MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tiếng than doanh nghiệp chưa dứt

19-06-2012 - 11:24 AM | Doanh nghiệp

Ngân hàng tuyên bố giảm lãi suất liên tiếp trong 3 tháng qua, về mức thấp nhất từ 2009, nhưng vốn giá rẻ chỉ đến với số ít doanh nghiệp thực sự khỏe mạnh.

Mở đầu câu chuyện của mấy doanh nhân rảnh việc lúc này vẫn là những cái lắc đầu ngao ngán, không làm thì khó duy trì cơ nghiệp và chẳng có tiền trả lương nhân viên, nhưng làm thì cứ bỏ ra đồng nào là mất tiêu đồng đó.

Ngân hàng tuyên bố giảm lãi suất liên tiếp trong 3 tháng qua, về mức thấp nhất từ 2009, nhưng vốn giá rẻ chỉ đến với số ít doanh nghiệp thực sự khỏe mạnh. Khát vốn nhất lúc này là những doanh nghiệp đang tồn kho lớn, muốn vay đảo nợ cũ và yên tâm tìm thị trường, tìm khách hàng để giải phóng hàng; hoặc những đơn vị mắc kẹt với dự án dở dang. Tuy nhiên, đây không phải là đối tượng ưu tiên cấp tín dụng của ngân hàng lúc này. Những doanh nghiệp lâu nay sống bằng vốn tự có, đi làm dịch vụ cho doanh nghiệp lớn hơn, giờ cũng phải co cụm mong qua bão.

"Từ đầu năm tới giờ chỉ có một hai hợp đồng ép cọc, máy móc nằm bãi, nhân viên về quê. Nhưng nếu có hợp đồng còn khốn khổ hơn, làm xong mấy tháng rồi mà họ chẳng thanh toán cho một xu", anh Hùng, Giám đốc một công ty chuyên xử lý móng cọc ở Hà Nội than thở.

Việc chính của anh những ngày này là cafe với mấy ông bạn cũng làm chủ doanh nghiệp và thất nghiệp như mình, và dành thời gian cho vợ con nhiều hơn. Tuần trước chủ đầu tư công trình khách sạn 5 sao ở Hà Nội bỗng dưng mời tới thanh toán một phần công nợ từ năm ngoái, rồi đặt vấn đề ký hợp đồng thi công tiếp, nhưng anh chỉ nhận tiền và tìm cách từ chối khéo.

"Còn vài chục tỷ thi công ở khu đô thị phía Đông Hà Nội chủ đầu tư chưa thanh toán cho tụi này. Lúc ký hợp đồng tưởng mình hời vì giá thi công cao, ai dè đến giờ họ cũng chưa bán được nhà nên khất nợ với mình", anh nói.

Không chỉ những công ty cỏn con như của anh Hùng mới lâm vào cảnh dở sống dở chết. Kinh tế vĩ mô bắt đầu phát tín hiệu khả quan, chỉ số sản xuất tăng trở lại, số doanh nghiệp giải thể - ngừng hoạt động giảm trong tháng 5 và tín dụng bắt đầu bớt âm. Nhưng thực tế, lãi suất vẫn cao, sức mua giảm, hàng tồn kho tăng... vẫn là những khó khăn đè nặng lên 'đôi vai' doanh nghiệp trong những tháng tới.

Đầu tư đến 2.000 tỷ đồng cho dự án Nhà máy giấy Mỹ Xuân 2 vào thời điểm năm 2007, Công ty cổ phần Giấy Sài Gòn đang rơi vào khó khăn vì gánh trên vai khoản trả nợ lãi vay ngày một lớn. Nếu như năm 2009 số lãi phải trả xấp xỉ 45 tỷ đồng thì năm 2010 vọt lên 60 tỷ đồng, năm 2011 là 80 tỷ đồng và dự kiến năm 2012 là 200 tỷ đồng. Số tiền lãi phải trả cho ngân hàng ngày một lớn vì lãi suất từ 12% một năm (2007) đã vọt lên 22-24% vào cuối năm 2011.

"Công ty đã liên hệ với ngân hàng để xin khoanh nợ, giảm lãi cho khoản vay cũ nhưng ngân hàng vẫn chưa trả lời", đại diện này nói.

Nhiều doanh nghiệp hiện nay vẫn chưa thoát khỏi khó khăn. Ảnh: Lệ Chi

Trong khi đó, Công ty gas Thành Tài trước đây cũng vay ngân hàng số tiền lớn để đầu tư đổi mới máy móc thiết bị, mở rộng sản xuất với lãi suất 19%. Nay sau khi đàm phán với ngân hàng để giảm lãi vay cho khoản cũ, thì các nhà băng chỉ cho điều chỉnh xuống 17%. Theo lãnh đạo Thành Tài, trong bối cảnh hiện nay, đơn vị ông thật sự không thể kiếm được đủ số tiền lời đủ trả tiền lãi như trên. Giờ chúng tôi phải tìm mọi cách tiết giảm tối đa chi phí để mong có đủ tiền trả lãi vay", lãnh đạo công ty này than thở.

Giám đốc phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ Võ Hùng Dũng cũng cho hay, hiện khó khăn về vốn, chi phí đầu vào gia tăng... nên cứ 10 hộ nuôi trồng thủy hài sản trên địa bàn thì có đến 7-8 nơi ngưng hoạt động. "Hiện nay nhiều lao động bỏ việc ở thành thị về nông thôn, nhưng không khéo với tình hình này, lao động nông thôn lại kéo ngược hết lên thành phố tìm việc thì khổ", ông Dũng lo lắng.

