MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Lãi suất nhiều khả năng giảm tiếp vào cuối tháng 5"

09-05-2012 - 01:44 AM | Tài chính - ngân hàng

Theo ông Võ Trí Thành, Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh việc giảm lãi suất, cộng với các điều kiện vĩ mô ổn định, lãi suất nhiều khả năng tiếp tục giảm.

Quan trọng nhất là phải cải thiện niềm tin

Phát biểu tại hội thảo kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán năm 2012 do công ty chứng khoán KimEng tổ chức chiều 8/5, TS Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương đánh giá, trong những nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp mà Chính phủ sắp ban hành, sẽ có 3 nhóm giải pháp quan trọng nhất.

Thứ nhất là hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp. Với lãi suất, hiện Ngân hàng Nhà nước đã áp trần lãi suất cho vay với 4 lĩnh vực, tuy nhiên, theo ông Thành, việc áp trần lãi suất này chỉ có thể duy trì trong 5 - 6 tháng do vấp phải trở ngại là "đạo đức" trong ngành ngân hàng.

Về điều kiện tiếp cận vốn, Ngân hàng Nhà nước cũng tạo điều kiện cho ngân hàng và doanh nghiệp gặp nhau để cơ cấu lại nợ, bảo lãnh doanh nghiệp.

Thứ hai, sẽ thực hiện giãn, miễn và giảm thuế trong năm 2012 với các doanh nghiệp. Ông Thành nhận định, gói hỗ trợ 29.000 tỷ đồng mà sắp tới Chính phủ trình Quốc hội là thực sự cần thiết trong thời gian này, nhằm giúp hỗ trợ chi phí cho doanh nghiệp hoạt động sau giai đoạn dài trì trệ. Đồng thời, giúp nâng cao lòng tin của các nhà đầu tư về tình hình ổn định của nền kinh tế sau khi hệ thống ngân hàng đã bộc lộ điểm yếu trong những tháng cuối năm 2011 và đầu năm 2012.

Thứ ba, Chính phủ sẽ có nhưng giải pháp cải thiện niềm tin của thị trường. Theo ông Thành, đây là việc làm rất quan trọng khi mà vòng quay của đồng tiền hiện rất chậm. "Trước đây, 1 đồng trong 1 năm quay được 2,25 đồng, nay 1 đồng trong 1 năm chỉ quay được khoảng 1 vòng. Do vậy, nếu cải thiện được lòng tin thì sẽ giúp cho dòng tiền quay nhanh hơn, giúp nền kinh tế vượt qua giai đoạn trì trệ", ông nói.

Rất nhiều tín hiệu ủng hộ thị trường chứng khoán

Nhận định về tình hình thị trường chứng khoán thời gian tới, ông Thành cho hay sẽ có nhiều tín hiệu ủng hộ thị trường.

Về chính sách, từ đầu năm đến nay, các cơ quan Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quan trọng nhằm cải tổ và hỗ trợ thị trường như việc Thủ tướng đã ký 2 Quyết định 252 và 253 phát triển thị trường chứng khoán, Ủy ban chứng khoán cho biết từ 4/9 sẽ áp dụng T+3...

Đặc biệt, kinh tế vĩ mô có nhiều dấu hiệu cho thấy sự đi lên, thể hiện ở 3 yếu tố.

Thứ nhất là tốc độ tăng trưởng. Quý I, tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 4%, trong khi đó theo dự báo của HSBC hay ADB, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2012 khoảng 5,1% hoặc 5,7%. "Với số liệu dự báo như trên, kinh tế các quý sau chắc chắn phải tốt lên", ông Thành nhận định.

Thứ hai, mặc dù kinh tế quý I trì trệ, tồn kho tăng tuy nhiên có 1 số yếu tố đã bắt đầu tốt lên từ tháng 4 như chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,1% so với cùng kỳ (so với mức tăng 5 - 6% của các tháng trước đó), tín dụng 4 tháng vẫn tăng trưởng âm khoảng 1% nhưng tháng 4 đã có dấu hiệu tăng trở lại. Sau khi xuất siêu quý I, tháng 4 cả nước bắt đầu nhập siêu, đây là dấu hiệu tốt cho thấy bắt đầu nhập máy móc, sản xuất tăng trở lại....

Thứ ba, vốn trái phiếu Chính phủ mới phân chia xong từ cuối quý I (giai đoạn 2012- 2015 là 180 nghìn tỷ đồng, riêng năm 2012 là 45 nghìn tỷ đồng), do vậy từ tháng 5 này bắt đầu giải ngân nhanh. Đây sẽ là cú hích nhỏ cho nền kinh tế, ông Thành nhận định.

Bên cạnh đó, làn sóng mua bán - sáp nhập và cổ phần hóa năm nay dự báo sẽ rất phát triển cũng sẽ thúc đẩy dòng tiền đổ vào thị trường.

Tuy nhiên, ông Thành cũng cảnh báo vẫn còn tín hiệu tiêu cực có thể ảnh hưởng tới thị trường như rủi ro về nợ xấu, quá trình tái cấu trúc và lòng tin của nhà đầu tư.

"Tháng 7 và tháng 8, sau khi đã có trong tay các số liệu kinh tế vĩ mô của 6 tháng đầu năm, các nhà hoạch định Chính sách có thể đưa ra một số điều chỉnh về chính sách điều hành cho nửa cuối năm và đây là cơ hội cho thị trường chứng khoán", vị chuyên gia này phát biểu.

Bên lề, ông Thành cho hay, trong tháng 5 này, 5 - 8 ngân hàng yếu kém được xử lý về mặt thành khoản tốt hơn nữa, lạm phát tháng 5 dưới 10% (ông Thành nhận định lạm phát cuối tháng 5 có thể dưới 9,5%) thì rất nhiều khả năng cuối tháng 5 và đầu tháng 6 lãi suất có thể hạ một lần nữa.

Theo DVT

hangnt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên