MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

VP Bank: Tăng vốn để thành đối tượng đi sáp nhập, không bị sáp nhập

24-04-2012 - 14:36 PM | Tài chính - ngân hàng

Năm 2012, VPBank sẽ tăng vốn lên 5.770 tỷ đồng. Đến cuối quý I/2012, dư nợ cho vay/huy động khách hàng thị trường một đã dưới 90%. HĐQT chưa có kế hoạch niêm yết cổ phiếu VP Bank.

Sáng ngày 24/04/2012 Đại hội cổ đông thường niên năm 2012 của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng – VP Bank đã tiến hành thành công. Đại hội đồng cổ đông đã thống nhất thông qua tất cả các tờ trình trình tại đại hội.

Trả cổ tức bằng CP giữ tiền cho Ngân hàng

Năm 2011, VP Bank đạt 1.064 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế hợp nhất, vượt 2% kế hoạch năm và tăng 60% so với năm 2010. Trong đó, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng mẹ đạt 974 tỷ đồng, AMC hợp nhất đạt lợi nhuận trước thuế 5,5 tỷ đồng, Chứng khoán VPBS đạt 85 tỷ đồng.

Tổng huy động vốn đạt 71.059 tỷ đồng, tăng 146% so với cùng kỳ năm trước, trong đó huy động tiết kiệm đạt 18.345 tỷ đồng, tiền gửi thanh toán và tiền gửi khác 11.068 tỷ đồng.

Đối với hoạt động tín dụng đầu tư, VP Bank cho biết do đặc thù là ngân hàng bán lẻ, phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh và đời sống của doanh nghiệp SME, vì vậy tỷ trọng dư nợ cho vay đối với cá nhân (vay mua nhà, mua ôto, tiêu dùng khác) chiếm tỷ trọng rất lớn. Phần lớn các khoản cho vay phi sản xuất nói trên là loại cho vay trung và dài hạn. Vì vậy, trong thời gian tới VPBank sẽ điều chỉnh tỷ trọng cho vay phi sản xuất về mức yêu cầu của NHNN.

ĐHĐCĐ đã thông qua mức cổ tức năm 2011 bằng CP tỷ lệ 13,46%. Cổ đông đề nghị VP Bank nên chia cổ tức năm 2011 bằng tiền, nhưng VPBank cho biết: Ngân hàng là môt doanh nghiệp đặc biệt, trong đó chỉ tiêu quy mô, an toàn vốn đóng vai trò rất quan trọng.  

Vì sao năm nào VP Bank cũng đưa ra chính sách trả cổ tức bằng cổ phiếu mà không bằng tiền? Ở góc độ quản lý, vốn phải tăng theo lộ trình để đáp ứng yêu cầu vốn. Thêm vào đó, chiến lược tái cấu trúc hệ thống ngân hàng Việt Nam trong đó giai đoạn I sẽ sáp nhập 9 ngân hàng nhỏ bé, giai đoạn II là các ngân hàng phải tự sáp nhập vào nhau. 

Khi VP Bank có quy mô lớn sẽ được thuộc đối tượng đi sáp nhập, chứ không phải bị sáp nhập. Điều này đồng nghĩa nhu cầu tăng vốn của VP Bank là liên tục và cần thiết  khi mà VP Bank muốn trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu của Việt Nam.

Ngoài ra, trả cổ tức bằng tiền ngay lập tưc ngân hàng mất đi một khỏa tiền, trong khi trả cổ tức bằng CP ngân hàng không mất tiền, vốn lại tăng lên. Ngoài ra trả cổ tức bằng cổ phiếu, cổ đông không bị mất thuế - đối với ngân hàng,  cổ đông nhận cổ tức bằng tiền sẽ bị mất thuế kép. Khi cổ đông nhận cổ tức bằng cổ phiếu cổ đông có thể bán và được giá cao hơn.

Kế hoạch nợ xấu dưới 3%

Năm 2012, VP Bank sẽ củng cố, hoàn thiện rõ nét cấu trúc hệ thống mới, đảm bảo hoạt động an toàn hiệu quả, thông suốt, hỗ trợ đắc lực cho các hoạt động kinh doanh và; thúc đẩy quá trình cá biệt hóa trong xây dựng các chính sách kinh doanh, chính sách khách hàng với 3 phân nhóm khách hàng: cá nhân, doanh nghiệp SME, khách hàng lớn.

VP Bank cũng sẽ mở rộng thêm mạng lưới 70 điểm nếu được NHNN cho phép.

Năm 2012, VP Bank sẽ tăng vốn điều lệ lên 5.770 tỷ đồng từ chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 13,46% và thưởng cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 0,79%. Dự kiến tháng 6/2012 sẽ hoàn thành tăng vốn. Vốn tăng thêm sẽ được bổ sung mở rộng kinh doanh, đầu tư vào tài sản cố định, xây dựng cơ bản và phát triển mạng lưới, đầu tư hệ thống tin học.  

Năm nay, tỷ lệ nợ xấu tăng lên mức 3%, đại diện VP Bank cho biết: Gần đây Ngân hàng Nhà nước đã cho phép các ngân hàng được giãn nợ, cơ cấu lại nợ đối với các khoản nợ xấu. Với tình hình như hiện nay, chúng tôi dự báo nợ xấu chung của toàn ngành sẽ tăng. Vì vậy, chỉ tiêu nợ xấu 3% là một mức khá thách thức với VP Bank, buộc Ban điều hành phải nỗ lực cố gắng kiểm soát chặt chẽ tỷ lệ trong mức cho phép.

Đại diện VP chia sẻ thêm: Việc thắt chặt tín dụng sẽ khiến cho nhiều khách hàng bình thường lâm vào tình trạng khó khăn chưa nói đến các khách hàng không mạnh tài chính. Thêm vào đó, lãi suất vay của các doanh nghiệp đang có xu hướng giảm dần, nhưng với mức lãi suất 20% năm 2011, doanh nghiệp khó tránh khỏi khó khăn. Doanh nghiệp gặp khó khăn tạo ra khó khăn chung cho cả nền kinh tế, tỷ lệ nợ xấu tăng lên là không tránh khỏi.

Riêng VP Bank có lợi thế, khoản vay là khách hàng nhỏ lẻ, phân tán rất nhiều, khách hàng vay có tài sản đảm bảo. Vì vậy, chủ trương của VP Bank là không gây sức ép lên khách hàng, cùng hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn này.

Dư nợ cho vay/ huy động khách hàng thị trường I (LDR) giảm nhẹ nhưng vẫn ở mức cao khoảng 98%. Đại diện VP Bank chia sẻ: rõ ràng đây là vấn đề rủi ro thanh khoản cho tất cả các ngân hàng, riêng VP Bank đã cải thiện đáng kể qua các năm. HĐQT và Ban điều hành đã xác định đây là một chỉ tiêu cơ bản, sắp tới đây NHNN có quy định tỷ lệ này dưới 80% và VP Bank đang hướng đến con số này.

“Đến cuối quý I/2012, dư nợ cho vay/huy động khách hàng thị trường một của VP Bank đã dưới 90% cho thấy con số này ngày càng được cải thiện”- Đại diện VP Bank đánh giá. Kế hoạch 2012 nếu đạt được thì LDR sẽ dưới 80% đảm bảo quy định NHNN và sự phát triển bền vững của ngân hàng.
 
HĐQT chưa có kế hoạch niêm yết cổ phiếu VP Bank. Tuy nhiên, khi nhìn thấy cơ hội, thời điểm chín muồi cho việc niêm yết CP, HĐQT sẽ trình xin ý kiến ĐHĐCĐ thông qua.

Chỉ số lợi nhuận/vốn năm 2011 đã giảm so với năm 2010, do trong năm VP đã tăng vốn, tốc độ tăng vốn nhanh hơn tốc độ tăng trưởng lợi nhuận.

Một số chỉ tiêu chính năm 2012:

Chỉ tiêu

Năm 2011

Kế hoạch 2012

% tăng/giảm so năm trước

Tổng tài sản

82.818 tỷ đồng

110.00 tỷ đồng

+33%

Huy động vốn

29.412 tỷ đồng

46.000 tỷ đồng

+56%

Dư nợ tín dụng

29.184 tỷ đồng

33.562 tỷ đồng

+15%

Tăng trưởng tín dụng

15%

15%

0%

Lợi nhuận trước thuế

1.064 tỷ đồng

1.300 tỷ đồng

+22,18%

Cổ tức

13,46%



Tỷ lệ an toàn vốn

11,94%

>9%


Nợ xấu (nhóm 3-5)

1,82%

< 3%


Vốn điều lệ

5.050 tỷ đồng

5.770 tỷ đồng

+14,26%


Q. Nguyễn

quynhnn

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên