MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bốn trụ cột trong tái cấu trúc khu vực doanh nghiệp nhà nước

28-07-2012 - 06:44 AM | Doanh nghiệp

Các trụ cột doanh nghiệp nhà nước khá hoàn chỉnh với những chức năng hỗ trợ nhau nhằm tiến tới tái cấu trúc và xây dựng một khu vực doanh nghiệp nhà nước kinh doanh hiệu quả.

Hiện nay, dựa theo chức năng, chúng ta có thể chia khu vực doanh nghiệp nhà nước thành 4 loại công ty và đây cũng là bốn trụ cột quan trọng trong quá trình tái cấu trúc khu vực này, đó là: (1) Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước SCIC, (2) Công ty Mua bán nợ và Tài sản DATC, (3) các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và (4) các định chế tài chính nhà nước.


Như vậy hiện nay, đã hình thành các trụ cột doanh nghiệp nhà nước khá hoàn chỉnh với những chức năng hỗ trợ nhau nhằm tiến tới tái cấu trúc và xây dựng một khu vực doanh nghiệp nhà nước kinh doanh hiệu quả.




Bảng 1: Chức năng của các loại doanh nghiệp nhà nước

STT

Loại công ty

Chức năng

1

Tổng Công ty Đầu tư và KD Vốn Nhà nước SCIC

Nhà đầu tư của Chính phủ, quản lý vốn đầu tư của nhà nước tại các doanh nghiệp. Các công ty được chuyển về cho SCIC thường là những công ty đủ điều kiện cổ phần hóa.

2

Công ty Mua bán nợ và Tài sản DATC

Xử lý nợ cho khu vực doanh nghiệp nhà nước. Đối tượng thuộc lĩnh vực do DATC tái cấu trúc thường là những công ty gặp khó khăn tài chính, âm vốn chủ sở hữu và không đủ điều kiện cổ phần hóa

3

Định chế tài chính quốc doanh

Gồm các ngân hàng thương mại và các công ty bảo hiểm, thực hiện chức năng trung gian tài chính, thường ưu tiên tài trợ vốn cho các doanh nghiệp nhà nước

4

Các tập đoàn, tổng công ty phi tài chính

Khai khoáng, sản xuất, thương mại, dịch vụ, thường kiêm nhiệm cả mục tiêu lợi nhuận và mục tiêu xã hội

 

Tái cấu trúc tự nguyện tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước

Các tập đoàn kinh tế nhà nước có tiềm lực tài chính nhưng đang gặp khó khăn thì chủ động tái cấu trúc để đưa về trạng thái phát triển cân bằng sau một thời gian phát triển nóng dựa trên tín dụng nhưng thiếu hiệu quả. Quá trình này được đặc trưng bởi ba xu hướng:

- Thứ nhất, xu hướng sáp nhập và hợp nhất các tổng công ty nhà nước thành tập đoàn có quy mô lớn: Thành lập Tập đoàn Sông Đà dựa trên sáp nhập 5 tổng công ty, Tập đoàn Hud dựa trên sáp nhập 4 tổng công ty, hợp nhất ba tổng công ty thủy sản thành Tổng Công ty Thủy sản Việt Nam, sáp nhập tổng công ty muối vào tổng công ty lương thực miền bắc…

- Thứ hai, thực hiện cổ phần hóa các công ty thành viên, tiến tới cổ phần hóa công ty mẹ tập đoàn, tổng công ty. Hiện nay về cơ bản, các tập đoàn kinh tế nhà nước đã hoàn thành việc cổ phần hóa các công ty thành viên. Nhiệm vụ chủ đạo của giai đoạn 2012 – 2015 là tập trung vào cổ phần hóa công ty mẹ của các tập đoàn, tổng công ty và các công ty thành viên có quy mô lớn.

- Thứ ba là thoái vốn và bán bớt vốn góp ở những mảng kinh doanh ngoài ngành kinh doanh chính kém hiệu quả.

Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước SCIC bán vốn ở những công ty nhỏ và tập trung góp vốn vào các công ty lớn

SCIC đóng vai trò rất quan trọng trong tái cấu trúc tài chính tại nhiều doanh nghiệp nhà nước do Tổng Công ty này quản lý. SCIC đóng vai trò nhà đầu tư định chế của Chính phủ, thực hiện việc bán vốn của những doanh nghiệp nhỏ, SCIC đang thu gọn đầu mối quản lý vốn để tập trung quản lý vốn tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước lớn đã được bàn giao về SCIC. Trong quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, SCIC đóng vai trò là một định chế đầu tư chuyên nghiệp, góp vốn cho các doanh nghiệp nhà nước để tái cấu trúc tài chính, giúp các công ty gia tăng tiềm lực tài chính một cách kịp thời. Bên cạnh đó, SCIC sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường quản trị công ty và thúc đẩy sự minh bạch tài chính tại các doanh nghiệp nhà nước.

