MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

CTCK đồng loạt hạ lãi vay margin, lãi suất vẫn quanh 20%/năm

Nếu dự thảo thông tư 27 được thông qua, việc tìm nguồn huy động vốn giá rẻ sẽ trở thành một bài toán nan giải đối với các CTCK.

Mặt bằng lãi suất cho vay margin khoảng 20%/năm

Cuối tháng 5/2012, hàng loạt công ty chứng khoán thông báo hạ lãi suất cho vay ký quỹ (margin) như CTCK Bảo Việt, CTCK Tân Việt, CTCP Đại Dương (OCS), CTCK FPTS…

Nhìn chung mặt bằng lãi suất cho vay margin hiện tại ở các CTCK ở mức 0,055%-0,06%/ngày, tương đương khoảng 19,7-22%/năm. Trước đó, vào năm 2011, lãi suất cho vay margin bình quân khoảng 22-24%/năm.

Lãi suất cho vay margin
LS/ngày LS/năm
BVSC 0,05% 18,50%
HSC 0,06% 21,6%
FPTS 0,055% 19,8%
KimEng 0,062% 22,3%
0,074% 26,6%
IVS 0,062% 22,3%
TVSI 0,058% 20,9%
VDSC 0,062% 22,3%
OCS 0,055% 19,8%
ACBS 0,055% 19,70%
BSC 0,056% 20%
VNDS 0,055% 19,80%

BVSC hiện là công ty có mức lãi suất cho vay margin thấp nhất thị trường với lãi suất 18,5%/năm. Tại các công ty như VNDS, ACBS, BSC, OCS áp dụng chung mức lãi vay là 0,055%/ngày (gần 20%/năm).

Tại CTCK KimEng, mức lãi suất khủng 0,074%/ngày, tương đương 26,6%/năm (tính theo 360 ngày), đây là mức cao nhất toàn thị trường áp dụng cho các khoản vay từ 3-6 tháng, với các khoản vay dưới từ 0-3 tháng áp dụng mức lãi vay 0,062%/ngày, tương đương 22,3%/năm.

Tuy nhiên thông thường không có nhiều NĐT đi vay margin mà lại “ôm” cổ phiếu qua một tháng. Bài học năm 2011 để lại cho thấy việc ôm cổ phiếu khi thị trường xuống để CTCK giải chấp cổ phiếu là tình trạng không một nhà đầu tư nào mong muốn. Vì vậy đa số các NĐT khi sử dụng margin đều muốn “đánh nhanh thắng nhanh”. Nhất là trong tình hình hiện nay thị trường biến động mạnh, chỉ cần sơ xảy một chút có thể mất lãi thậm chí lỗ nếu sử dụng margin chọn sai thời điểm.

Nỗi ám ảnh – dự thảo thông tư 27

Mặt bằng lãi suất đang có xu hướng giảm dần, dự báo cuối tháng tới trần lãi suất huy động sẽ được hạ xuống khoảng 10%/năm và lộ trình xuống 9%/năm trong năm nay. Đây là một thông tin tích cực với TTCK nói chung và các NĐT nói riêng bởi khi lãi suất hạ đồng nghĩa với việc các CTCK sẽ huy động được nguồn vốn rẻ hơn và lãi suất cho vay margin cũng sẽ giảm xuống.

Hiện tại các CTCK huy động nguồn vốn cho vay margin thường thông qua thặng dư vốn cổ phần hoặc vay các cá nhân tổ chức với mức lãi suất huy động trong năm 2011 vừa qua khoảng từ 14-17%/năm. Do đó, cho dù lãi suất huy động trên thị trường hạ xuống 11%/năm thì hiện tại các CTCK vẫn duy trì lượng tiền huy động lãi suất cao trước đây, và mặt bằng lãi cho vay margin hiện vẫn ở mức khoảng 20%/năm.

Sắp tới, nếu dự thảo sửa đổi thông tư 27 được thông qua, nguồn vốn cho các CTCK lại càng bị siết chặt hơn bởi theo Điều 42 dự thảo thông tư này, CTCK bị hạn chế vay nợ. Tỷ lệ tổng nợ trên vốn chủ sở hữu của CTCK không được vượt quá 3 lần và các CTCK chỉ được vay tiền từ các tổ chức tín dụng. Như vậy với những CTCK được ngân hàng mẹ đỡ lưng hoặc các CTCK có vốn chủ sở hữu lớn như SSI, VND, KLS, BVS, MBS không quá lo, còn đối với các CTCK có vốn chủ sở hữu từ 100-300 tỷ đồng, cơ cấu tỷ lệ nợ và tìm nguồn huy động vốn sẽ trở thành một bài toán đau đầu, nhất là trong bối cảnh chứng khoán vẫn đang nằm trong diện "không ưu tiên" cho vay vốn.

Trong khi đó, kinh doanh vốn đang trở thành nguồn thu chính cho hầu hết các CTCK. Khi doanh thu tự doanh bấp bênh theo thị trường, doanh thu môi giới gần như không đáng kể, chắc chắn các CTCK phải tìm ra giải pháp cơ cấu nguồn huy động giá vốn rẻ để có nguồn vốn cho vay NĐT.

Phương Mai

phuongmai

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên