MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Danh sách đen” cổ phiếu sẽ dài thêm

Cổ phiếu trong “danh sách đen” hầu hết đều là những cổ phiếu thuộc các ngành bị tác động mạnh bởi suy thoái, như chứng khoán, bất động sản, vận tải, vật liệu xây dựng, cáp…

Khi doanh nghiệp tuần tự công bố kết quả kinh doanh năm 2011 cũng là lúc danh sách cổ phiếu bị “gọi tên” xuất hiện thêm nhiều tên tuổi mới.

Điểm mặt, gọi tên

Từ tháng 3/2012 trở lại đây, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội đã liên tục ký các quyết định, đưa một loạt cổ phiếu vào diện cảnh báo. Có thể kể ra các tên như Kỹ nghệ Đô Thành (DTT), Chứng khoán BIDV (BSI), Intresco (ITC), Chứng khoán Rồng Việt (VDS), Công ty Đầu tư Tài chính quốc tế và phát triển doanh nghiệp (IDJ), Việt Hàn (VHG), Đầu tư - Phát triển Sacom (SAM), Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), Sông Đà 6.06 (SSS)…

Tính chung, số cổ phiếu ở diện cảnh báo đã lên tới hơn 30 mã. Nếu gộp thêm các cổ phiếu bị kiểm soát, như Chứng khoán Bảo Việt (BVS), Chứng khoán Hải Phòng (HPC), Tribeco (TRI), Dược Cửu Long (DCL), Cadovimex (CAD), Basa (BAS) hay cổ phiếu bị tạm ngừng giao dịch, thì “danh sách đen” trên thị trường chứng khoán cũng xấp xỉ con số 50. Dự báo, khi các doanh nghiệp hoàn tất báo cáo tài chính kiểm toán năm 2011, “danh sách đen” sẽ còn dài thêm.

Lý do khiến các cổ phiếu bị “gọi tên” chủ yếu là do kinh doanh thua lỗ. Một số trường hợp như Vận tải Biển Việt Nam (VOS), Giao thông 584 (NTB), Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (ITA), Chế biến Xuất nhập khẩu Thủy sản Cà Mau (CMX) Mirae (KMR), Hoàng Quân (HQC), Xuất nhập khẩu Lâm thủy sản Bến Tre (FBT) bị cảnh báo là do doanh nghiệp vi phạm quy định công bố thông tin, như chậm nộp báo cáo tài chính quý IV/2011… Riêng Công ty cổ phần Đầu tư và Dịch vụ Hoàng Huy (HHS) bị cảnh báo từ ngày 5/4 vì lý do khá lạ: không đủ 100 cổ đông nắm tối thiểu 20% cổ phần có quyền biểu quyết.

Cơ hội nào cho doanh nghiệp “thoát án”?

Không ai muốn doanh nghiệp mình bị liệt vào“danh sách đen”, bởi uy tín bị suy giảm và doanh nghiệp sẽ khó khăn hơn trong huy động vốn, vay vốn ngân hàng… Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp, việc bị “gọi tên” không đáng sợ bằng bế tắc trong tìm đường “thoát án”.

Chẳng hạn, Công ty cổ phần Container Việt Nam (VSG) tìm mọi cách mà vẫn không thoát lỗ. Theo ông Cáp Trọng Tuấn, Tổng giám đốc VSG, nguyên nhân là do giá thuê tàu bình quân 2010-2011 chỉ còn bằng 45% thời kỳ 2007-2008, trong khi chi phí cho vận hành tàu (dầu, nhớt, sửa chữa) tăng. Chưa kể, VSG chịu áp lực từ lãi vay khi 77% vốn đầu tư đội tàu phải đi vay và chịu rủi ro tỷ giá với khoản lỗ từ chênh lệch tỷ giá năm 2011 là 14,2 tỷ đồng. Vì thế, năm 2012, VSG dự kiến lỗ 59,3 tỷ đồng và có khả năng sẽ bị hủy niêm yết.

Có thể thấy, cổ phiếu trong “danh sách đen” hầu hết đều là những cổ phiếu thuộc các ngành bị tác động mạnh bởi suy thoái, như chứng khoán, bất động sản, vận tải, vật liệu xây dựng, cáp… Do đó, triển vọng ngành là một trong những cơ sở quan trọng để đo đếm tính khả thi của những giải pháp mà doanh nghiệp đưa ra.

Chẳng hạn, khi thị trường bất động sản năm 2012 dự báo vẫn chưa hết khó, viễn cảnh lãi 205 tỷ đồng mà SAM vạch ra, với nguồn thu chủ yếu từ bất động sản trở nên đáng ngờ. Hay như lợi nhuận năm 2012 của ITC sẽ phụ thuộc vào khả năng hoàn nhập khoản dự phòng giảm giá dự án ở Intresco Tower và khả năng bán được hàng tại 2 dự án trọng điểm (Intresco Tower và Long Thới).

Với các công ty chứng khoán, một kịch bản có lãi nhờ hoàn nhập dự phòng, cơ cấu danh mục đầu tư và đẩy mạnh dịch vụ đang được tính tới. Tuy nhiên, phần lớn công ty chứng khoán trong “danh sách đen” như AVS, VDS, HPC, BSI, SVS đều thuộc “chiếu dưới”, nên cơ hội để các công ty chứng khoán đẩy mạnh lợi nhuận từ dịch vụ là không dễ.

“Cửa” chỉ thực sự mở với những cổ phiếu bị cảnh báo, kiểm soát không vì lý do thua lỗ. HHS chỉ cần bán bớt cổ phần, đảm bảo cổ đông bên ngoài nắm 20% cổ phần có quyền biểu quyết là có thể “thoát án”. Cơ hội cũng được xác định “dễ thở” hơn cho những doanh nghiệp mới vi phạm lần đầu, ở mức độ nhẹ.

Theo Ngọc Thủy

Báo Đầu tư

phuongmai

Từ Khóa:
Trở lên trên