Trong khi đó, ông Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP HCM thông tin, TP HCM hiện có khoảng 120.000 doanh nghiệp, quy mô vừa và nhỏ (vốn dưới 10 tỷ đồng) và phần lớn số này đang gặp rất nhiều khó khăn do chi phí đầu vào tăng cao, nhất là nguyên nhiên vật liệu nhập khẩu.

Ngoài ra, ông Hưng cho hay, tính đến đầu tháng 6, tồn kho hàng hóa gia tăng mạnh. Trong đó, chỉ số tồn kho của ngành chế biến và bảo quản rau quả tăng tăng 123,2%, sản xuất các sản phẩm khác từ plastic tăng 89,1%, sản xuất các sản phẩm khác từ kim loại đúc sẵn tăng 62,8%, sản xuất xi măng tăng 52%...

"Cần phải hạ lãi vay xuống 12% một năm thì doanh nghiệp mới mong duy trì được sản xuất", ông nhấn mạnh.

Nhìn nhận thực trạng trên, ông Bùi Tấn Tài, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB) cho rằng, đình trệ sản xuất không thể đổ tất cả cho ngân hàng. Theo ông, khó khăn hiện nay của doanh nghiệp là bí đầu ra và hàng hóa tồn kho nhiều, chính những điều này cũng là một áp lực kinh doanh đối với các ngân hàng.

Ông tâm sự, ACB cũng đang rất khó khăn trong việc đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng trong tình hình hiện nay. Những hồ sơ vay mới hiện nay chủ yếu là của những khách hàng cũ vay lại. Còn đối với những khách hàng đang quan hệ mà sản xuất trì trệ thì khả năng mở rộng sản xuất kinh doanh là rất hạn chế. "Lãi suất cho vay cũ cao nay khách hàng đòi giảm ngay xuống 14-15% mỗi năm là rất khó", ông Tài lý giải.

Lãnh đạo Ngân hàng An Bình (ABBank) cho biết, những khách hàng cũ của ngân hàng hiện rất khó khăn, họ chưa có phương án kinh doanh hiệu quả hơn do hàng tồn kho còn nhiều, kinh doanh trì trệ dẫn đến nợ quá hạn ngân hàng… Do vậy, nhà băng khó hỗ trợ đảo nợ và ngân hàng cũng đang muốn biết quy định, quy trình cụ thể về đảo nợ như thế nào cho đúng.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Nhung, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Xuất Nhập Khẩu (Eximbank) cho hay, khó khăn của doanh nghiệp không phải do ngân hàng mà còn có trách nhiệm của nhiều ban ngành khác như: thuế, môi trường, thủ tục, đất đai…

Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM ông Nguyễn Ngọc Thắng cho biết, theo số liệu thống kê gần đây, doanh nghiệp ngừng sản xuất kinh doanh, giải thể, phá sản nguyên nhân do sản xuất kinh doanh thua lỗ chiếm 61,5%, do thiếu vốn chiếm 28,6%, không tiêu thụ được sản phẩm chiếm 4,8%, còn lại là các nguyên nhân khác.

"Hiện nay nhiều doanh nghiệp đang kêu thiếu vốn và khó tiếp cận vốn vay ngân hàng. Chúng tôi đã yêu cầu các nhà băng điều chỉnh lãi suất giảm hợp lý với chủ trương của Ngân hàng Nhà nước làm sao vừa đảm bảo lợi ích của ngân hàng và giúp doanh nghiệp có vốn phát triển", ông Thắng chia sẻ.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định, bức tranh kinh tế hiện nay vẫn là màu xám, chứ không phải màu hồng. Con số về lạm phát giảm là do sức mua suy yếu, nhập siêu giảm là do bị tắc nghẽn sản xuất nên doanh nghiệp không nhập nguyên liệu về nhiều. "Một khi doanh nghiệp hiện nay không muốn nhập nguyên liệu về sản xuất thì có nghĩa là mấy tháng tới kinh tế vẫn chưa thể sáng lên", bà Lan lưu ý.

Chung quan điểm, Tiến sĩ Cao Sĩ Kiêm, Nguyên thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, nền kinh tế Việt Nam đang có dấu hiệu suy giảm, đời sống một bộ phận người dân đang bị giảm sút và tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp.

Với bối cảnh còn nhiều khó khăn như vậy, Tiến sĩ Kiêm nhận xét, Việt Nam không thể chỉ tập trung giải quyết vấn đề tình thế và trước mắt mà còn phải đưa ra những giải pháp có tính lâu dài hơn.

Kết quả trưng cầu ý kiến độc giả từ ngày 16/6 đến 9h30 ngày 19/6.

Kết quả trưng cầu ý kiến độc giả từ ngày 16/6 đến 9h30 ngày 19/6.

Kết quả thăm dò ý kiến độc giả VnExpress từ 16/6 cho thấy, hơn 85% ý kiến cho rằng kinh tế hiện nay còn rất khó khăn. Trong khi đó, 14,1% ý kiến lạc quan cho rằng kinh tế đã qua thời điểm khó khăn nhất hoặc đang phục hồi.

Theo Lệ Chi - Song Linh

VnExpress

thanhhuong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên