MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ trưởng Vương Đình Huệ: Tổng cầu sẽ tăng trong 6 tháng cuối năm

“Tôi thấy thị trường bắt đầu xanh trở lại không phải là tự nhiên, mà hẳn nhà đầu tư đã cảm nhận được sẽ có những thay đổi tích cực trong nền kinh tế”.

Bên lề Lễ trao giải Báo cáo thường niên tốt nhất 2012 mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ đã có trao đổi với ĐTCK về một số yếu tố tác động đến TTCK trong 6 tháng cuối năm 2012. Theo Bộ trưởng, 6 tháng cuối năm, TTCK sẽ có tác động tích cực của chính sách vĩ mô mà Chính phủ sẽ thực hiện để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Ngoài việc thực hiện Nghị Quyết 13 của Chính phủ và Nghị quyết của Quốc hội về miễn, giảm thuế để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ thị trường, Bộ trưởng cho rằng, tổng cầu dự kiến trong 6 tháng cuối năm 2012 sẽ tăng đáng kể. Để rộng đường dư luận, ĐTCK xin giới thiệu một số lý giải của Bộ trưởng về nhận định này.

Thứ nhất, giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản 6 tháng đầu năm mới chỉ đạt 34%, điều này có nghĩa 6 tháng cuối năm còn 66% khối lượng chi đầu tư xây dựng cơ bản. Đối với trái phiếu chính phủ, con số giải ngân 6 tháng còn cao hơn, chiếm 77,3%. Ước giải ngân mỗi tháng trong quý III, quý IV chi tiêu công là 21.500 tỷ đồng.

Thứ hai, tổng cầu sẽ tăng thêm khoảng 30.000 tỷ đồng vốn ứng trước kế hoạch năm 2013 cho các dự án sử dụng vốn trái phiếu phủ, cũng như vốn xây dựng cơ bản từ Ngân sách Nhà nước. Chính phủ đã quyết định các dự án có tính cấp bách về nhu cầu sử dụng, có khả năng hoàn thành trong năm 2012 và 2013, nên sẽ xem xét đưa vào danh mục ứng trước. Tổng cầu tăng thì thanh khoản của nền kinh tế sẽ tốt hơn.

Thứ ba, chủ trương của Ngân hàng Nhà nước đưa lãi suất các khoản vay cũ xuống 15%/năm, nếu làm được trên thực tế sẽ rất tốt. Có ý kiến nói rằng, đây là sự chuyển dịch đơn thuần về số học, lợi nhuận của khu vực ngân hàng chuyển sang khu vực sản xuất, nhưng tổng lợi nhuận của nền kinh tế không thay đổi.

Điều đó là đúng. Nhưng theo tôi, khi lợi nhuận dịch chuyển như thế sẽ tạo ra động lực lan tỏa trong khu vực sản xuất. Từ lượng sẽ chuyển thành chất. Một số doanh nghiệp từ lỗ, nay giảm được chi phí đầu vào sẽ có lãi, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp sẽ khá hơn.

Thứ tư, về hạn mức tăng trưởng tín dụng cả năm hầu như vẫn còn nguyên. Nếu mỗi tháng tín dụng tăng được khoảng 1,5 - 2% thì nền kinh tế cũng được cung cấp một lượng vốn rất lớn.

Doanh nghiệp kinh doanh khá hơn nhờ chi phí giảm, tổng cầu được cải thiện giúp giảm hàng tồn kho… thì tác động tích cực nhất là công ty niêm yết và TTCK. Đây là những yếu tố tác động tốt cho TTCK cả trong ngắn hạn và dài hạn, nhà đầu tư sẽ quan tâm tới các công ty niêm yết. Tôi thấy thị trường bắt đầu xanh trở lại không phải là tự nhiên, mà hẳn nhà đầu tư đã cảm nhận được sẽ có những thay đổi tích cực trong nền kinh tế.

Cũng cần nói thêm về việc tăng tổng cầu trong 6 tháng cuối năm hoàn toàn nằm trong giới hạn về chi tiêu công và hạn mức tăng trưởng tín dụng, nên sẽ không tăng áp lực lạm phát trong năm 2013. Điều này cũng tạo điều kiện cho việc ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.

Theo Thu Hương

ĐTCK

phuongmai

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên