MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Giải phẫu” dòng tiền chạy khỏi các ngân hàng châu Âu

21-05-2012 - 14:34 PM | Tài chính quốc tế

Sau cuộc đại suy thoái 1930 với sự sụp đổ của Bank of America, Cơ quan bảo hiểm tiền gửi liên bang được thành lập nhằm bảo vệ tất cả các khoản tiền gửi. Eurozone có thể học được gì từ điều này?

Rõ ràng là đang có hiện tượng “bank run” – người gửi đột nhiên ồ ạt rút tiền khỏi các ngân hàng ở eurozone. Trước đây, hiện tượng này diễn ra khá chậm và kéo dài, nhưng giờ đây chính thức trở thành một “cuộc chạy đua”. Cuối tuần trước, những dấu hiệu tăng lên nhanh chóng đến nỗi cần có sự phản ứng ngay lập tức của các nhà hoạch định chính sách. 

Bất cứ chuyên gia kinh tế nào đã từng biết đến nguồn gốc của cuộc Đại suy thoái năm 1930 ở Mỹ đều lo ngại về hiện tượng này. Sự sụp đổ của Bank of United States vào tháng 12 năm 1930 dẫn đến sự biến mất của tiết kiệm tư nhân 2 năm sau đó và lực cầu của nền kinh tế bị sụp đổ hoàn toàn. 

Milton Friedman và Anna Schwartz đã đi đến kết luận sự sụp đổ này phần lớn là do lỗi của Fed do không thể cung cấp đủ thanh khoản để giữ được chức năng của các ngân hàng. Sau sự kiện này, FDIC – Cơ quan bảo hiểm tiền gửi liên bang được thành lập với mục đích đảm bảo với tất cả người gửi tiền rằng các khoản tiết kiệm của họ sẽ không bị lâm vào tình trạng nguy kịch. Eurozone có thể học được gì từ điều này?

Nguy cơ tiền bị rút ồ ạt ra khỏi ngân hàng là đặc tính cố hữu của  bất kỳ hệ thống ngân hàng nào. Các ngân hàng có được các khoản tiền gửi ngắn hạn của khách hàng và sau đó lại cho vay dài hạn. Quá trình chuyển đổi kỳ hạn này được cho là chức năng chính của ngân hàng, nhưng cũng đem lại rủi ro nếu người gửi tiền muốn rút một lượng tiền lớn trong 1 lúc trong khi ngân hàng không có đủ nguồn tiền để đáp ứng được nhu cầu này.

Điều này có thể khiến người gửi tiền ồ ạt rút tiền bởi lo ngại nếu đợi đến cuối ngày thì sẽ bị mất toàn bộ số tiền của mình. Số lượng người gửi tiền ở các ngân hàng Hy Lạp đã giảm 1/3 kể từ năm 2010 đến nay. Lượng người gửi tiền ở Ireland và gần đây là Tây Ban Nha cũng đã giảm xuống. Khách hàng chuyển tiền đến nơi an toàn hơn, đặc biệt là các ngân hàng của Đức. Có thể nhìn thấy sự khác biệt rõ rệt trong bảng dưới đây:


Ngân hàng trung ương giải quyết vấn đề này bằng cách cung cấp đủ thanh khoản cho các ngân hàng để đảm bảo khách hàng có thể rút tiền bất cứ lúc nào. Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đã cố gắng hết khả năng để làm việc này. Xét về khía cạnh này, ECB đã thành công trong vai trò là người cho vay cuối cùng của cả hệ thống. 

Tuy nhiên, eurozone không phải là một quốc gia đơn nhất, mặc dù khu vực có 1 ngân hàng trung ương duy nhất. Điều này dẫn đến 2 hệ lụy. Thứ nhất, sự lo sợ của người gửi tiền ở các nước ngoại biên không chỉ đơn giản là lo sợ về sự sụp đổ của 1 ngân hàng. Thay vào đó, họ lo ngại rằng các nền kinh tế chủ chốt của eurozone sẽ tan vỡ. Hơn nữa, nguyên nhân của cuộc tháo chạy này là do lo ngại về rủi ro tỷ giá. Khó có thể giải quyết tình trạng này bởi không thể đảm bảo tỷ giá tương lai. Đức chắc chắn sẽ không muốn đứng sau bảo lãnh cho các công dân Hy Lạp và Tây Ban Nha nếu eurozone tan rã. 

Thứ hai, hiện tượng này làm phạm vi chuyển tiền giữa các quốc gia trong eurozone tăng lên nhanh chóng. Vì người gửi tiền rút tiền khỏi các ngân hàng Hy Lạp, ECB thay thế các khoản tiền này bằng các nghiệp vụ thanh khoản. Nếu đó đơn thuần chỉ là nghiệp vụ mua lại (repo) ví dụ như chương trình tái cấp vốn dài hạn (LTROs) trong tháng 12 và tháng 1, sau đó ECB chỉ việc trực tiếp gánh những rủi ro mà người gửi tiền Hy Lạp không muốn giữ. Nếu thanh khoản được bơm vào thông qua Quỹ hỗ trợ khẩn cấp (ELA), các ngân hàng chứ không phải ECB là người nắm rủi ro. Tuy nhiên, trong trường hợp eurozone tan rã, chỉ có ECB là bên chịu thiệt thòi.

Vấn đề ở đây là sự mất mát của ECB lớn hơn bất cứ nền kinh tế nào. Cho đến nay, ECB vẫn sẵn sàng bơm thanh khoản cho các ngân hàng ngoại biên. Nếu ECB không làm việc này, thậm chí ECB sẽ phải cung cấp cá gói cứu trợ với qui mô khổng lồ mới có thể bù đắp khoản tiền bị rút ra khỏi các ngân hàng. 


Như bảng trên, lượng tiền gửi tại ngân hàng của các nước ngoại biên lớn hơn nhiều lần so với khoản vay ECB và chính phủ. Chắc chắn Đức sẽ không thể tự gánh chịu những rủi ro lớn như vậy nếu lượng tiền bị rút tiếp tục tăng lên. 

Tại hội nghị G8 cũng đã có ý kiến đưa ra về việc thành lập quỹ bảo lãnh cho các khoản tiền gửi ngân hàng trên toàn eurozone.  Điều này có thể cải thiện tình hình, nhưng liệu có đủ để xóa bỏ lo ngại về rủi ro tỷ giá vẫn là vấn đề. Để giải quyết vấn đề, niềm tin vào sự nguyên vẹn của đồng euro cần phải được phục hồi. 

Thu Hương

huongnt

FT

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên