MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kinh tế thị trường sẽ bị thay thế bởi chủ nghĩa tư bản nhà nước?

24-07-2012 - 11:52 AM | Tài chính quốc tế

Sự thành công của Trung Quốc và các tập đoàn nhà nước hùng mạnh như Gazprom của Nga hay China Mobile của Trung Quốc là minh chứng hùng hồn về sự nổi lên của chủ nghĩa tư bản nhà nước.

Ngày 26/12/1992, một năm sau khi Liên minh Xô Viết sụp đổ và nước Nga chuyển sang mô hình chủ nghĩa tư bản kiểu Mỹ, tờ Economist đã có bài viết cho rằng cả thế giới đã thống nhất không có mô hình nào có thể thay thế chủ nghĩa tư bản dựa trên thị trường tự do.

Kể từ khi xuất hiện vào giữa thế kỷ 19, Economist đã trở thành kênh tuyên truyền hệ tư tưởng thị trường tự do mà nổi bật là lý thuyết bàn tay vô hình và nhiều thứ khác. Tuy nhiên, trong một báo cáo đặc biệt về chủ nghĩa tư bản nhà nước (state capitalism) được đưa ra hồi tháng 1 vừa qua, Economist đã phải thú nhận rằng “chiến thắng vẻ vang của thị trường tự do đã đến lúc phải chấm dứt.” 

Chủ nghĩa tư bản tự do ở Anh và Mỹ không chỉ đang chao đảo với các cuộc khủng hoảng từ sâu trong nội tại gây ra bởi các nhà tài phiệt không được quản lý chặt chẽ. Giờ đây, mô hình này đang đối mặt với nguy cơ bị thay thế bởi một mô hình khác đầy tiềm năng: chủ nghĩa tư bản nhà nước. Đây là mô hình đang rất thành công ở Trung Quốc và ở các tập đoàn hùng mạnh như Gazprom của Nga, China Mobile của Trung Quốc, DP World của Dubai hay Emirates Airline của UAE.

Theo một bài báo được đăng tải trên Businessweek mới đây, ở các nền kinh tế đang phát triển, chủ nghĩa tư bản nhà nước – mô hình trong đó nhà nước sở hữu hoặc đóng vai trò chủ đạo trong các doanh nghiệp – đang dần thay thế chủ nghĩa tư bản thị trường tự do. 

Theo bài báo, từ năm 2004 đến 2009, 120 công ty thuộc sở hữu nhà nước đã lọt vào danh sách các tập đoàn lớn nhất thế giới được Forbes công bố. Trong khi đó, 250 công ty tư nhân đã phải rời khỏi bảng xếp hạng này. 

Đã có những dấu hiệu cảnh báo sớm về kịch bản này. Cuộc cải cách mang đến nhiều tai họa được nước Nga thực hiện trong những năm 1990 đã dẫn đến tình trạng tài nguyên thiên nhiên bị chiếm dụng bởi những nhà tài phiệt. Nước Nga rơi vào nghèo đói và nền kinh tế bị tổn thương nghiêm trọng. Tình trạng này chỉ chấm dứt khi Tổng thống Vladimir Putin đứng lên khôi phục lại sự can thiệp của nhà nước vào những ngành có tính chất chiến lược. 

Theo Economist, bài học rút ra được từ nước Nga chính là điều đã thuyết phục các vị lãnh đạo của Trung Quốc rằng họ cần phải kết hợp sự can thiệp của nhà nước vào các doanh nghiệp tư nhân để có thể thành công. Mô hình này đã được phát triển thành công ở Singapore dưới thời Lý Quang Diệu.

Thực tế là ý tưởng nhà nước đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế và phân phối thu nhập đã trở nên phổ biến ở khắp nơi trên thế giới trong suốt 2 thế kỷ gần đây. Liên minh New Deal của cựu Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt thậm chí đã đưa mô hình này vào hệ thống chính trị chủ đạo của nước Mỹ. 

Sẽ là một thiếu sót lớn nếu như đánh giá chủ nghĩa tư bản nhà nước mà không nghiên cứu về kinh tế Nhật Bản. Chính phủ Nhật Bản can thiệp rất sâu vào quá trình xây dựng các ngành công nghiệp trong nước cũng như tìm kiếm thị trường ở nước ngoài cho các doanh nghiệp. Kết quả Nhật Bản đã vươn lên từ một nước đang phát triển trở thành nước phát triển.

Thành công của Nhật Bản tạo nên làn sóng ở khắp châu Á. Cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Chung Hee trong một bài trả lời phỏng vấn các nhà báo Mỹ đã tiết lộ ông đã áp dụng mô hình chủ nghĩa tư bản của Nhật Bản và tạo ra tốc độ tăng trưởng thần kỳ của Hàn Quốc.

Tuy nhiên, không phải không có những người phản đối mô hình này. Trong một cuốn sách nghiên cứu về kinh tế các nước Đông Á, tác giả James Fallows đã chỉ ra rằng về bản chất thì nhà nước đang ngăn cản tăng trưởng. Trong khi đó, Alice Amsden, chuyên gia kinh tế đến từ đại học MIT, lại lập luận rằng những kẻ “sinh sau đẻ muộn” của quá trình công nghiệp hóa (như Ấn Độ, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil) không có sự lựa chọn nào khác là bắt buộc phải can thiệp vào thị trường.

Thu Hương

huongnt

Bloomberg

Trở lên trên