Tái cấu trúc các công ty nhà nước thông qua mua bán nợ của DATC trong trường hợp các công ty bị thua lỗ nặng và không đủ điều kiện cổ phần hóa

Thay vì sử dụng cách tiếp cận thông qua thủ tục phá sản tại tòa án, Nhà nước đã sử dụng Công ty Mua bán nợ và Tài sản DATC là cách tiếp cận chủ đạo khi cần tái cấu trúc các công ty thua lỗ và không đủ điều kiện cổ phần hoá. Bằng việc tái cấu trúc thông qua mua bán nợ, DATC đã giúp vực dậy nhiều công ty nhà nước đứng trên bờ vực phá sản và thu hồi được các khoản nợ xấu trước đây. Với quyền hạn được trao và tiềm lực vốn chủ sở hữu lớn, DATC đã và đang thể hiện được tính hiệu quả khi tham gia tái cấu trúc hàng loạt các doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, do quy mô còn khiêm tốn so với khối lượng nợ xấu của nền kinh tế cũng như những giới hạn về quy mô nguồn lực tài chính và nhân sự, sẽ khó kỳ vọng vào việc DATC sẽ đóng vai trò lớn hơn trong việc tái cấu trúc khu vực doanh nghiệp nhà nước.

Các ngân hàng thương mại nhà nước đóng vai trò hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp nhà nước trong quá trình tái cấu trúc và tập trung xử lý nợ qua việc bán các khoản nợ xấu cho DATC hoặc công ty mua bán nợ trực thuộc

Các ngân hàng thương mại nhà nước, trước hết cũng có những tồn tại và phải chủ động thực hiện tái cấu trúc. Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại nhà nước đóng vai trò hỗ trợ tài chính để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tái cấu trúc tại các doanh nghiệp nhà nước. Việc các ngân hàng vội vã thu hồi vốn ở những công ty gặp khó khăn có thể đẩy các doanh nghiệp này vào tình thế bi đát hơn và không phải lúc nào phương án này cũng là tối ưu. Bên cạnh đó, để xử lý nợ tập trung, các ngân hàng thương mại nhà nước thường được yêu cầu bán những khoản nợ xấu cho DATC xử lý. Việc loại trừ các khoản nợ xấu cũng giúp tạo ra một ngân hàng lành mạnh khi cổ phần hóa. Việc tái cấu trúc thông qua cổ phần hóa đồng thời ngân hàng thương mại nhà nước và các tập đoàn kinh tế nhà nước sẽ đưa đến mối quan hệ mang tính hiệu quả kinh tế cao hơn và nền kinh tế sẽ có lợi từ việc cơ chế phân bổ nguồn lực thông qua tín dụng ngân hàng hiệu quả.

Cách tiếp cận chủ đạo trong tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước

Khi thực hiện tái cấu trúc công ty, có bốn cách tiếp cận cơ bản: (1) Tái cấu trúc tự nguyện, (2) Tái cấu trúc thông qua thương lượng ngoài toà án, (3) tái cấu trúc thông qua thủ tục phá sản dưới sự giám sát của toà án, (4) tái cấu trúc thông qua công ty quản lý tài sản hay công ty mua bán nợ.

Trong quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam, do tính nhạy cảm của vấn đề phá sản doanh nghiệp nên cách tiếp cận tái cấu trúc thông qua thủ tục phá sản rất hạn chế được sử dụng. Cách tiếp cận thông qua thương lượng với chủ nợ không thông qua toà án cũng mới chỉ manh nha áp dụng khi tái cấu trúc Tập đoàn Kinh tế Vinashin và hiện nhà nước chưa có quy định cụ thể về cơ chế thực hiện cũng như những khuyến khích đối với cách tiếp cận này. Như vậy có thể thấy rằng, đối với các doanh nghiệp nhà nước, có hai cách tiếp cận tái cấu trúc cơ bản: (1) Tái cấu trúc tự nguyện và (2) Tái cấu trúc thông qua công ty mua bán nợ.

Tuấn Dương

thanhhuong

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên