi hàng trăm km đường bờ biển ngồi chưa phát triển. Theo số liệu của Collier International, tổng chi phí thuê văn phòng tại Yangon chỉ bằng 1/3 chi phí thuê văn phòng tại Empire Tower, tòa nhà văn phòng lớn nhất Bangkok.

Tuy nhiên, chế độ chính trị quân chủ vẫn là mối lo ngại lớn đối với các nhà đầu tư. Biến cố chính trị cùng việc quốc hữu hóa tài sản tư nhân đã biến một nền kinh tế được ngân hàng thế giới đánh giá “có nhiều nhân tố của sức mạnh” trong năm 1960 thành một vũng lầy của khu vực Đông Nam Á.

Tổng thống Thein Sein, người đã lên nắm quyền sau cuộc bầu cử năm 2010, hiện đang tiến hành các biện pháp nới lỏng kiểm soát đối với nền kinh tế, động thái được IMF đánh giá có thể đưa Myanmar thành "nền kinh tế sơ khai tiếp theo tại châu Á”.

Dự thảo luật đầu tư nước ngoài dự kiến được đưa ra sẽ kéo dài thời gian miễn thuế cho các doanh nghiệp nước ngoài lên tới 8 năm thay vì 3 năm như hiện tại. Các biện pháp thu hút khác cũng đang được tính đến như nới lỏng các quy định quốc hữu hóa, tăng cường hạn ngạch đối với việc làm địa phương, cũng như bãi bỏ các hạn chế tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư ngoại trong doanh nghiệp nội.

Ngân hàng nước ngoài cũng sẽ được cho phép đầu tư vào Myanmar từ năm 2015, trong khi các nhà chức trách đang cố gắng loại bỏ cơ chế đa tỷ giá.

Đại diện của Standard Charter khu vực Nam Á Neeraj Swaroop cho biết ngân hàng này cũng đang chờ đợi lệnh trừng phạt được xóa bỏ để đầu tư vào Myanmar.

"Vẫn còn quá sớm để kết luận. Chúng tôi sẽ vẫn phải chờ đợi trước khi đưa ra một cam kết chính thức. Tuy nhiên, ngân hàng sẽ đi theo khách hàng. Mà khách hàng của chúng tôi chắc chắn sẽ đầu tư vào khi những vấn đề được dần tháo gỡ."

Standard Chartered có lý do để thận trọng. Trước đây, một chi nhánh của hãng tại Myanmar đã từng nằm trong số hơn một chục ngân hàng bị quốc hữu hóa vào năm 1963, khi quân đội nước này nắm quyền kiểm soát hầu hết các ngành công nghiệp lớn.

Lan Hương

huongtd

Bloomberg

Trở lên trên