MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thế giới đang cận kề với "đại suy thoái mới"

17-07-2012 - 15:38 PM | Tài chính quốc tế

Đây là nhận định được Richard Duncan, tác giả cuốn sách “The New Depression” (tạm dịch: Cuộc suy thoái mới) đưa ra trong buổi trả lời phỏng vấn trên đài truyền hình CNBC.

Theo ông, kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu, nguy cơ của một cuộc suy thoái mới – một cuộc suy thoái trầm trọng và dai dẳng – đã gieo rắc sự sợ hãi vào các thị trường ở các nền kinh tế phát triển.  

Duncan cho rằng khi mối liên kết giữa vàng và tiền bị phá vỡ, mọi sự ràng buộc trong quá trình tạo ra tín dụng đều biến mất. Bùng nổ tín dụng là một trong những đặc điểm nổi bật của thế giới này nay. Tuy nhiên, cho đến bây giờ, dường như tín dụng không thể tăng trưởng được nữa bởi khu vực tư nhân không còn khả năng trả nợ. Ngược lại, tín dụng sụt giảm thực sự là một mối nguy lớn đẩy thế giới vào một cuộc suy thoái mới. 

Trong những năm qua, các NHTW bao gồm Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed), NHTW châu Âu (ECB) và NHTW Anh (BoE) đã bơm một lượng tiền lớn vào hệ thống tài chính thông qua nhiều kênh khác nhau mà điển hình là chương trình nới lỏng định lượng (QE) của Mỹ và chương trình tái cấp vốn dài hạn (LTRO) của ECB. Theo Duncan, nếu như bong bóng tín dụng vỡ tung, khủng hoảng sẽ trầm trọng đến nỗi không ai có thể “sống sót” .

Theo Roger Nightingale, chuyên gia kinh tế và cũng là chiến lược gia tại RND Associates, thế giới chỉ có thể trì hoãn mà không thể ngăn chặn được một cuộc suy thoái mới. Thậm chí, động thái kích thích kinh tế còn tạo cơ hội cho những đầu cơ trục lợi. Nightingale lấy Nhật Bản làm dẫn chứng cho lập luận này. Tín dụng bùng nổ trong những năm 1980 chính là nguyên nhân khiến Nhật Bản lâm vào thời kỳ giảm phát dai dẳng như hiện nay. 

“Khi bơm một lượng tiền vượt quá nhu cầu thực sự của nền kinh tế, các chính phủ đều muốn người dân đẩy mạnh cho vay và đi vay. Tuy nhiên, những thành phần thực sự cần tiền sẽ không tham gia vào "cuộc chơi" bởi họ quá thận trọng,” Nightingale lý giải thêm.

Khi các NHTW nhận ra điều này, họ lại nâng lãi suất lên và kinh tế toàn cầu lún sâu vào suy thoái. Thêm vào đó, nợ của các chính phủ tăng lên khiến tổng nợ toàn cầu tăng, các nước lâm vào vòng luẩn quẩn “nợ - giảm phát”. 

Tuy nhiên, theo Duncan, chính phủ các nước phát triển cũng nên tận dụng lợi thế lãi suất thấp như hiện nay để tăng lượng tiền vay và đầu tư vào các công nghệ mới nhiềm tiềm năng như năng lượng tái tạo và kỹ thuật di truyền. Theo ông, chí ít thì các công nghệ này cũng có thể cải thiện cuộc sống của con người trong những năm tới. 

Anh Thư

huongnt

CNBC

Trở lên trên