MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Singapore soán ngôi Thụy Sĩ trở thành thiên đường cho các công ty giao dịch hàng hóa

24-06-2012 - 11:12 AM | Tài chính quốc tế

Thuế thấp, các qui định pháp lý thân thiện với doanh nghiệp và dân chủ – đó là những yếu tố giúpThụy Sĩ thu hút các công ty hàng hóa đa quốc gia. Tuy nhiên, có vẻ như điều này đang thay đổi.

Vị trí quán quân của Thụy Sĩ đang bị đe dọa bởi Singapore. Một trong những diễn biến mới nhất là việc Trafigura – công ty giao dịch hàng hóa lớn thứ 3 thế giới – hồi tháng trước công bố đang chuyển dịch trung tâm giao dịch tới quốc đảo Singapore. 

Vậy điều gì đã tạo nên sức hấp dẫn của Singapore? Một trong những lý do quan trọng nhất là nước này nằm ở vị trí trung tâm của châu Á – châu lục đang chứng kiến sự bùng nổ mạnh mẽ nhu cầu về nguyên liệu thô. Quốc đảo này nằm gần rất nhiều thị trường hàng hóa vật chất chủ chốt. 

Tuy nhiên, Singapore cũng đánh bại Thụy Sĩ trên một khía cạnh khác – thuế. Theo Benjamin Knowles, cộng tác viên tư vấn tại công ty giao dịch hàng hóa Clyde & Co, không còn nghi ngờ gì nữa, Singapore đang trở nên hấp dẫn hơn Thụy Sĩ xét về góc độ thuế. Theo số liệu từ hãng kiểm toán KPMG, trong 5 năm qua, thuế thu nhập doanh nghiệp ở đây đã xuống mức từ 3% đến 17%. Trong khi đó, thuế ở Thụy Sĩ luôn luôn được giữ ổn định ở mức trên 21%. 

Tuy nhiên, đó mới chỉ là phần nổi của tảng băng. Điều thực sự thu hút các nhà giao dịch quốc tế là mức mà họ có thể thỏa thuận. Theo nguồn tin trong ngành, rất khó để các công ty mới hoạt động có thể thỏa thuận thuế xuống dưới mức 10 – 12% vốn thường được áp dụng cho các công ty lớn tại Thụy Sĩ. Trong khi đó, các nhà giao dịch có thể dễ dàng có được mức thuế 5 – 10% ở Singapore thông qua chương trình nhà giao dịch toàn cầu (Global Trader Programme). Được bắt đầu áp dụng từ năm 2001, chương trình này đã nhiều lần được mở rộng để thu hút các nhà đầu tư. Thu nhập từ các giao dịch phái sinh cũng được đưa vào chương trình này kể từ năm 2011 và đây chính là nhân tố chính khiến Trafigura chuyển đến Singapore. 

Một điểm yếu khác của Thụy Sĩ chính là nước này phải đối mặt với áp lực ngày càng gia tăng từ phía châu Âu buộc nước này phải kiểm soát gắt gao các vụ trốn thuế. Tập đoàn tư vấn Boston trong một nghiên cứu vừa được công bố trong tháng này đã nhận định áp lực này đang khiến các công ty đa quốc gia có trụ sở đặt tại Geneva và Vaud lo lắng. 2 bang này bị cảnh báo sẽ phải thực hiện các cuộc kiểm toán liên bang gắt gao nhằm tìm ra các công ty trốn thuế sau vụ trốn thuế trị giá tới 221,75 triệu USD của hãng Vale đến từ Brazil. 

Vị trí địa lý, chi phí sống, đồng franc và phong cách sống cũng là những điểm bất lợi của Thụy Sỹ. Năm ngoái, đồng franc Thụy Sỹ đã tăng 20% chỉ trong một vài tháng do khủng hoảng nợ eurozone lên đến đỉnh điểm. Mặc dù đã được áp mức trần vào tháng 9 năm ngoái, đồng tiền này vẫn phải chịu áp lực tăng giá. 

Trong khi giá nhà ở tăng lên là vấn đề của tất cả các nước, lợi thế về chi phí sống ở mức thấp giúp Singapore trở nên hấp dẫn. Frederic, một chuyên gia giao dịch dầu mỏ đã chuyển đến sinh sống ở Singapore từ năm 2011 và mang theo cả gia đình. Anh cho biết tất cả mọi người ở công ty anh đều muốn chuyển đến đây. 

Mặt khác, Singapore có lực lượng người bản địa được đào tạo bài bản có thể đáp ứng yêu cầu đối với các vị trí giao dịch và hỗ trợ. Trong khi đó, theo Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), “lực lượng lao động không được đào tạo thỏa đáng” là một trong những nhân tố bất lợi đối với các doanh nghiệp khi hoạt động tại Thụy Sĩ.

Để đối phó với tình trạng này, Thụy Sĩ cũng đã có những nỗ lực đáng ghi nhận. Đại học Geneva đang triển khai các chương trình sau đại học các ngành giao dịch thương mại quốc tế, tài chính trong giao dịch hàng hóa và vận tải nhằm tăng nguồn nhân lực chất lượng cao. Đồng thời, các biện pháp cải cách thuế cũng được xem xét. 

Anh Thư

huongnt

Reuters

Trở lên trên