MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gần 60% các DN niêm yết có thể có khó khăn thanh khoản

Duy trì một tỷ lệ nợ cao, các DN niêm yết gặp khó khăn ngay cả trong trả lãi chứ chưa nói đến trả nợ gốc.

Điều này thể hiện ở chỉ số khả năng trả lãi (EBIT/Lãi vay) của các DN đã xấu đi nhiều trong năm 2011 và đặc biệt trong quý I/2012.

Thanh khoản tiếp tục yếu dần

Đi sâu phân tích khó khăn tài chính của gần 700 doanh nghiệp (DN) niêm yết, TS. Nguyễn Trọng Nghĩa – Học viện Chính sách và Phát triển cho rằng, khả năng thanh toán nợ ngắn hạn - chỉ số quan trọng đo lường sức khỏe của DN đang có nhiều vấn đề cần phải lưu tâm. Nhìn chung các DN niêm yết của Việt Nam ngày càng khó khăn hơn trong việc đáp ứng các khoản nợ ngắn hạn. Hai chỉ số thanh toán hiện hành và chỉ số thanh toán nhanh đều có xu hướng giảm trong những năm gần đây và giảm mạnh hơn trong hai quý vừa qua.

Mặc dù bình quân của các chỉ số thanh khoản này đều đạt tiêu chuẩn (chỉ số thanh toán hiện hành >2 và chỉ số thanh toán nhanh >1). Tuy nhiên, khi đi sâu vào phân tích từng DN, kết quả cho thấy thanh khoản của các DN niêm yết thực sự có vấn đề.

Trong năm 2011 và quý I/2012, theo tiêu chuẩn của chỉ số thanh toán nhanh, có gần 60% các DN niêm yết có thể có khó khăn thanh khoản, con số này lên đến 70% cho chỉ số thanh toán hiện hành. “Hàng tồn kho là nguyên nhân quan trọng gây ra khó khăn thanh khoản của DN”, ông Nghĩa nhận định.

Nhận định này là khá chuẩn xác bởi một khi hàng tồn kho tăng mạnh, sẽ khiến DN bị mất cân đối trong thu – chi. Thực tế cũng cho thấy hàng tồn kho là vấn đề lớn đối với DN khi tổng cầu của nền kinh tế suy giảm. Điều này phản ánh rất rõ trong năm 2011 khi số ngày tồn kho tăng mạnh (100 ngày) so với năm 2010 và số lượng DN dư thừa hàng tồn kho chiếm gần 45% trong tổng số DN niêm yết được khảo sát.

Một yếu tố khác làm cho thanh khoản của DN niêm yết yếu dần là thời gian thu tiền bán hàng của các DN chậm hơn rất nhiều, ở mức 103 ngày năm 2011 so với 75 ngày năm 2010, trong khi thời gian phải trả cho người bán không được tăng tương ứng. Hậu quả là các DN bị mất cân đối trong thu – chi. Số lượng DN bị mất cân đối thu – chi rất cao trong những năm gần đây, khoảng 66%, và có xu hướng tăng dần.

Ông Nghĩa cho rằng, quá phụ thuộc vào vốn vay, khó khăn trong thanh toán lãi vay ngày càng tăng. Sử dụng đòn bẩy giúp DN tăng lợi nhuận khi kinh doanh thuận lợi. Tuy nhiên, trong bối cảnh tổng cầu thấp tồn kho lớn thì việc đòn bẩy tài chính quá lớn lại là mối đe dọa không những làm giảm lợi nhuận mà còn có khả năng làm cho DN phá sản vì mất khả năng thanh toán. Các DN niêm yết khảo sát có hệ số sử dụng đòn bẩy rất cao, trên 50% của tổng tài sản và gấp hai lần vốn chủ sở hữu trong những năm gần đây. Điều này cho thấy các DN Việt Nam quá phụ thuộc vào nguồn vốn vay. Xét theo chuẩn đòn bẩy thì khoảng gần 60% các DN niêm yết sử dụng vốn vay lớn hơn mức an toàn, con số này tăng dần trong thời gian gần đây.

Chính sách nào cho DN

Duy trì một tỷ lệ nợ cao, các DN niêm yết gặp khó khăn ngay cả trong trả lãi chứ chưa nói đến trả nợ gốc. Điều này thể hiện ở chỉ số khả năng trả lãi (EBIT/Lãi vay) của các DN đã xấu đi nhiều trong năm 2011 và đặc biệt trong quý I/2012. Các DN có khả năng gặp khó khăn trong trả lãi tăng mạnh từ 18% năm 2010 lên 40% năm 2011 và vọt lên 70% vào quý I/2012.

Để tránh nền kinh tế rơi vào bẫy thanh khoản, các chuyên gia kinh tế cho rằng, Chính phủ cần thực hiện tổng thể các giải pháp để kích tổng cầu, giải phóng hàng tồn; khi đó mới có thể kích thích nhu cầu vay vốn của DN. Theo đó, chính sách tài khoá cần theo đuổi mục tiêu miễn giảm, lùi thuế. Nên giảm thuế TNDN về mức 20% để kích thích đầu tư sản xuất. Tăng chỉ tiêu vào các lĩnh vực có độ lan toả rộng như nông nghiệp, xây dựng cơ bản, y tế xã hội… Nới lỏng điều kiện sở hữu tài sản của người nước ngoài nhằm kích cầu tài sản, đặc biệt là bất động sản, cổ phiếu… Hiện lợi nhuận của các DN trong những năm qua rất thấp. Tỷ suất sinh lời trên vốn đầu tư (ROIC) trung bình trong giai đoạn từ 2008-2011 chỉ khoảng 11,62%. Như vậy lãi suất huy động ở mức 8-9%/năm đã là hợp lý, song cần kéo mức lãi suất cho vay về khoảng 11-12%/năm.

Bên cạnh đó, theo TS. Nguyễn Trọng Nghĩa, Chính phủ cũng cần có chính sách giúp các DN tạm thời khó khăn đáp ứng được các điều kiện vay vốn của ngân hàng. Khuyến khích xuất khẩu, hỗ trợ mở rộng thị trường đối với hàng hoá trong nước, đặc biệt là các lĩnh vực có tồn kho lớn. Cùng với đó, là thúc đẩy sự ra đời của các sàn giao dịch hàng hoá, hỗ trợ phát triển TTCK và trái phiếu giúp các DN có thể huy động vốn dài hạn giá rẻ hơn nhằm tái cấu trúc cơ cấu vốn của DN.

Ngoài ra, Chính phủ cần có định hướng giải quyết vấn đề nợ xấu của hệ thống ngân hàng để vừa giải quyết bài toán thanh khoản, vừa tăng khả năng cho vay của các ngân hàng. Theo đó, cần phân loại nợ xấu bằng cách đưa đơn vị độc lập vào thực hiện, sau đó tổ chức bán đấu giá công khai các khoản nợ, tiếp tục M&A các ngân hàng yếu, nâng cao tỷ lệ sở hữu của nước ngoài đối với cả ngân hàng và các DN. Quan trọng hơn, cần quy định rõ hơn chức năng của hệ thống ngân hàng để đưa các NHTM về đúng vị trí của nó là tài trợ vốn lưu động.

Khả năng phá sản của các DN ở mức báo động đã lên đến 83% các DN được khảo sát.

Tính đến quý I/2012, 60% các DN không đủ điều kiện vay vốn ngân hàng, chưa tính đến các điều kiện khác như tài sản đảm bảo, phương án khả thi…

Nghiên cứu của nhóm tác giả Học viện Chính sách và Phát triển


Theo Minh Anh
Thời báo ngân hàng

phuongmai

Trở lên trên